Hoàn thiện cơ chế hoạt động Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Hằng Hà 06/02/2020 17:24

Đóng vai trò làm “vốn mồi” để huy động các nguồn vốn khác tham gia vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương, nhưng quy mô và hoạt động của một số Quỹ ĐTPTĐP chưa được như kỳ vọng.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về quy định tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương (Quỹ ĐTPTĐP).

Năng lực hoạt động của các Quỹ ĐTPTĐP vẫn còn hạn chế do nguồn vốn hoạt động còn thấp

Năng lực hoạt động của các Quỹ đầu tư phát triển địa phương vẫn còn hạn chế do nguồn vốn hoạt động còn thấp.

Theo Bộ Tài chính, triển khai Nghị định số 138 và Nghị định số 37, từ năm 2007 đến nay, đã có 44 địa phương thành lập Quỹ ĐTPTĐP với mục tiêu huy động các nguồn vốn trung và dài hạn để thực hiện cho vay, đầu tư trực tiếp các dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đến cuối năm 2018, số dư nguồn vốn hoạt động của hệ thống Quỹ là 34.980 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2007. Về cơ cấu, vốn chủ sở hữu chiếm 79% và vốn huy động chiếm 21%. Vốn huy động của các Quỹ ĐTPTĐP tương đương 26% vốn chủ sở hữu. Tổng vốn sử dụng cho các hoạt động cho vay, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp của hệ thống Quỹ ĐTPTĐP là 18.111 tỷ đồng, trong đó hoạt động cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng là 14.084 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sử dụng vốn của Quỹ (chiếm 77,7%).

Nguồn vốn cho vay và đầu tư của Quỹ ĐTPTĐP đã phát huy hiệu quả, đóng vai trò làm “vốn mồi” để huy động các nguồn vốn khác tham gia vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương. Theo đó, tổng lợi nhuận của toàn hệ thống Quỹ ĐTPTĐP là 1.268 tỷ đồng. Hoạt động của hệ thống Quỹ ĐTPTĐP có tăng trưởng về quy mô, nguồn vốn hoạt động, góp phần vào việc huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, quá trình triển khai thời gian qua cho thấy hệ thống Quỹ ĐTPTĐP chưa có sự phát triển đồng đều, một số Quỹ hoạt động chưa hiệu quả, quy mô nhỏ, không huy động được vốn và không triển khai được các hoạt động cho vay, đầu tư. Bên cạnh đó, quy mô và hoạt động của một số Quỹ chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, trong khi để phát triển kinh tế và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, các địa phương cần huy động được nguồn lực ngày càng lớn. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp mới được ban hành dẫn đến cần thiết rà soát lại các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Có thể bạn quan tâm

  • Nợ xấu tín dụng tại Quỹ Đầu tư Phát triển TP Cần Thơ cao nhất nước

    Nợ xấu tín dụng tại Quỹ Đầu tư Phát triển TP Cần Thơ cao nhất nước

    13:05, 18/12/2019

  • Quỹ đầu tư thuộc Ngân hàng của Đức ‘rót’ gần 650 tỷ đồng vào SBT

    Quỹ đầu tư thuộc Ngân hàng của Đức ‘rót’ gần 650 tỷ đồng vào SBT

    00:25, 27/07/2019

  • Phát triển quỹ đầu tư gắn với biến đổi khí hậu

    Phát triển quỹ đầu tư gắn với biến đổi khí hậu

    06:41, 19/06/2019

  • Nỗi sợ của doanh nghiệp Việt khi gọi vốn từ các Quỹ đầu tư tư nhân

    Nỗi sợ của doanh nghiệp Việt khi gọi vốn từ các Quỹ đầu tư tư nhân

    00:10, 27/03/2019

Trên cơ sở đánh giá, phân tích các hạn chế trong tổ chức thực hiện, đồng thời rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, cần có các giải pháp chính sách nhằm cải cách và phát triển hệ thống Quỹ ĐTPTĐP.

Cụ thể: Năng lực hoạt động của các Quỹ ĐTPTĐP vẫn còn hạn chế do nguồn vốn hoạt động còn thấp. Một số địa phương còn chưa bố trí đủ nguồn vốn điều lệ tối thiếu. Nguồn vốn hoạt động hạn chế đã ảnh hưởng tới việc triển khai các nghiệp vụ của Quỹ ĐTPTĐP, hầu hết các Quỹ mới chỉ tập trung vào hoạt động cho vay dự án, chỉ một số ít Quỹ có nguồn lực để triển khai nghiệp vụ đầu tư, do đó chưa phát huy được vai trò là nguồn vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác trong xã hội cùng tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng. Vì vậy, cần bổ sung quy định về điều kiện và quy trình thành lập Quỹ, tránh trường hợp địa phương không đủ nguồn lực và chưa xác định rõ mục tiêu đầu tư, cho vay vẫn thành lập Quỹ dẫn đến Quỹ có quy mô nhỏ, việc cho vay, đầu tư hạn chế. Đồng thời, cần thiết phải rà soát sửa đổi trách nhiệm của UBND, HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định thành lập Quỹ.

Nghị định số 138 và Nghị định số 37 quy định Quỹ ĐTPTĐP là quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, áp dụng quy định cơ chế tiền lương, khen thưởng, xếp hạng doanh nghiệp như đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, quy định liên quan đến cơ chế áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành mới ở cấp Luật và Nghị định, dẫn đến một số vướng mắc trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động, xác định tiền lương, tiền thưởng. Mô hình hoạt động của Quỹ với Hội đồng quản lý Quỹ bao gồm lãnh đạo UBND cấp tỉnh và cán bộ của một số Sở, ban ngành tại địa phương tại một số thời điểm chưa thực sự linh hoạt và hiệu quả cao. Theo đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, cần rà soát, củng cố phương thức hoạt động của Quỹ phù hợp với cơ chế áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn.

Bên cạnh đó, hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP còn một số bất cập như mức lãi suất cho vay tối thiểu chưa phản ánh được đầy đủ chi phí, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao của một số Quỹ chưa được xử lý dứt điểm, hoạt động đầu tư trực tiếp chưa được đẩy mạnh, cơ chế trích lập dự phòng rủi ro cho vay, đầu tư cần được hoàn thiện. Do vậy, theo Bộ Tài chính, cơ chế quản lý giám sát cần phải tiếp tục hoàn thiện theo hướng có biện pháp xử lý dứt điểm đối với những Quỹ hoạt động không hiệu quả, không hoạt động theo đúng mục đích thành lập Quỹ….

Trong thời gian qua, một số văn bản pháp luật có quy định điều chỉnh về hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP đã được ban hành mới như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Do đó, cần phải rà soát, sửa đổi các quy định tại Nghị định để phù hợp với các quy định hiện hành.

Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (Nghị định số 138) và năm 2013 ban hành Nghị định số 37/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138 (Nghị định số 37). Việc triển khai thực hiện các Nghị định trên đến nay đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của hệ thống Quỹ Đầu tư phát triển địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hoàn thiện cơ chế hoạt động Quỹ đầu tư phát triển địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO