Hậu COVID-19: Làn sóng đầu tư thứ ba từ Hàn Quốc sẽ chú trọng vào lĩnh vực nào?

Thy Hằng 18/05/2020 11:28

Hàn Quốc - một trong những nhà đầu tư FDI hàng đầu của Việt Nam cho biết sẽ phát triển trọng tâm vào lĩnh vực tài chính tại Việt Nam với không chỉ các nhà đầu tư lớn mà cả các startup.

Chia sẻ với DĐDN, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) nhận định, hậu COVID-19, không riêng nhà đầu tư Hàn Quốc mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ tìm đến đầu tư tại Việt Nam dù trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư tại khu vực với các “láng giềng” như Indonesia, Philippines, Thái Lan ngày càng gay gắt.

“Việt Nam có lợi thế lớn so với các nước trong khu vực, nhất là tình hình chính trị - xã hội ổn định, chính sách cởi mở, nhất là sự hỗ trợ tận tình của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp các nhà đầu tư nước ngoài tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục, pháp lý… mà không phải chính phủ nào cũng làm được như vậy”, ông Hong Sun nói.

Đặc biệt, trả lời câu hỏi của DĐDN về lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt quan tâm sau đại dịch, Phó Chủ tịch Korcham cho biết, dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu khi rót vốn vào Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung vào các dự án đầu tư tận dụng ưu thế lực lao động lớn của Việt Nam như các dự án dệt may, thủy sản, giày dép. Đây là giai đoạn nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam xây dựng các nhà máy sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng không quá cao.

Bước sang giai đoạn thứ hai, làn sóng đầu tư này được ghi dấu bằng sự hiện diện của Samsung Electronics và nhiều công ty khác nhằm phát triển các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện và thiết bị điện tử…Đây là các dự án công nghệ cao được nhà đầu tư Hàn Quốc chú trọng ở làn sóng đầu tư thứ hai.

Đến làn sóng đầu tư thứ ba, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp mà tập trung cho đầu tư gián tiếp vào thị trường Việt Nam.

“Bằng chứng là ngày càng nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng và tài chính của Hàn Quốc tiến vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng đầu tư vốn vào Việt Nam”, ông Hong Sun nói.

Cùng với đó, quy mô dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc cũng ngày càng đa dạng, không chỉ những tập đoàn lớn, những doanh nghiệp vừa và nhỏ mà nay là có cả startup của Hàn Quốc cũng đã đặt chân vào thị trường Việt Nam.

Thậm chí, với sự tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, Phó Chủ tịch Korcham tin tưởng rằng các startup có thể nhanh chóng lớn mạnh thành những “ông lớn” như Amazon, Apple hay Google.

“Như vậy chúng tôi đã có làn sóng đầu tư thứ ba vào Việt Nam, từ đầu tư sử dụng nhiều lao động đến lĩnh vực công nghệ cao và nay là đầu tư gián tiếp là tài chính. Đặc biệt, cả ba lĩnh vực này tồn tại cùng lúc cho thấy đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam là đầu tư toàn diện”, ông Hong Sun nhấn mạnh.

Hiện nay, nếu xét về số lượng dự án FDI đầu tư vào Việt Nam 4 tháng đầu năm, thì Hàn Quốc đứng đầu với 265 dự án, tiếp theo là Trung Quốc (135 dự án) và Nhật Bản (116 dự án). 

Trên thực tế, vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), năm 2019 Việt Nam thu hút 38,02 tỷ USD vốn FDI, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 7,92 tỷ USD, chiếm tới 20,8% tổng vốn đầu tư.

Theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH&ĐT), Hàn Quốc là đối tác thương mại, du lịch của Việt Nam trong thời gian qua. Trong chiến lược hướng nam của Hàn Quốc, Việt Nam là địa điểm mà đất nước Đông Á quan tâm, thể hiện rõ ràng ở việc Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất có nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Theo vị chuyên gia, dịch bệnh COVID-19 bùng phát gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế Hàn Quốc như dòng luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, con người bị ách tắc và ngưng trệ. Tiếp đó, các nhà máy sản xuất bị đóng cửa, những trung tâm thương mại, siêu thị, khu chợ vốn nhộn nhịp trở nên vắng lặng do bị bao trùm bởi nỗi lo bệnh dịch ảnh hưởng đến Hàn Quốc.

“Về nguồn vốn FDI của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào công tác chống dịch của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu cải cách kinh doanh của nước mình tốt, công tác khống chế dịch bệnh cộng với nền móng có sẵn thì việc đón nhận một làn sóng các tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam xây dựng nhà máy để sản xuất kinh doanh là điều hoàn toàn có thể trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại nước họ đang có diễn biến phức tạp”, TS. Võ Trí Thành nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Làm gì để đón sóng FDI dịch chuyển?

    14:00, 14/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Korcham kiến nghị nối lại đường bay Việt Nam - Hàn Quốc

    11:12, 09/05/2020

  • Vốn FDI tăng mạnh trong khi hầu hết các ngành chủ đạo tăng trưởng âm

    11:04, 07/05/2020

  • [PCI 2019] 48% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức khi xin giấy phép xây dựng

    15:06, 05/05/2020

  • [PCI 2019] Lần đầu tiên sau 10 năm, dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI "đảo chiều"

    11:47, 05/05/2020

  • VEPR: Chuyển giá của doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp

    14:00, 28/04/2020

  • Tìm cơ hội gia tăng nguồn vốn FDI trong đại dịch COVID-19

    03:20, 20/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hậu COVID-19: Làn sóng đầu tư thứ ba từ Hàn Quốc sẽ chú trọng vào lĩnh vực nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO