Nhà đầu tư (NĐT) nên chủ động quản trị rủi ro trong giai đoạn này hơn là tìm cách kiếm lợi bằng mọi giá.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 4, chỉ số VnIndex đóng cửa tại 1.050,26 điểm, tương ứng mức giảm 10,58% so với đầu tháng, chấm dứt chuỗi 7 tháng tăng điểm liên tiếp trước đó. Như vậy, tháng 4 đã đánh dấu tháng giảm điểm mạnh nhất của TTCK Việt Nam trong vòng 7 năm (sau tháng 5/2011 với mức giảm 12,23%).
Áp lực điều chỉnh gia tăng
Sự điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán trong tháng 4 do áp lực chốt lời gia tăng sau khi đã tăng khá "nóng" trong năm 2017 và quý 1/2018. Có thời điểm, P/E VN-Index lên gần 22 lần và là chỉ số chứng khoán có P/E cao nhất Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, những lo ngại về chiến tranh thương mại lan rộng toàn cầu, lãi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, căng thẳng chính trị tại Syria…cũng ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến thị trường.
Ngoài ra, giao dịch khối ngoại cũng là yếu tố tác động tiêu cực tới thị trường trong tháng 4. Mặc dù khối ngoại đã mua ròng khoảng 1.600 tỷ đồng trên HoSE trong tháng 4, nhưng nếu trừ đi giao dịch mua thỏa thuận 3.600 tỷ tại Novaland thì khối ngoại đã bán ròng khoảng 2.000 tỷ. Việc khối ngoại bán mạnh trong tháng 4 đã tác động xấu tới tâm lý giới đầu tư trong nước.
Nhìn trên đồ thị kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang loanh quanh tại đường xu hướng tăng giá hình thành kể từ tháng 10/2017 vừa qua. Đây là vùng khá nhạy cảm bởi nếu xu hướng bất ngờ xấu đi thì VN-Index có thể rơi khỏi đường này. Khi đó, mục tiêu tiếp theo mà thị trường được hỗ trợ là 1.000-1.050 điểm. Nếu cầu mua bắt đáy tiếp tục gia tăng thì coi như đây là vùng an toàn đối với nhiều cổ phiếu.
Không nên quá bi quan
Thị trường khó hồi phục mạnh theo mẫu hình chữ V như đã từng diễn ra hồi tháng 2/2018, bởi tâm lý NĐT giai đoạn này không cao. Hơn nữa, các thông tin hỗ trợ chưa đủ mạnh và hầu hết đều đã phản ánh rõ vào giá cổ phiếu. Trong khi đó, chúng ta chuẩn bị bước vào tháng 5 với câu nói nổi tiếng “Sell in May” (Bán vào tháng 5) sẽ luôn tạo ra sự thận trọng cho NĐT.
Mặc dù thừa nhận rằng cần thận trọng cho giai đoạn này nhưng vùng đáy có thể đã và đang hình thành. Vì thế, gom mua những cổ phiếu cơ bản, đặc biệt có khả năng đạt kết quả kinh doanh năm 2018 cao sẽ là đối tượng cần đưa vào danh mục.
NĐT cần xem xét và xây dựng danh mục theo tiêu chí mới phù hợp với tình hình thị trường và đón nhận khả năng phục hồi sớm nhất. Năm 2018 tiếp tục được đánh giá là một năm tích cực đối với thị trường chứng khoán, nhờ tình hình kinh tế vĩ mô ổn đinh. Vì thế, NĐT không nên quá bi quan trước những diễn biến ngắn hạn, đặc biệt là áp lực mang tên margin. Để tạo ra kết quả đầu tư hiệu quả trong năm 2018, NĐT cần phải chủ động quản trị rủi ro trong giai đoạn này hơn là tìm cách kiếm lợi bằng mọi giá.