Nhật Bản để lại nhiều bài học đắt đỏ trong kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, muốn vượt qua họ trước hết phải học tập chính họ.
Một câu chuyện thú vị kể lại rằng, một đoàn nghiên cứu viên đến tham quan các mô hình nông nghiệp Nhật Bản, một vài người cố ý bén đất trên đồng ruộng ở Nhật vào đế giày để phân tích xem công thức là gì.
Nhưng khi về đến khách sạn, nhân viên phục vụ đã “xin” được chăm sóc một cách tận tình, và lịch sự đến mức không thể từ chối, họ muốn rửa sạch mọi đôi giày!
Nhận thấy giống lúa Nhật năng suất và chất lượng, một người ngỏ ý xin làm kỷ vật, họ vui vẻ đồng ý, nhưng trước khi đóng thành gói quà lịch thiệp họ đã đem hấp chín rồi sấy khô - không thể nảy mầm!
Đây là bài học đầu tiên rất đẹp đẽ về sự tinh tế và ý nhị. Người Nhật cho thế giới thấy rằng, không ai có thể đi bằng đôi chân của người khác.
Philippines - họ sở hữu đội hình nhập tịch châu Âu đúng nghĩa, nhưng không thấy có ở đội bóng này sự gắn kết, dường như họ thiếu đi sợi dây trói buộc để chiến đấu đến cùng vì một điều gì đó.
Nói về bóng đá Việt Nam những ngày này, cây bút Duerden ở nhật báo New Channel Asia (Singapore) có bài viết khá dài, và kết luận đầy ẩn ý: “Không có một công thức bí mật nào cả, chỉ cần sự kiên nhẫn và chăm chỉ, đó là công thức có thể được áp dụng…”
Sự giàu có và văn minh ở Nhật Bản là đề tài thú vị của báo chí mấy chục năm nay, viết đi viết lại vẫn không thể cắt nghĩa được sự thành công ấy. Bởi vì, trong lịch sử chưa có quốc gia nào với diện tích khiêm tốn, điều kiện khó khăn mà vẫn trở thành cường quốc số 2 thế giới về các chỉ số tổng quát.
Có thể bạn quan tâm
21:36, 20/01/2019
11:01, 20/01/2019
12:55, 18/01/2019
Có lẽ, người ta mắc thói quen “nghiêm trọng hóa vấn đề” nên thần thánh hóa mọi thứ? Thành công ở Nhật chỉ cách ngày nay vài chục năm, mọi thứ diễn ra ở Đông Á chứ không phải trên cung trăng, ngoài vũ trụ.
Đúng như cây bút Duerden, đó là sự “kiên nhẫn và chăm chỉ”. Ở một nơi khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, đất nước tọa lạc trên vành đai đứt gãy ở Thái Bình Dương, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh nên “kiên nhẫn và chăm chỉ” ở Nhật Bản đã trở thành sức mạnh.
Ở đấu trường lớn, Nhật Bản luôn cho thấy tính cách kiên nhẫn và chăm chỉ, không bao giờ buông xuôi trước sức mạnh của đối thủ. Người Nhật được rèn luyện để tự tin bước ra sân chơi lớn và họ chơi được thì người Việt cũng có thể làm được điều tương tự.
Bóng đá Nhật là kết quả tất nhiên của một chiến lược đúng đắn, dựa trên nền tảng kinh tế vững chắc, họ tạo ra những cầu thủ đủ sức chơi bóng ở môi trường đỉnh cao, nhưng giàu tính chiến đấu khi khoác lên mình màu cờ sắc áo.
Nền bóng đá Nhật đi lên tự cường, được liên kết từ bóng đá học đường, bóng đá phong trào đến những lò đào tạo chuyên nghiệp ở các câu lạc bộ. Hầu như không sử dụng huấn luyện viên và chuyên gia nước ngoài.
Tâm thế của đội tuyển Việt Nam khi đối đầu với đội tuyển Nhật cũng y chang như khi đội tuyển Nhật Bản gặp phải những đối thủ mạnh hơn ở sân chơi World Cup (WC). Nếu ai xem “Samurai xanh” thi đấu ở WC mới thấy được tinh thần sắt đá của họ lớn như thế nào.
Năm 2014 Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã ký kết hợp tác toàn diện với Nhật Bản, là hình mẫu mà chúng ta muốn học hỏi.
Đội tuyển Việt Nam thi đấu ở Asian Cup lần này như là bản sao của của đội tuyển Nhật Bản đá ở WC - là sự thắng lợi về mặt tinh thần.
WC 2018, Nhật Bản lọt vào vòng 2 nhờ chỉ số fair-play (cùng điểm số với Senegal) - giống như cách Việt Nam lọt vào vòng 1/8 Asian Cup 2019. Cả hai đều thi đấu không biết mệt mỏi. Không sợ hãi, quyết tâm, và điều đó được chứng minh là đúng như nhận định của Duerden.
Không vào hang cọp sao bắt được cọp? Đó là cái lý giản đơn nhưng cần thiết khi ở tình thế đối đầu, đó là phương pháp luận chung của mọi loại công thức thành công.
Hãy chơi bóng với Nhật như cách Nhật chơi bóng với đối thủ mạnh hơn, đó là cách duy nhất để có thêm điều kỳ diệu.