Gần đây, hàng loạt trang báo lớn quốc tế dẫn 1 bài điều tra của Which? - Tạp chí tiêu dùng nổi tiếng của Anh - về những nhóm trên Facebook chuyên mua bán các đánh giá trên Amazon.
Hai nhóm với 87.000 thành viên mà Which? chỉ ra chỉ là phần nhỏ trong Thế giới sản xuất những đánh giá giả. Những đánh giá giả này đóng vai trò như công cụ điều hướng khách hàng, khi 97% khách hàng online sử dụng những đánh giá này để quyết định hành vi mua hàng của mình.
Có thể bạn quan tâm
20:23, 21/11/2017
16:57, 16/02/2017
00:00, 04/07/2012
Đánh giá "fake"
Mỗi giờ, trên các group có vô vàn công ty đăng sản phẩm, cùng yêu cầu về người có thể tham gia “thương vụ”. Người tham gia sẽ mua món hàng đó để có chứng nhận “xác nhận đã mua hàng” từ Amazon, giúp đánh giá có uy tín hơn. Họ phải viết 1 đánh giá 5 sao cho sản phẩm, bất kể chất lượng sản phẩm có ra sao.
Khi kiểm tra thấy đánh giá đúng yêu cầu, công ty sẽ hoàn trả tiền mua hàng, cộng thêm 1 khoản tiền thưởng nhỏ khác cho “đối tác”.
“Công việc” kỳ lạ này mang lại nguồn thu đáng kể cho rất nhiều người, giúp các công ty bán được nhiều sản phẩm hơn, đặc biệt là các công ty châu Á muốn gia nhập thị trường Âu - Mỹ.
Nhưng cũng theo khảo sát của Which?, công việc này làm ⅓ số người mua hàng online cảm thấy hối hận sau khi mua hàng.
Điều đáng nói là, công việc này lại được rao công khai tại những group mở trên facebook, những trang tuyển việc, và đặc biệt là những nền tảng dành cho freelancer (người làm việc tự do).
"Chuyên gia" fake
Với sự phát triển của công nghệ, thì nhu cầu về các khoá học online ngày càng tăng. Để bán được những khoá học này, không ít người tự phong cho mình làm “chuyên gia”.
“Chuyên gia bán hàng online”, “Chuyên gia khởi nghiệp”, “Chuyên gia tài chính” - các chuyên gia tự phong lấy cái mác này để lợi dụng lòng tin mọi người, bán sách và các khoá học online.
Không chỉ dừng ở đó, các “chuyên gia” này còn dụ dỗ mọi người vào hệ thống đa cấp của họ. Như vụ tiến sĩ tự phong Phạm Thanh Hải với trang web hoclamgiau.vn đã lừa đảo hơn 500 tỷ đồng từ hơn 500 người.
Trong quyển sách “Cái chết của những chuyên gia”, Tom Nichols cũng lột tả sự thật đau đớn về việc thời nay người ta không còn tin vào những chuyên gia thật sự - những người mà dành hàng chục năm nghiên cứu và lao động trong lĩnh vực của họ. Người ta tin vào những chuyên gia tự phong, những bài viết vu vơ trên facebook, những thông tin không được xác nhận mà họ google được.
Và có người đã thật sự trả giá vì điều đó. Mới chỉ đầu năm nay, trào lưu “sinh con thuận theo tự nhiên” của “chuyên gia” Lê Nhất Phương Hồng nổi lên như cồn. Tư tưởng mà bà phổ biến trong 1 khoá tập huấn trị giá 15 triệu - sinh con tại nhà không cần đi bệnh viện - đã khiến 2 mẹ con sản phụ bị tử vong.
Tin tức "fake"
Tin tức fake không còn xa lạ gì với người Việt Nam. Tuy nhiên, tin tức fake không chỉ dừng lại ở mức độ tự phát như các trang bán hàng online tung tin gây chú ý kiểu “Bắt cóc trẻ em lấy nội tạng”, hay nhằm để điều hướng dư luận với mục đích chính trị.
Tin tức fake hiện được “công nghiệp hoá - tự động hoá” với mục đích kinh tế.
Một trong những “dịch vụ” đó có tên là “Bơm và Xả”, chuyên dùng để thao túng thị trường tài chính, giúp cá mập săn những con mồi ngây thơ.
Công thức của dịch vụ là: Bơm cho 1 mã cổ phiếu, hay 1 đồng tiền điện tử để nó tăng giá kịch trần, sau đó Xả để nó giảm giá chạm đáy. Cá mập là những người điều khiển cuộc chơi, họ sẽ mua vào ở đáy và bán ra ở đỉnh. Con mồi mắc kẹt trong những làn sóng này là những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, họ dễ dàng bị những con cá mập xơi tái.
Điều đáng nói là những “dịch vụ” này được cung cấp bởi những phần mềm tự động, chỉ với giá dùng thử 7$/tháng. Phần mềm đủ thông minh để tạo ra nội dung giả, và tự động đăng tràn lan lên group facebook, diễn đàn, blog, tạo ra những niềm tin sai lầm về thị trường.
Những phần mềm này rất phổ biến, và được chuyên môn hoá cho từng tác vụ: từ thao túng thị trường tài chính, đến spam bán hàng online. Kể cả một người không chuyên về công nghệ, không giỏi về sáng tạo nội dung, ai ai cũng có thể dễ dàng thực hiện hành vi tạo và phát tán tin tức giả.
Với tốc độ này, liệu 1 ngày nào đó tin tức giả sẽ vượt số lượng tin tức thật trên internet?
Tin tức fake cũng là 1 chiêu bài cực mạnh nhằm hạ uy tín đối thủ cạnh tranh, đây là 1 loại hình cạnh tranh không lành mạnh. Như, bạn có còn nhớ đến vụ “công phá” nước mắm truyền thống của báo Thanh Niên? Chỉ cần 1 mẩu tin tức sai sự thật rằng nước mắm truyền thống có chứa thạch tín, đã làm ngành nước mắm truyền thống tổn hại cực kỳ nghiêm trọng, và giúp nước mắm công nghiệp như của Masan phát triển như vũ bão.
Hay như bộ sách “Giáo dục công nghệ” của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Chưa nói đến nội dung của sách, chỉ bàn riêng công cụ ô vuông được ông áp dụng để dạy các bé tập đọc. Công cụ này hết sức bình thường, thì lại bị xuyên tạc, đưa ra làm trò cười, thậm chí bị gán với cái mưu đồ “biến tiếng Việt thành chữ tượng hình. Những thông tin cố tình bị bóp méo này bắt nguồn từ đâu? Liệu có bàn tay của những bên xuất bản sách tham gia để dìm bộ sách của ông xuống?
Đây chính là thị trường
Dù bao nhiêu người đã bị phạt nặng vì phát tán thông tin giả, họ vẫn bất chấp phát tán thêm thông tin giả. Dù bao nhiêu lần Amazon, Facebook, Google thay đổi thuật toán, họ vẫn sẽ tìm được cách lách luật. Cuộc chiến thật giả mãi không có hồi kết.
Đó chính là cái cách thị trường hoạt động. Thị trường tạo ra 1 môi trường cạnh tranh cho mọi hàng hoá, dịch vụ, thì nó cũng tạo ra môi trường cạnh tranh cho Sự thật và Giả dối.
Người ta thường nói doanh nghiệp để tồn tại được trong thị trường phải vận động không ngừng. Nhưng nói vậy là thiếu, ngay cả người tiêu dùng muốn tồn tại được trong thị trường cũng phải vận động không ngừng.
Nếu không họ sẽ bị đội ngũ marketing của các công ty thổi vào đầu những nhu cầu không cần thiết, và mang về nhà hàng đống thứ đồ vô dụng. Nếu không họ sẽ bị các thế lực nhồi nhét ý tưởng vào đầu, trở thành những con tốt đấu tranh cho họ.
Nếu người tiêu dùng không học được bài học: biết phân biệt đâu là thật, đâu là giả, nên đọc cái gì, và nên tin vào ai. Thì họ sẽ trở thành những con mồi ngon ăn cho kẻ khác. Thị trường vốn dĩ khắc nghiệt như vậy, chúng ta những người sống trong thị trường không còn cách nào khác phải sẵn sàng với cuộc chơi.