Những dự án FDI trong tình trạng “đi đâu không rõ” hoặc đã dừng hoạt động sẽ bị “trảm” để không còn tồn tại các con số “ảo” trong vốn đăng ký đầu tư của toàn ngành.
Theo đó, nhiều địa phương trên cả nước cùng đồng loạt triển khai hoạt động “trảm” này bắt đầu bằng việc đưa ra thông báo tìm kiếm “tung tích” các dự án FDI mà chủ đầu tư “đi đâu không rõ”.
Bởi theo quy định của pháp luật và cũng như trong thông báo của các địa phương, sau 90 ngày thông báo được phát ra, nếu chủ đầu tư không liên hệ với cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì việc chấm dứt hoạt động của dự án sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hàng loạt địa phương quyết “trảm”
Tại TP.Hồ Chí Minh, chỉ trong nửa đầu tháng 5/2018, các cơ quan chức năng đã đưa ra hàng loại thông báo tìm kiếm các chủ đầu tư các dự án đã dừng hoạt động từ lâu.
Điểm mặt, các dự án FDI rơi vào tình trạng này không rơi vào các nhóm nước nào cụ thể mà đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines.
Trong đó phải kể đến các dự án Weita (Samoa), Ventron Technologies Việt Nam (Mỹ), Thermatex Việt Nam (liên doanh với nhà đầu tư Australia), Caravans (Australia), Taa Wieu (Đài Loan), Korvet (Hàn Quốc), Hielectric (Đài Loan), C&N (Philippines), Maxrob (Mỹ)…
Được biết, TP.Hồ Chí Minh cũng thường xuyên rà soát các quy hoạch, các dự án đã giao đất cho chủ đầu tư để xử lý triệt để các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai. Theo đó, tổng số dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư và dự án có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất - kinh doanh, phúc lợi công cộng đang thực hiện trên địa bàn Thành phố là 1.269 dự án, tổng diện tích đất 18.930 ha.
Đến nay, UBND TP.HCM đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án với 5.915 ha và điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích của 10 dự án, giảm 33,8 ha. Ngoài ra, Thành phố đã giao các cơ quan liên quan tiến hành công khai thông tin xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ, rà soát nguồn gốc đất để tiến hành cấp giấy chủ quyền, giấy phép xây dựng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Trước đó, tháng 10/2017, Ban Quản lý các khu công nghiệp Hoà Bình cũng đã "truy lùng" chủ đầu tư của hai dự án: Nhà máy Bia Tiệp và KCN Lạc Thịnh. Mặc dù là hai dự án song chủ đầu tư thực sự của hai dự án này cùng là BTG Holding.
Trước tiên, phải kể đến dự án Nhà máy Bia Tiệp được cấp chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 10/2012. Khi đó dự án này được nhắc tới như một điển hình trong hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh Hoà Bình bởi đây là dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất từ trước tới thời điểm năm 2012.
Theo kế hoạch, BTG Holding sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất bia Tiệp với công suất 190 triệu lít/năm, tổng vốn đầu tư 86 triệu euro, cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Cuối năm 2013, dự án này đã được động thổ giai đoạn I, với quy mô vốn 45 triệu euro. Kế hoạch khi đó, sau lễ động thổ, nhà máy sẽ được xây dựng để có thể cho ra sản phẩm vào năm 2015. Sau đó, Tập đoàn BTG Holding sẽ khởi công nhà máy nhiệt điện trị giá 100 triệu euro và nhà máy sản xuất linh kiện ô tô trị giá 200 triệu euro.
Tuy nhiên, dự án đã trở thành “chiếc bánh vẽ” khi đã ngừng hoạt động vào tháng 10/2017. Đến nay, chủ đầu tư đi đâu không rõ tung tích.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hoà Bình, tháng 10/2017 là thời điểm BQL các khu công nghiệp tỉnh Hoà Bình lập biên bản để xác nhận dự án ngừng hoạt động, chứ thực tế, tung tích của chủ đầu tư đã không còn thông tin từ lâu. Theo đó, Dự án KCN Lạc Thịnh của tỉnh Hoà Bình cũng có chung số phận như trên.
Loại bỏ những con số “ảo”
Nhìn vào thực tế, có thể thấy rằng, việc “trảm” các dự án FDI nói trên chỉ mang ý nghĩa về mặt thủ tục, giấy tờ, bởi trên thực tế, các dự án này đều đã không hoạt động từ lâu.
Ví dự như các dự án Weita được xác định thời điểm ngừng hoạt động là tháng 8/2004, Dự án Ventron Technoligies Việt Nam ngừng hoạt động từ ngày 1/8/2010 hay như dự án Thermatex cũng đãn dừng hoạt động từ tháng 3/2011. Ngoài ra, dự án Korvet cũng đã dừng hoạt động vào tháng 8/2004 và dự án Caravans dừng hoạt động năm 2012… Như vậy có thể thấy, các dự án này đã dừng hoạt động 14 - 15 năm, song vẫn chưa được “khai tử” và vẫn tồn tại trên danh nghĩa.
Bên cạnh câu chuyện nhà đầu tư bỏ trốn để lại những khoản nợ "khổng lồ" về thuế, tiền lương, bảo hiểm xã hội tính đến nay vẫn chưa được xử lý thì cũng phải kể đến việc những con số đăng ký còn "dư lại" từ các dự án này vẫn đang nằm trong bảng tổng hợp số dự án và vốn thu hút FDI hàng tháng.
Vì vậy, sớm “khai tử” các dự án đã ngừng hoạt động hoặc chủ đầu tư đi đâu không rõ cũng chính là cách đưa các con số thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, số vốn đăng ký, số dự án một cách thực chất hơn.