Cùng một mặt hàng, doanh nghiệp Việt xuất khẩu đến nước thành viên FTA thì được công nhận hàng Việt Nam. Nhưng bán trong nước, chính mặt hàng đó có thể lại không được dán nhãn “Made in Vietnam”.
Trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên. Nhiều sản phẩm chỉ cần đáp ứng hàm lượng giá trị gia tăng 30% đã được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ hàng Việt Nam. Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư "Made in Vietnam" lại quy định rất chặt với tỷ lệ giá trị gia tăng 30% là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam. Như vậy, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ của các nước bạn, nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Khuyến khích chuyển đổi mã số hàng hóa
Còn một tiêu chí nữa để xác định xuất xứ hàng hóa nhưng ít được nhắc đến, đó là chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) - có nghĩa là mỗi nguyên liệu không có xuất xứ dùng để sản xuất ra hàng hóa đó phải đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa tương ứng. Chuyển đổi mã số hàng hóa được những người làm thương mại chuyên nghiệp ở cấp độ quốc tế đánh giá là hiện đại, văn minh, tiến bộ, dễ dự đoán, minh bạch, rõ ràng và không bị lệ thuộc vào tỉ giá hối đoái hàng ngày. Dưới góc độ kỹ thuật, nhiều chuyên gia khuyến khích doanh nghiệp dùng chuyển đổi mã số hàng hóa. Chuyển đổi mã số hàng hóa có 3 cấp: 2 số (chuyển đổi chương); 4 số (chuyển đổi nhóm) và cấp cuối cùng dễ nhất, lỏng nhất, linh hoạt nhất là cấp chuyển đổi phân nhóm.
Bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế chia sẻ rằng, mỗi FTA có một danh sách các công đoạn được coi là gia công chế biến đơn giản, nếu vi phạm một trong các công đoạn gia công chế biến đơn giản thì dù nhà sản xuất đó có vượt qua ngưỡng hàm lượng giá trị khu vực RVC 40% (Regional Value Content) hoặc đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa vẫn không thể có giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu hàng hóa đó đi. Tuy nhiên, công đoạn gia công chế biến đơn giản tùy thuộc đặc thù của từng FTA.
Thực tế cho thấy, công đoạn gia công trên lãnh thổ quốc gia nào thì nhà sản xuất hoàn toàn có thể ghi được là “Pruduced in...”, “Made in...”, “Assembled in...” tại chính nơi đó.
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bãi bỏ các công đoạn gia công chế biến đơn giản tạo điều kiện thuận cho doanh nghiệp hơn rất nhiều, khi chỉ cần đạt tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc đạt giá trị RVC trên 40% là đủ điều kiện nhận giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Các FTA còn cho cho phép cộng dồn giá trị khu vực, ví dụ RVC 40% trong ASEAN thì sản phẩm có 20% giá trị Thái Lan, 10% Philippines, 5% Lào, 5% Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN, là đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D.
Và chúng ta cũng phải quen với “Made in the world”, vì sẽ không có một nước nào có thể làm hết từ A đến Z một sản phẩm. Kể cả những mặt hàng được ví như “quốc hồn, quốc túy” của một số quốc gia, như mật ong manuka của New Zealand cũng không đảm bảo xuất xứ 100% vì phải pha thêm chất bảo quản.
Cần cái nhìn khách quan
Luật sư Trần Ngọc Trung - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie bình luận, khi đánh giá vấn đề nhãn mác cần có cái nhìn khách quan. Nếu chúng ta đặt ra quy định và buộc doanh nghiệp phải tuân thủ thì có nguy cơ việc dán nhãn xuất xứ sẽ trở thành gánh nặng thủ tục hành chính, “gây cản trở và phiền hà” cho doanh nghiệp. Thay vì quản lý xuất xứ, việc quản lý chất lượng là điều quan trọng hơn trong vấn đề này.
Một chuyên gia nhận xét mọi người cứ quen nghe “Made in …”, tức là phải sản xuất ở một quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, thực tế với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu rất hoàn hảo thì một sản phẩm phải là “Made in the world”, “Made in the region”.
Có thể bạn quan tâm
08:20, 11/08/2019
06:06, 07/08/2019
11:00, 08/08/2019
Với bất kỳ một loại quy tắc xuất xứ nào thì quy tắc nền tảng là công đoạn gia công chế biến cuối cùng diễn ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nào đó thì có thể được gắn “Made in, Assembled in, Produced in…”. Nhãn này chỉ thể hiện công đoạn gia công chế biến cuối cùng diễn ra tại vùng lãnh thổ đó mà thôi, còn sản phẩm có thể là cộng gộp nguyên liệu, chất xám từ nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ khác nhau. Bởi vấn đề cuối cùng vẫn là chất lượng và giá cả hàng hóa có chinh phục được người tiêu dùng hay không.
“Tất cả quy định về dán nhãn “Made in…” mà Việt Nam đã và đang có chỉ để phục vụ việc nói rõ xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông nội địa. Trong khi đến nay các cơ quan chức năng đang nợ doanh nghiệp, người tiêu dùng một văn bản pháp lý quy định rõ “thế nào là Made in Vietnam” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.