Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, mỗi doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực của mình.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Công ty ETEC
EVFTA có ý nghĩa đặc biệt với các doanh nghiệp, bởi việc thực thi EVFTA cũng như các FTA thế hệ mới khác chính là cơ hội để Việt Nam cải thiện và thay đổi một cách kịp thời đối với những quy định về mặt luật pháp và thể chế. Từ đó thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch hơn.
Đối với các ngành như dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ tự động hóa, Việt Nam hiện chưa có nhiều sản phẩm để cạnh tranh với các nước châu Âu.
Nhờ vậy, EVFTA chính là cánh cửa để Việt Nam hấp thu các thành tựu của EU về máy móc công nghệ và mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này, tạo nền tảng cho sự phát triển bứt phá hơn trong tương lai.
Ông Johnathan Ooi, Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam
Một trong những nhóm hàng có lợi thế của Việt Nam ở EU là nông sản, bao gồm cả gạo, cà phê, rau củ, trái cây…
Với EVFTA doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển trao đổi thương mại điện tử các mặt hàng nông sản với EU nhưng điểm yếu của nông sản Việt Nam chính là sự ổn định về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Với những thị trường đề cao sự an toàn của sức khỏe như EU, chỉ một lô hàng bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn thì toàn bộ ngành hàng đó sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, thậm chí bị cấm nhập khẩu vĩnh viễn.
Vì vậy, muốn khai thác tốt lợi thế này, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động xây dựng quy trình sản xuất sạch, an toàn và duy trì thường xuyên.
Không chỉ nằm ở năng lực canh tranh với các đối thủ mà ngay cả mức độ chủ động tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp Việt cũng là vấn đề đáng quan ngại.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex)
Hiện Fimex chủ yếu xuất khẩu sản phẩm tôm tinh chế sang EU ở phân khúc cao cấp.
Với mức thuế giảm mạnh, EVFTA sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho sản phẩm Việt Nam so với đối thủ chính của thủy sản Việt tại EU là Thái Lan.
Để đón đầu cơ hội từ EVFTA, thay vì tập trung vào lợi nhuận, thời gian qua, Fimex đã kết hợp chặt chẽ với người nông dân để có được nguồn nguyên liệu chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Trong bối cảnh truy xuất nguồn gốc là một trong những yếu tố quan trọng đối với sản phẩm xuất khẩu vào EU, việc hợp tác này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu vào EU gia tăng và bền vững.
Ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng giám đốc Vinatex
EVFTA có quy định xác định quy tắc xuất xứ là từ vải trở đi. Do đó điều kiện cần và đủ là xây dựng được một chuỗi cung hoàn chỉnh. Vì vậy, Vinatex rất chú trọng vào các công tác nâng cao năng suất bằng hướng áp dụng công nghệ tốt, hiện đại hơn, dần thay thế những máy móc thiết bị cũng không còn phù hợp…
Vinatex cũng đã thực hiện nhiều biện pháp về đầu tư và về phát triển thị trường, cũng như phổ biến kiến thức cho các doanh nghiệp để hiểu rõ về các hiệp định, không chỉ riêng EVFTA.
Định hướng lâu dài là khuyến khích các doanh nghiệp trong tập đoàn thành lập chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm bán ra, thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ.
Ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty dệt may Thành Công
EVFTA là một hiệp định mang lại nhiều lợi thế cho ngành dệt may Việt Nam bởi dung lượng thị trường EU rất lớn, trong khi số lượng hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào đây còn khá ít. Sản phẩm dệt may Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều đến thị trường Mỹ và Nhật Bản, còn tỷ trọng đi EU mới chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trước đây, thị trường EU thường lựa chọn nhà cung ứng ở các quốc gia có FTA chung do lợi thế cạnh tranh về thuế nhập khẩu (chênh lệch từ 8-12%) nên các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều cơ hội tiến sâu vào thị trường này. Tuy nhiên, khi EVFTA đi vào thực thi, gần một nửa dòng thuế nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam được xóa bỏ ngay, phần còn lại được cắt giảm trong thời gian 3-7 năm thì dệt may Việt Nam sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh nhất định.
Thêm vào đó, so với các nước đã có FTA với EU trước Việt Nam thì chi phí nhân công ở Việt Nam vẫn khá cạnh tranh, hàng dệt may Việt Nam vì thế sẽ có thêm sức cạnh tranh về giá thành.
Hơn nữa, mặc dù yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA cao hơn hầu hết các FTA khác mà Việt Nam đang thực thi nhưng vẫn dễ thở hơn so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với sản phẩm dệt may, CPTPP yêu cầu quy tắc xuất xứ 3 công đoạn từ sợi trở đi còn EVFTA chỉ yêu cầu 2 công đoạn trở đi và cho phép sử dụng nguyên liệu từ các quốc gia có FTA với EU. Do đó, những doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được ưu đãi từ CPTPP thì cũng dễ dàng tận dụng được ưu đãi của EVFTA.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện, đem lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Phần lớn hàng rào thuế quan sẽ được gỡ bỏ giúp hàng hóa, sản phẩm Việt Nam dễ dàng tiếp cận vào khu vực thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng với quy mô dân số hơn 500 triệu người, chiếm khoảng 22% GDP của toàn thế giới. EU cũng là khu vực có hoạt động thương mại sôi động với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt hơn 3.800 tỷ USD.
Việc tiếp cận khu vực thị trường phân khúc cao như EU là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam cọ xát, nâng cao năng lực quản trị, trình độ kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và sự minh bạch về thông tin.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn đã cam kết với EU cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam cải tiến, nâng cấp mình lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng, kỹ thuật cũng như tạo ra giá trị phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội da giày Thành phố Hồ Chí Minh
Trong khoảng 2 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu giày dép vào EU có xu hướng gia tăng và chiếm khoảng 38% tổng giá trị xuất khẩu. Việc thực thi EVFTA với ưu đãi xóa bỏ đa số dòng thuế quan ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, số còn lại cũng được cắt giảm theo lộ trình 3-7 năm chính là cơ hội lớn để ngành da giày Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng thị phần tại thị trường EU.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành da giày hiện nay là thiếu nguyên liệu trong nước và nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia.
Hiện nay, 75% giá trị xuất khẩu giày da vẫn đang thuộc nhóm doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng năm. Hầu hết, doanh nghiệp da giày trong nước là đơn vị gia công, chỉ làm thợ và phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,7 tỷ USD nguyên liệu da thuộc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Brazil...
Trong khi sản xuất thuộc da đóng vai trò quan trọng trong sản xuất giày da nhưng việc phát triển các nhà máy thuộc da ở Việt Nam rất khó khăn, một phần do không có đủ nguồn vốn và phần khác là khó đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Thêm vào đó, hơn 85% doanh nghiệp da giày Việt Nam là làm gia công, có tỷ suất lợi nhuận rất thấp không đủ khả năng để đầu tư vào máy móc công nghệ, nhiều nhà máy vẫn đang sử dụng dây chuyền sản xuất của những năm 1990. Chỉ có một vài doanh nghiệp lớn có nguồn lực đầu tư cho công nghệ, chủ động sản xuất và xuất khẩu đạt được lợi nhuận tương đối cao.
Chính vì vậy, muốn đảm bảo nguyên tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi từ EVFTA, trước mắt các doanh nghiệp da giày cần chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu trong khối EU để đảm bảo tỷ lệ nguyên liệu nội khối. Về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch các cụm công nghiệp sản xuất thuộc da và nguyên phụ liệu ngành da giày cũng như tập hợp các doanh nghiệp thành cụm công nghiệp tập trung nhằm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp.
Chỉ khi giải quyết được bài toán nguyên liệu sản xuất và liên kết chuỗi một cách chặt chẽ mới khắc phục được các điểm yếu do sản xuất quy mô nhỏ của các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam. Từ đó, nâng cao khả năng đáp ứng các đơn hàng số lượng lớn và tận đụng hiệu quả ưu đãi về thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Vấn đề lớn của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, rất ít doanh nghiệp chủ động được nguồn cung nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ nội khối để được hưởng ưu đãi thuế. Thực tế phần lớn doanh nghiệp trong ngành dệt may chỉ thực hiện công đoạn may gia công mà không tham gia vào các công đoạn dệt, nhuộm vải hay thiết kế sản phẩm.
Chính vì vậy, hàm lượng nội địa của sản phẩm dệt may rất thấp và doanh nghiệp Việt Nam cũng không được hưởng nhiều lợi ích về mặt giá trị gia tăng khi xuất khẩu. Một nguy cơ khác là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ và thay đổi từng ngày thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ với việc thay đổi công nghệ, ỷ lại vào nguồn lực nhân công. Điều này nếu không nhanh chóng cải thiện sẽ khiến doanh nghiệp Việt bị bỏ lại trong cuộc đua nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và chi phí sản xuất.
Để khai thác tối đa những ưu đãi mà EVFTA mang lại, cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng vào cuộc, trong đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI vào sản xuất nguyên phụ liệu. Đặc biệt, phải có cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với doanh nghiệp may mặc tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Về phía doanh nghiệp, phải chủ động đầu tư cho con người, máy móc và công nghệ hướng tới hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm và nâng cao năng suất và cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Chỉ khi chủ động tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao thì doanh nghiệp Việt Nam mới được hưởng lợi thực sự từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam
EU là thị trường truyền thống quan trọng của thủy sản Việt Nam nhưng cũng đồng thời là thị trường có những yêu cầu khắt khe về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.
Đây cũng là thị trường đề cao các tiêu chí về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội phục vụ sự phát triển bền vững, do đó, nếu EVFTA đi vào thực thi mà doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ càng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thì những ưu đãi về mặt thuế quan cũng trở nên vô nghĩa.
Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản đã chủ động nỗ lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tuân thủ việc đánh bắt hợp pháp để đón đầu cơ hội vận dụng tốt ưu đãi ngay khi EVFTA có hiệu lực.