Hiện thực hóa giấc mơ đại điền

Thy Hằng thực hiện 01/01/2020 12:23

Trao đổi với DĐDN, ông PHÙNG GIANG HẢI - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng quyền sử dụng đất cần được coi là quyền tài sản.

Không những vậy, theo ông Hải, chúng ta cần coi quyền sử dụng đất là hàng hóa được giao dịch theo quy luật thị trường thì mới có thể hình thành thị trường đất nông nghiệp nông nghiệp, giúp khơi thông dòng đầu tư vào lĩnh vực này.

Một trong những nguyên nhân đầu tiên cản bước dòng đầu tư vào nông nghiệp dù đã được nói nhiều năm nhưng chưa có lời giải chính là nút thắt về đất đai.

Việc tìm được quỹ đất đúng với quy hoạch phát triển của địa phương và phù hợp với mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp đã khó việc có “quỹ đất sạch” “đủ lớn” “thuận lợi” cho doanh nghiệp đầu tư còn khó khăn gấp bội phần.

- Điểm nghẽn về tích tụ đất đai hiện còn nổi lên những vấn đề lớn nào, thưa ông?

Những quy định tại Luật Đất đai về đất nông nghiệp cho đến này vẫn cho thấy còn nhiều vấn đề, đặc biệt đã thể hiện tính thiếu phù hợp trong giai đoạn phát triển mới, như vấn đề quyền tài sản, hạn điền hay giới hạn về thời hạn giao đất… để có thể giúp hình thành được một nền nông nghiệp hiện đại, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xã hội hiện nay.
Cụ thể, chính sách hạn điền chúng ta đang áp dụng ở các tỉnh không quá 3ha, trong khi đó, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất cũng quy định không quá 10 lần hạn mức giao.

  Chính sách đất đai hiện nay đang hạn chế khả năng tích tụ ruộng đất cũng như chưa tạo động lực thu hút nhà đầu tư vào nông nghiệp. 

Quy định về quản lý sử dụng đất lúa cũng yêu cầu sử dụng cứ 10 ha đất lúa phải có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, dưới 10ha chấp thuận HĐND cấp tỉnh gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Mặt khác, theo quy định, về hồ sơ thì hợp đồng thuê đất phải có công chứng hoặc chứng thực. Thế nhưng, hiện đa số các hộ cho thuê đất đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng nên việc chứng thực hợp đồng thuê đất không thực hiện được. Điều này cho thấy, ngay chính những cơ chế tưởng như hỗ trợ cũng trở thành một lực cản không nhỏ.

- Nhưng để giải quyết những vướng mắc này đã có một Dự thảo Nghị định về tích tụ đất đai đang được lấy ý kiến, thưa ông?

Chính sách về thu hút đầu tư đã có nhiều và chính sách về đất đai cũng vậy nhưng dường như còn hơi sớm để nói về hiệu quả của các chính sách mới này. Ngay cả việc Dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp của Bộ TNMT có thể tạo ra được những sự “bứt phá” này hay không cũng vẫn còn là câu hỏi cần thời gian để trả lời.

Những vấn đề như thủ tục để mua bán yêu quyền sử dụng đất muốn thành thị trường hàng hoá phải có quyền tài sản nhưng trong Dự thảo vẫn quy định nhà nước là người đứng ra thu hồi của người bán rồi giao lại cho người mua - như vậy, rõ ràng tính “thị trường” vẫn chưa thực sự được thiết lập.

Ngoài ra, những vấn đề khác như thời hạn giao đất hiện hành vẫn quy định hạn mức tối đa là 50-70 năm hoặc đối tượng được giao đất là nông dân hay doanh nghiệp, là người sản xuất nông nghiệp hay là nhà đầu tư hay vấn đề định giá đất đai thế nào… tất cả vẫn cần những câu trả lời thực tế hơn, hợp lí hơn để có thể hình thành nên một thị trường đất nông nghiệp thực sự.

p/Cơ giới hóa khâu cấy lúa trên cánh đồng mẫu lớn Hòn Đất, Cần Thơ. Ảnh: HĐ

Cơ giới hóa khâu cấy lúa trên cánh đồng mẫu lớn Hòn Đất, Cần Thơ. Ảnh: HĐ


- Vậy theo ông, chúng ta còn cần thêm những giải pháp gì?

Đầu tiên, tôi cho rằng phải mạnh dạn cải cách chính sách đất đai, trong đó, đặc biệt lưu ý những vấn đề về Quỹ phát triển đất, xây dựng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, phát huy quyền tài sản đối với đất nông nghiệp. Đặc biệt, tphải định giá đất theo hướng giá trị tài sản đất và bất động sản gắn liền với quy hoạch vùng, bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và thời hạn giao đất, chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp.

Cùng với đó, là tâm lý của người nông dân, dù không sản xuất nhưng vẫn muốn giữ đất. Người dân lo sợ mất nếu giao đất, muốn giữ đất để nếu rời quê hương, quay về vẫn có đất, đất nông nghiệp không còn là tư liệu sản xuất mà trở thành “bảo hiểm” cho họ. Như vậy, cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu để thuyết phục được người dân từ bỏ đất nông nghiệp mà vẫn đảm bảo được việc làm và thu nhập một cách bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất

    09:20, 25/11/2019

  • Gỡ “rào cản” tích tụ ruộng đất

    14:00, 04/11/2019

  • Hóa giải mâu thuẫn... tích tụ ruộng đất

    11:03, 11/11/2018

  • Dự thảo Nghị định về tích tụ ruộng đất: “Đánh đố” doanh nghiệp

    04:50, 28/11/2019

Thực tế cho thấy đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian gần đây đã có nhiều cải thiện nhưng để đáp ứng mục tiêu xây dựng được lực lượng lao động cho “nông nghiệp công nghiệp” hoặc hình thành lực lượng “công nhân nông nghiệp” có trình độ cao và chuyên nghiệp thì còn khó khăn.
Các doanh nghiệp muốn tham gia vào tích tụ, tập trung đất đai và sử dụng đất nông nghiệp cũng cần lưu ý nội dung này để có chiến lược phù hợp.

- Liệu có cần thành lập một cơ quan để điều tiết hoạt động của thị trường này, thưa ông?

Khi hình thành thị trường thực sự bản thân nó sẽ tự điều tiết giữa cung và cầu, nhà nước chỉ tạo hành lang pháp lý, đứng vai công chứng, không nhất thiết phải sinh ra 1 cơ quan quản lý để làm phát sinh thêm thủ tục cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển giao đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp theo nhiều hình thức, bao gồm chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, hợp tác kinh doanh thì có thể cần nghiên cứu.
- Xin cảm ơn ông!

 Mô hình tích tụ đất đai nào cho sản xuất lớn?

Bộ TN&MT đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện đề án “Tập trung, tích tụ đất đai phục vụ và thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung”. Theo Bộ TN&MT, thực tiễn tại Việt Nam đang có sáu phương thức, mô hình tích tụ ruộng đất:

  •  Mô hình một là dồn điền đổi thửa, dựa trên việc các hộ dân được giao đất nông nghiệp tự nguyện hoán đổi các thửa đất cho nhau để giảm số thửa và tăng diện tích các thửa đất.
  • Mô hình hai là DN thuê đất nông nghiệp của người sử dụng đất thông qua hợp đồng thuê đất. Phương thức này đã được làm thành công tại một số nơi như Tập đoàn VinGroup (VinEco) thực hiện thuê 213 ha đất của dân tại huyện Hương Trà (Huế) để sản xuất rau công nghệ cao, thuê 250 ha đất của dân tại Vĩnh Phú để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
  • Mô hình ba là nhà đầu tư liên kết với các hộ gia đình có đất để trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó nhà đầu tư sẽ cung ứng vật tư, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, các hộ sẽ trực tiếp sản xuất trên phần đất của mình. Mô hình này làm khá thành công tại năm huyện thuộc tỉnh Nam Định với quy mô 1.200 ha.
  • Mô hình bốn là những người nông dân có đất liên kết với nhau để tập trung đất đai cùng tổ chức sản xuất hoặc liên kết hợp tác với các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc DN. Mô hình này được thực hiện khá thành công tại các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…
  • Mô hình năm là hình thức người nông dân chuyển nhượng đất nông nghiệp cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất. Phương thức này diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh phía Nam.
  • Mô hình sáu là nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tức người dân góp vốn vào DN bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh…
  • Theo đề án này, nhà nước sẽ thông qua trung tâm phát triển quỹ đất làm đầu mối thực hiện tích tụ đất đai. Trong đó, nhà đầu tư sẽ liên hệ với trung tâm quỹ đất để đăng ký về nhu cầu đất, thuê đất lập dự án sản xuất nông nghiệp và trung tâm này sẽ đứng ra tích tụ đất đai của nông dân (theo các phương thức thuê, nhận chuyển nhượng, nhận ký gửi quỹ đất).
  • Một trong những nội dung đáng chú ý của đề án là cơ chế khuyến khích Việt kiều, DN FDI thuê đất để đầu tư các dự án nông nghiệp. Trong đó, nhà nước sẽ đóng vai trò trung gian thu hồi đất để cho nhà đầu tư nước ngoài thuê lại thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hoặc đầu tư xây dựng kinh doanh, kết cấu hạ tầng khu nông nghiệp công nghệ cao. Địa điểm thuê đất phải loại trừ các vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng. Đề án đề nghị thí điểm nội dung này tại ba tỉnh Hà Nam, Thái Bình và An Giang.
  • Theo tờ trình của Bộ TN&MT thời gian thực hiện thí điểm đề án tích tụ đất đai là 5 năm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hiện thực hóa giấc mơ đại điền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO