Hành trình khởi nghiệp của cô thạc sĩ kinh tế đối ngoại

Diendandoanhnghiep.vn Chị Lê Thị Thùy Dung (sinh năm 1986) quyết định khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với mô hình trồng rau thủy canh doanh thu đạt khoảng 600 - 700 triệu đồng/năm.

>>Trồng rau thủy canh theo kiểu Malaysia, 8X kiếm 20 triệu mỗi tháng

Trang trại Thủy Canh Phố của chị Lê Thị Thùy Dung (người bên phải ảnh) ở thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến (Đông Sơn).

Trang trại Thủy Canh Phố của chị Lê Thị Thùy Dung (người bên phải ảnh) ở thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến (Đông Sơn).

Với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành kinh tế đối ngoại, sau nhiều năm làm việc tại các doanh nghiệp có tên tuổi với vị trí và mức lương nhiều người mơ ước, nhưng chị Lê Thị Thùy Dung (sinh năm 1986) đã quyết định rẽ hướng sang khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) với mô hình trồng rau thủy canh, cung cấp cho thị trường hơn 20 tấn rau sạch/năm.

Bước ngoặt cuộc đời

Một ngày tháng 5, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau thủy canh của Công ty CP Thủy Canh Phố, ở thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến (Đông Sơn). Một không gian yên bình nằm ven Quốc lộ 45 với khu nhà màng bạt ngàn rau xanh các loại. Chị Lê Thị Thùy Dung, Giám đốc Công ty CP Thủy Canh Phố - một người phụ nữ nhỏ nhắn, trẻ trung, ánh mắt nhanh nhẹn niềm nở đón khách bằng nụ cười tươi tắn.

Vừa dẫn tôi đi tham quan trang trại, chị Dung vừa nhớ lại những kỷ niệm khó quên bản thân đã trải qua. Tốt nghiệp Khoa Kinh tế Đối ngoại, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2009 với tấm bằng loại ưu và nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hà Nội... vì có thành tích xuất sắc trong các hoạt động phong trào, sau khi ra trường, chị Dung tiếp tục học lên thạc sĩ rồi được tuyển dụng vào làm việc tại một doanh nghiệp bánh kẹo lớn ở Hà Nội. Năng lực công việc và sự năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm đã giúp chị nhanh chóng được bổ nhiệm vị trí trưởng ngành hàng. Thế nhưng, sau 4 năm làm việc tại thủ đô, vì gia đình nhỏ của mình, chị Dung chuyển công tác về Thanh Hóa và làm việc tại Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, rồi chuyển sang Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông – một công ty thành viên của Tập đoàn Tiến Nông với cương vị là trưởng phòng NNCNC. Có lẽ những ngày tháng gắn bó với một doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, gắn bó với khoa học, công nghệ và sứ mệnh mang lại giá trị bền vững cho người nông dân đã giúp chị Dung “bén duyên” với nông nghiệp – một lĩnh vực mà trước đây chị không ngờ tới. Quá trình làm việc tại đây đã giúp chị Dung có nhiều cơ hội tiếp cận với các mô hình nông nghiệp hiện đại, nhất là các giải pháp mới về NNCNC, từ đó đam mê và hình thành ý tưởng khởi nghiệp ở lĩnh vực này.

>> Khởi nghiệp từ mô hình trồng rau thủy canh 

>> Thu nhập 50-60 triệu/tháng từ vườn rau thủy canh

“Trước khi thực hiện những dự định ấp ủ, mình và chồng đã dành thời gian đi tham quan rất nhiều mô hình ở Đà Lạt, Lâm Đồng – nơi được xem là thủ phủ của NNCNC. Tuy nhiên, khí hậu ở vùng đất ấy quá khác so với mảnh đất miền Trung khắc nghiệt, mùa hè quá nóng, mùa đông quá lạnh, thời điểm giao mùa thì nồm ẩm, hanh khô dễ gây bệnh cho cây trồng. Bọn mình cũng lặn lội đến các mô hình ở Nam Định, Hà Nội rồi lại vào TP Hồ Chí Minh để tham quan học hỏi, thậm chí có lúc còn nghe lời khuyên từ bỏ của một số đàn anh, đàn chị đi trước, thế nhưng bằng niềm đam mê, quyết tâm cùng những hiểu biết về sự chuyển dịch của thị trường tiêu dùng, mình vẫn kiên định thực hiện và thuyết phục người thân trong gia đình ủng hộ quyết định có tính bước ngoặt này”, chị Dung nhớ lại.

Năm 2019, chị Dung nghỉ việc tại Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông và bắt đầu hướng đi của riêng mình. Ban đầu chị thuê lại 1.500m2 đất của tư nhân, đầu tư xây nhà màng và các công trình phụ trợ để trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu. Ở thời điểm đó, tại Thanh Hóa trồng rau thủy canh là mô hình rất mới. Hầu như người dân chưa biết đến phương pháp trồng rau này cũng như sử dụng các sản phẩm rau thủy canh. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Dung quyết định phát triển mô hình rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa với thương hiệu “Thủy Canh Phố”.

“Thời gian đầu khi mới đưa mô hình vào vận hành, thật sự là quãng thời gian vất vả. Nhiều đêm thức trắng, đau đầu vì xoay xở vốn, bởi chi phí đầu tư lớn, lại chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ ưu đãi. Đến khi xây dựng xong cơ sở vật chất thì nhiều hôm làm việc đến 9, 10 giờ đêm vẫn chưa xong vì còn phải tính toán, sắp xếp công việc để có thể vận hành, tổ chức sản xuất một cách trơn tru và bài bản; định vị sản phẩm ngay từ đầu, hệ thống tem, nhãn mác phải hoàn thiện đầy đủ trước khi đưa ra thị trường. Có những thời điểm, cảm thấy tinh thần đi xuống nhưng rồi bằng sự nỗ lực và quyết tâm, tự biết tạo ra động lực để vượt qua chính mình, vượt qua thử thách thì sẽ có được thành quả đáp lại”, chị Dung chia sẻ.

Ở khâu sản xuất vất vả là vậy, khâu kinh doanh, ổn định thị trường tiêu thụ cũng là bài toán đau đầu cho những “lính mới” như Thủy Canh Phố. Những ngày, tháng bon bon trên chiếc xe với những túi rau thủy canh đóng gói, dán tem nhãn cẩn thận lượn khắp các cửa hàng, siêu thị trong thành phố để chào hàng, gửi bán, rồi lại đến từng nhà giao hàng lẻ cho khách để quảng cáo sản phẩm. “Kỷ niệm không thể nào quên được đó là một hôm khi đợi giao hàng cho khách lẻ trước cửa Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa thì tình cờ giám đốc của siêu thị đi ngang qua, nhìn thấy những túi rau xanh được xếp ngay ngắn trong bao bì, với cái nhãn mác hình chiếc lá ấn tượng, lật đi lật lại túi rau, vị giám đốc đã trực tiếp hỏi: Tại sao không đưa sản phẩm này vào bán ở siêu thị? Câu hỏi từ lần tình cờ và may mắn đó đã giúp tôi có thêm động lực để hoàn thiện các giấy tờ cần thiết, đủ điều kiện về hàng hóa; đại diện Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa đã trực tiếp đến trang trại để đánh giá sản phẩm... Cứ như vậy, rau xanh của Thủy Canh Phố đã được bày bán trên kệ hàng của Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa. Hiện tại, các sản phẩm đã có mặt tại hệ thống Siêu thị Co.op Food, các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch không chỉ nội tỉnh mà còn ở Hà Nội, Điện Biên, Nghệ An, Thái Bình...” - chị Dung kể.

Nhọc nhằn để “kết trái, đơm hoa”

Theo chị Dung, trồng rau thủy canh phải tuân thủ kỹ thuật mới đạt năng suất, chất lượng cao. Hạt giống được gieo khoảng 10 - 12 ngày cho nảy mầm, sau đó đưa lên giàn thủy canh khoảng 25 - 30 ngày sẽ cho thu hoạch, tùy từng loại rau, thời gian có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn vài ngày. Ưu điểm của loại hình trồng rau thủy canh là rút ngắn thời gian sinh trưởng, năng suất, độ đồng đều về mẫu mã và chất lượng sản phẩm cao nên thu nhập cao hơn hẳn so với sản xuất rau truyền thống. Hơn nữa, rau thủy canh là mô hình mới song lại có ưu thế phát triển trong tương lai bởi nhu cầu của con người ngày càng thay đổi, đó là ăn ngon, ăn sạch và chú trọng nhiều hơn tới việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Sản phẩm của Thủy Canh Phố khá đa dạng, tập trung vào các dòng rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng cao, như: xà lách, cải kale, rau chân vịt, cải bó xôi... Ngoài ra, đơn vị trồng thêm một số loại rau trái vụ mùa hè như: cải canh, cải ngọt, cải ngồng... Đến nay, với diện tích 1.000m2 được bao kín bằng ni lông đảm bảo cả về ánh sáng, nguồn nước, dinh dưỡng để rau phát triển đủ về chất và lượng, trang trại Thủy Canh Phố cho thu hoạch 2 - 2,5 tấn rau/tháng, xoay vòng có thể đạt 10 - 12 vụ/năm nên tổng sản lượng có thể đạt mức 20 - 25 tấn rau/năm; doanh thu đạt khoảng 600 - 700 triệu đồng/năm, trừ chi phí, lợi nhuận thu về được hơn 200 triệu đồng/năm. Mô hình mang lại việc làm ổn định cho 4 lao động chính với thu nhập 5 - 6 triệu đồng người/tháng. Nét nổi bật trong mô hình là nhiều khâu tự động hóa, giải phóng được phần lớn thời gian, công sức của con người. Từ hệ thống bơm tưới giàn thủy canh được hẹn giờ tự động, hệ thống giàn phun sương, cảnh báo nhiệt độ được điều khiển từ xa trên các ứng dụng của điện thoại thông minh...

Trước đây, nhiều người chưa hiểu đúng và đủ về khái niệm rau thủy canh. Đa phần mọi người còn cho rằng rau thủy canh ăn nhạt, không ngon bằng rau trồng đất. Để người tiêu dùng dần thay đổi quan niệm này, chị Dung cho rằng: Trang trại Thủy Canh Phố và những sản phẩm được sản xuất tại đây chính là địa điểm để nhiều người trực tiếp trải nghiệm, học hỏi về quá trình canh tác, trực tiếp kiểm chứng và cảm nhận về chất lượng rau thủy canh, từ đó có những đánh giá nhìn nhận khách quan hơn. Hiện nay, sản phẩm của Thủy Canh Phố đã được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Có thời điểm quy mô sản xuất của trang trại không đủ cung cấp cho thị trường, thậm chí cháy hàng trong những tháng mùa hè.

Nối dài câu chuyện về hành trình khởi nghiệp trồng rau thủy canh, chị Dung cho biết thêm: Những thành công bước đầu sau hơn 2 năm đi vào sản xuất đã giúp chị Dung có thêm điều kiện và kinh nghiệm để chia sẻ với mọi người, nhất là những người đam mê và có ý định khởi nghiệp NNCNC. Vì thế, hiện nay, ngoài việc tổ chức sản xuất tại trang trại thủy canh, chị Dung còn mở rộng thêm khu sản xuất NNCNC tại thị trấn Thiệu Hóa. Bên cạnh đó, chị Dung cũng trực tiếp đi chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều đơn vị khác. Đơn vị đã chuyển giao thành công 5 mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Nông Cống, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn và đang chuẩn bị tiếp tục chuyển giao thêm nhiều mô hình mới. Nhiệm vụ trong quá trình chuyển giao của đơn vị là thi công trọn gói hệ thống nhà màng, giàn trồng, chuyển giao quy trình sản xuất, theo hỗ trợ sản xuất và bao tiêu trọn gói sản phẩm đầu ra trong 3 - 6 tháng đầu để các chủ đầu tư yên tâm sản xuất. Niềm vui và động lực của chị trong công việc là được thấy những nỗ lực bước đầu của mình có thể giúp những hộ nông dân làm nông nghiệp thuần túy trước đây được tiếp cận với công nghệ mới, lao động đỡ vất vả hơn và thu nhập cũng cao hơn. Ở nhiều mô hình bên chị chuyển giao, rau thu hoạch đến đâu được người dân mua đến đó.

Trào lưu thanh niên quay trở lại phát triển nông nghiệp là một xu hướng được nhiều người trẻ lựa chọn. “Khởi nghiệp từ NNCNC là một lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, lợi nhuận thu về chậm, song ổn định và có xu hướng phát triển trong tương lai bởi thay đổi của người tiêu dùng về nhu cầu ăn uống. Nhiều người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp vào lĩnh vực NNCNC, song để có thể “ăn nên làm ra” với con đường làm nông nghiệp sạch thì không chỉ có niềm đam mê và quyết tâm mà phải có cả chiến lược dài hơi để có thể trụ vững. Con đường phía trước còn rất dài và cần nhiều nữa sự động viên, hỗ trợ để những người trẻ tiếp tục đam mê và cống hiến...”, chị Dung nhấn mạnh.

Khi nhịp sống thường nhật đã quay trở lại, các trang trại NNCNC trên địa bàn tỉnh lại hối hả những mùa vụ sản xuất mới. Biết bao mồ hôi, công sức của những người nông dân thế hệ mới, thế hệ 4.0 đã và đang nỗ lực từng ngày để mỗi mùa “kết trái, đơm hoa” dù con đường phát triển NNCNC phía trước còn đầy thách thức, chông gai.

https://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/thuy-canh-pho-va-hanh-trinh-khoi-nghiep-cua-co-thac-si-kinh-te-doi-ngoai/159782.htm

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hành trình khởi nghiệp của cô thạc sĩ kinh tế đối ngoại tại chuyên mục Khởi nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713290849 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713290849 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10