Hai rủi ro luôn ám ảnh VIS

Thanh Thiên 06/01/2018 06:40

Mặc dù doanh thu tăng trưởng tốt, nhưng việc kiểm soát giá vốn hàng bán không hiệu quả, khiến biên lợi nhuận gộp của Công ty CP Thép Việt Ý (HOSE:VIS) giảm khá mạnh. Ngoài ra, VIS cũng đang đối mặt với một số rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/1, cổ phiếu VIS đóng cửa ở 33.050 đồng/CP, giảm 0,75%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/1, cổ phiếu VIS đóng cửa ở 33.050 đồng/CP, giảm 0,75%.

Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính quý 3/2017, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VIS đạt 4.613 tỷ đồng, tăng 99,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần của doanh nghiệp này lại tăng lên mức 95,7%, so với mức 93,5% của cùng kỳ năm ngoái. Do đó, biên lợi nhuận của VIS đã giảm xuống mức 42,4%, so với mức 63,6% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, chi phí tài chính của VIS cũng tăng mạnh lên mức 64,6 tỷ đồng, tăng gần 65% so với cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay lên tới 63,6 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VIS đã giảm mạnh lần lượt xuống mức 9,2 tỷ đồng và 41,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 32% và 36% so với cùng kỳ. Tổng chỉ phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VIS chỉ chiếm khoảng 25% lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này, đây là mức khá hợp lý.

Kết thúc quý 3, lợi nhuận sau thuế của VIS đạt 67,3 tỷ đồng, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau 9 tháng đầu năm, VIS đã hoàn thành được gần 75% kế hoạch doanh thu, nhưng mới chỉ hoàn thành được khoảng 44% kế hoạch lợi nhuận năm 2017. Với tình hình sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua, VIS có thể hoàn thành được kế hoạch doanh thu 2017, nhưng khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến 30/9, tổng số nợ phải trả của VIS hơn 1.786 tỷ đồng, chiếm khoảng 61,6% tổng tài sản của doanh nghiệp này. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của VIS tại thời điểm nói trên là 1.110 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là 160%. Mặc dù dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VIS đã tăng mạnh trở lại trong 9 tháng đầu năm 2017, nhưng do nợ phải trả của doanh nghiệp này hoàn toàn là nợ ngắn hạn, nên áp lực trả nợ của VIS cũng không nhỏ, nhất là khi biên lợi nhuận của VIS đang có xu hướng giảm.

Nguy cơ bị chiếm dụng vốn

Kể từ khi CTCP Đầu tư Thương mại Thái Hưng trở thành cổ đông sở hữu cổ phần chi phối VIS, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này đã hiệu quả hơn. Sản lượng tiêu thụ của VIS đều tăng trường tốt. Đặc biệt, chi phí bán hàng và quản lý của VIS được kiểm soát khá tốt, chỉ ở mức khoảng 25% lợi nhuận gộp trong 9 tháng đầu năm 2017.

Do các nhà máy của VIS luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất thời gian qua, nên VIS đã phải mở rộng quy mô hoạt động của các nhà máy. Theo đó, ĐHĐCĐ 2017 đã quyết định nâng cấp các nhà máy hiện tại và xây dựng 2 nhà máy mới. Sau khi hoàn thành, các dự án này dự kiến sẽ bổ sung khoảng 500.000 tấn thép xây dựng và 700.000 tấn phôi thép trong 2-3 năm tới.  

Sau khi nhà máy cán thép ở Hải Phòng được đưa vào hoạt động, tổng sản lượng thép mà VIS tự sản xuất dự kiến sẽ đạt hơn 700.000 tấn, sản lượng thuê ngoài dự kiến khoảng hơn  100.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo FPTS, hiện nay VIS vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thứ nhất, trong những năm gần đây, do biến động mạnh của giá than coke, quặng sắt, thép phế liệu,… là những nguyên liệu chính để sản xuất thép, nên giá thép thành phẩm cũng biến động rất mạnh. Với việc tỷ suất lợi nhuận gộp của VIS chỉ ở mức 4 – 6% và tỷ suất lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 1 – 2 %, những biến động tiêu cực của giá thép có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của VIS. 

Thứ hai, CTCP Đầu tư Thương mại Thái Hưng đã trở thành cổ đông lớn nhất của VIS, đang kiểm soát cả đầu ra lẫn đầu vào của VIS. Do đó, sức mạnh mặc cả đối với nhà cung cấp lẫn khách hàng đều ở mức thấp, nên tỷ suất lợi nhuận có thể bị thu hẹp trong thời điểm thị trường tiêu thụ kém. Đồng thời, chính sách bán hàng nới lỏng cho công ty mẹ có thể sẽ khiến VIS bị chiếm dụng vốn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/1, cổ phiếu VIS đóng cửa ở 33.050 đồng/CP, giảm 0,75%. Trong vòng 01 năm qua, giá cổ phiếu VIS đã tăng khoảng 90%. Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, cổ phiếu của VIS hiện đang cao hơn mức định giá (khoảng 28.000đ/CP). Các chỉ số kỹ thuật cho thấy, hiện cổ phiếu VIS vẫn đang có xu hướng điều chỉnh về vùng 25.000-30.000đ/CP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hai rủi ro luôn ám ảnh VIS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO