Đây là đề xuất kích cầu hàng không, du lịch nội địa từ lãnh đạo Vietjet Air tại hội thảo "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19".
Tại hội thảo do Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp cùng Ban IV và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức, ông Đinh Việt Phương, Phó tổng Giám đốc Vietjet Air cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội, hàng không là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất và nặng nề nhất khi nhiều hãng bay giảm tới 98% sản lượng.
Cũng theo ông Phương, với các hãng hàng không trong nước, mong muốn được bay là rất lớn. "Vì vậy, Vietjet mong muốn hợp tác với các công ty lữ hành thiết kế những gói kích cầu. Trong giai đoạn tháng 5, khi Thủ tướng tháo dỡ hạn chế đi lại, thị trường có sự thay đổi tích cực", lãnh đạo Vietjet Air cho biết.
Phó tổng giám đốc Vietjet Air đề xuất cần phải thay đổi thời gian nghỉ hè cho học sinh vì Tết Nguyên đán và hè là hai cao điểm quan trọng nhất của ngành hàng không nội địa.
"Nếu căn cứ vào lịch, thời gian hè cho các cháu rất ít, chúng ta nên có giải pháp nghỉ hè cho học sinh. Bên cạnh đó ngành hàng không đều mong muốn Chính phủ miễn, giảm thuế, cụ thể là thuế nhập khẩu, môi trường vì nhiên liệu hiện rất thấp... Điều này giúp chúng tôi có cơ hội đưa ra giá vé thấp", ông Phương nói.
Đại diện Vietjet Air cũng chia sẻ mong muốn thị trường hàng không quốc tế sớm mở cửa vì một số quốc gia đã có công tác phòng chống dịch tốt. Ông cũng cho biết thị trường quốc tế chiếm gần 50% doanh thu trong ngành du lịch, thị trường trong nước chỉ chiếm 50 - 60%.
Đồng tình với ông Phương, ông Trương Phương Thành, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng cần mở cửa lại bầu trời, "làm cách nào nối lại du lịch quốc tế, mở cửa để khách quốc tế đến Việt Nam và ngược lại", ông nói.
Theo ông Kenneth Atkinson, Phó chủ tịch TAB, việc mở cửa du lịch với những quốc gia đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 có thể giúp hồi sinh ngành du lịch Việt. "Chúng ta lưu ý một số thị trường quan trọng có thể mở cửa với họ như Australia, New Zealand, Thái Lan, tạo khu nghỉ dưỡng riêng biệt đảm bảo sự an toàn cho du khách", ông kiến nghị
Tuy nhiên theo TS. Lương Hoài Nam, thành viên TAB cho hay việc mở lại các đường bay quốc tế không thể là quá trình diễn ra một chiều. TS. Nam đề xuất Bộ Ngoại giao cần có vai trò kết nối đồng thuận hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia điểm đến.
Cũng tại hội nghị, các diễn giả cũng đề cập tới việc dù đường bay có mở lại, chính phủ nhiều nước vẫn kiên định với việc khuyến cáo công dân không đi du lịch nước ngoài trong thời gian dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, có thể khiến đường bay mở lại nhưng không mang hiệu quả.
Hiện các hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa khai thác thường lệ trở lại các đường bay quốc tế.
Về vấn đề nối lại các đường bay quốc tế, ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay Việt Nam sẽ theo dõi sát tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.