Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền thực.
>>Chủ tịch Quốc hội: Các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 28/3.
“Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền thực. Đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cả giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại Kỳ họp thứ nhất vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, trong đó đặt ra yêu cầu: “Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”.
Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
>>Chất vấn tại phiên họp thứ 9: Niềm tin vào sự đổi mới
Tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm lấy ý của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện các dự thảo Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.
Tại phiên họp thứ 8 và thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho ý kiến toàn diện các dự án Luật, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 để vừa đảm bảo chất lượng cao nhất, vừa có thể tiết kiệm thời gian của Kỳ họp.
Căn cứ Khoản 6 Điều 1 của Luật số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết số 443/NQ-UBTVQH15 ngày 30/12/2021 ban hành Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về 4 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, diễn ra trong 2 ngày và được tổ chức theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng kết hợp trực tuyến qua phần mềm cài đặt trên thiết bị iPAD của đại biểu Quốc hội.
Có thể bạn quan tâm
21:28, 24/03/2022
14:30, 21/03/2022
10:20, 17/03/2022
13:17, 15/03/2022
11:00, 14/03/2022
11:19, 10/03/2022