Hành trình đưa củ ấu vào siêu thị của cô giáo Đồng Tháp

Theo vnexpress 28/03/2018 06:16

Củ ấu dân dã sau khi tách vỏ đã vào các kênh phân phối hiện đại, với giá trị tăng nhiều lần so với sản phẩm thô.

Vài tháng trở lại đây, "Đường ấu Lấp Vò" - cách gọi quen thuộc của Quốc lộ 80, đoạn chạy qua ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - như khoác lên chiếc áo mới. Thay vì những sạp hàng mái lá lụp xụp, khu vực này xuất hiện nhiều quầy với khung sắt vách tôn kiên cố. Mái che có thiết kế bắt mắt, mô phỏng củ ấu, tạo ấn tượng với du khách ngang qua đoạn đường này.

Theo người dân địa phương, đây là chủ trương của UBND xã Vĩnh Thạnh, nhằm tạo mỹ quan cho khu vực đồng thời quảng bá đặc sản địa phương. Sự thay đổi này phần nào đến từ thành công của dự án sản xuất củ ấu tươi tách vỏ của cô giáo Nguyễn Anh Thy đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp Đồng Tháp năm 2017.

Cô Nguyễn Anh Thy đoạt giải nhất cuộc thi dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2017. Nguồn: NVCC.

Cô Nguyễn Anh Thy đoạt giải nhất cuộc thi dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2017. Nguồn: NVCC.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất lũ Lấp Vò, từ nhỏ, cô Thy đã thấu hiểu nỗi cơ cực của người nông dân nơi đây. Khi ra trường, trở lại quê hương để công tác giảng dạy ở Trường Năng khiếu Thể dục Thể thao Đồng Tháp, cô vẫn ấp ủ mong muốn tăng giá trị cho các loại nông sản địa phương, giúp bà con có thêm thu nhập.

Năm 2012, Sen Ta Team do cô Thy và nhóm bạn hợp tác ra đời với ý tưởng ban đầu là kinh doanh các sản phẩm liên quan đến sen. Trong đó, cơ sở Sen Ta tại Đồng Tháp do cô và chồng quản lý chuyên trách xây dựng vùng nguyên liệu, làm việc với nông dân, sơ chế và chuyển hàng về TP HCM. Nhóm bạn tại TP HCM chịu trách nhiệm phân phối và làm thương hiệu sản phẩm.

Sau 5 năm kiên trì làm việc, các sản phẩm của nhóm đã có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Không muốn dừng lại ở đó, nhóm khởi nghiệp lên kế hoạch mở rộng thêm với nông đặc sản khác của địa phương - củ ấu.

Ấu dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và có thể chuyên canh ba vụ hoặc luân canh với lúa nên diện tích tăng lên rất nhanh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, ấu được trồng nhiều tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang,… Nhưng huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp mới là thủ phủ của cây này. Chỉ tính riêng hai xã Long Hưng B và Vĩnh Thạnh đã có 190 ha trồng ấu. Tuy nhiên, ấu đang được thu mua với giá khá thấp, trung bình 5.000-6.000 đồng một kg, lúc cao điểm cũng chỉ lên 10.000-12.000 đồng mỗi kg.

Đây là loại thực phẩm sạch và giàu dinh dưỡng, tại các địa phương trồng nhiều, người dân chế biến nhiều món ăn ngon như: chè củ ấu, vịt nấu củ ấu, heo quay nấu củ ấu, củ ấu hầm xương, củ ấu chiên bột, dưa chua củ ấu… Nhưng đa phần người tiêu dùng chỉ biết đến món luộc, bày bán ven đường như món quà quê dân dã.

Để thương mại tốt, khâu chế biến cần dễ dàng hơn, vì vỏ rất cứng, khó tách. Xác định được điểm mấu chốt đó, cô bắt đầu tìm hiểu nghề tách vỏ ấu, tìm nhân công, nghiên cứu cách bảo quản, đóng gói.

Việc khó nên tìm người làm cũng khó. Lao động học việc cả 2 tháng mới tách được năng suất 5-7 kg mỗi ngày và chỉ tách ấu lớn. Ấu nhỏ tách rất nguy hiểm, dễ bị thương. "Khó khăn nhất là tìm nhân công, do việc tách vỏ ấu không phổ biến. Mình phải nhờ đến sự giới thiệu của rất nhiều người mới tìm người vừa ý", cô chia sẻ.

Công nhân tách vỏ từ củ ấu tươi. Nguồn: NVCC.

Công nhân tách vỏ từ củ ấu tươi. Nguồn: NVCC.

Do chưa quen đặc tính của loại nông sản này, nêu lúc đầu, ấu bể nát nhiều hoặc chuyển sang màu đen, không đẹp mắt. Không bán ra ngoài sản phẩm chưa đủ chất lượng, cô giáo trẻ tận dụng để chế biến món ăn cho gia đình và nghiên cứu thêm các món ăn mới. Ấu tách xong rửa qua nước nhiều lần, lựa bỏ ruột bể vụn, hong khô rồi đóng gói, hút chân không và bảo quản lạnh có hạn sử dụng 15-30 ngày tùy nhiệt độ.

Tháng 8/2017, tận dụng kênh phân phối hiện có, Sen Ta đưa củ ấu tươi tách vỏ vào các siêu thị như Co.op Mart, AEON Mall và Auchan với số lượng chỉ 1-2kg mỗi ngày một siêu thị. Nhưng do chưa được nhiều người biết đến nên bán rất chậm. Nhóm chịu lỗ hoàn toàn. Là người tiên phong, cô và những người sáng lập tạo sự chú ý bằng bao bì bắt mắt, có hình ảnh gợi ý các món ăn ngon từ ấu, đính kèm các ấn phẩm giới thiệu công dụng và cách chế biến.

Năm 2017, một số cán bộ địa phương động viên cô tham gia cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Dự án đoạt giải nhất nhờ tính hữu ích và tận dụng các thế mạnh của địa phương. Cũng từ cuộc thi này, cái nhìn về củ ấu cũng đã thay đổi, điển hình là sự hình thành của "phố ấu" ngày nay. Sản phẩm của nhóm cũng nhờ đó được nhiều người biết đến và có doanh số tốt hơn.

Sau thời gian kiên trì, đến nay, củ ấu tách vỏ đã có khách hàng quen là những bà nội trợ muốn tìm món ăn mới cho gia đình. Một số nhà hàng cũng đặt vấn đề lấy hàng với số lượng lớn. Năng suất sản xuất của xưởng hiện đã tăng lên 50kg mỗi ngày, suốt từ trước Tết đến nay.

Nhận thấy thị trường còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, nhóm của cô quyết định thành lập thêm một công ty để tập trung phát triển và thu hút đầu tư cho ấu. Tháng 1/2018, công ty chuyên về ấu do cô Thy làm giám đốc. Tháng 3/2018, củ ấu tươi tách vỏ chào hàng thành công vào hệ thống Vinmart. Sắp tới, công ty sẽ giới thiệu thêm nhiều sản phẩm mới từ ấu như sữa ấu, snack ấu. Những hoạt động tích cực này làm tăng nhu cầu củ ấu tươi, tạo đầu ra tốt cho người dân trồng ấu.

"Lúc đầu mình làm vì muốn tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản của Đồng Tháp thôi. Nhờ cuộc thi, mọi người biết đến mình, đến ấu nhiều hơn. Mình cũng tự hào vì đóng góp một phần nào đó cho địa phương", cô Thy tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hành trình đưa củ ấu vào siêu thị của cô giáo Đồng Tháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO