"Hội nghị Diên hồng" lần thứ 3 và quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ

Diendandoanhnghiep.vn "Hội nghị Diên hồng” giữa Thủ tướng và doanh nghiệp lần thứ 3 được tổ chức một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với doanh nghiệp lần thứ hai (2017). Ảnh: Quang Hiếu/VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với doanh nghiệp lần thứ hai (2017). Ảnh: Quang Hiếu/VGP

Sáng ngày 23/12, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững” sẽ là "Hội nghị Diên hồng” lần thứ 3 giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định quyết tâm của Chính phủ hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp thông qua nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đưa năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào top 4 ASEAN.

Quyết tâm tới "đích"

Thậm chí, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) còn khẳng định: “Chưa có thời kỳ nào Đảng, Chính phủ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ như hiện nay với việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng”.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, những nỗ lực của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ thông qua những nỗ lực khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh. Các chỉ số về ổn định kinh tế vĩ mô về tăng trưởng, về xuất khẩu, các chỉ số về phát triển doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp mới là thước đo quan trọng nhất cho sự tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

“Môi trường kinh doanh cũng được cải thiện. Đặc biệt, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Đây rõ ràng là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng”, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Thực tế ghi nhận, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ thời gian qua với số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục lập kỷ lục mới. Trung bình từ 2016-2019, mỗi năm có khoảng 120.000 doanh nghiệp thành lập mới, so với mức 70.000-80.000 doanh nghiệp mỗi năm trước đây.

Riêng năm 2019, tính đến tháng 11 đã có 127.000 doanh nghiệp thành lập mới với 1,5 triệu tỷ đồng vốn, đây là con số rất ấn tượng. Dự tính cả năm nay sẽ có khoảng 138.000 doanh nghiệp thành lập mới và 38.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lọt top 4 ASEAN.

Việc Việt Nam chững lại trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 đã cảnh báo rằng dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng nếu không cải cách mạnh mẽ hơn chúng ta sẽ tụt lại phía sau. (Ảnh minh hoạ)

 

“Đặc biệt, có tới gần 40.000 doanh nghiệp tăng vốn với số vốn khoảng 2 triệu tỷ đồng, tức là nhiều hơn cả số vốn đăng ký mới. Và đây là nguồn vốn thật, là nguồn lực khổng lồ, đến từ các doanh nghiệp đang kinh doanh, đang chứng kiến sự cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT cho biết.

 Khơi dậy “thể chế kim cương”

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể trong 11 tháng qua là khoảng 80.000 doanh nghiệp, tương đương khoảng 49% so với so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động.

Có 4 nguyên nhân chính được cho là dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất là các điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ hai là một số khó khăn của môi trường kinh doanh.

Thứ ba là quá trình tự thanh lọc, các doanh nghiệp yếu rút đi nhường chỗ cho các doanh nghiệp có ý tưởng mới, và điều này lại có ý nghĩa tích cực, giúp nền kinh tế tái cơ cấu liên tục. Theo thống kê, có tới 40% trong số này là các doanh nghiệp dưới 3 năm tuổi. Và thứ tư là quá trình các cơ quan nhà nước rà soát các doanh nghiệp ngừng hoạt động từ lâu trên thực tế để thu hồi đăng ký kinh doanh.

Đặc biệt, việc Việt Nam chững lại trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 đã cảnh báo rằng dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt lên chính mình, nhưng nếu không cải cách mạnh mẽ hơn chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Một khảo sát của JETRO, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư yêu thích hàng đầu nhưng họ đều cho rằng khó khăn lớn nhất của họ khi đầu tư tại Việt Nam đến từ thủ tục hành chính.

“Với Nghị quyết 35, Chính phủ đã coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế. Nhưng mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 lại là mục tiêu khó khăn”, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói.

Ngay cả các lĩnh vực đã đạt được điểm đột phá và tiên phong như thuế hay hải quan vẫn còn khoảng cách khá xa so với thế giới như thủ tục hành chính lĩnh vực thuế chiếm 384 giờ trong khi ở châu Á - Thái Bình Dương hiện chỉ là 173 giờ. Đó là chưa kể có những lĩnh vực khác hầu như chưa có sự cải thiện trong nhiều năm qua.

“Bên cạnh những, bộ ngành, địa phương làm tốt thì có bộ ngành, địa phương chưa tích cực, thậm chí còn thờ ơ, đối phó. Doanh nghiệp thì sốt ruột nhưng nhiều nơi còn đủng đỉnh”, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định.

Do đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, phải khơi dậy "thể chế kim cương", tức là phải minh bạch, ổn định và vững chắc như kim cương. Đó cũng là tinh thần của nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ.  

“Nếu chừng nào vẫn hài lòng với chất lượng thể chế trung bình thì không thể nào thoát bẫy thu nhập trung bình được. Nếu muốn vào Top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh thì theo xếp hạng mới nhất của WB, phải vượt được 42 bậc nữa, đó là hành trình gian nan”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Một vấn đề cần lưu ý là nhiều nội dung cải cách không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành. Nhiều khó khăn, vướng mắc thể chế hiện đang nằm trong các luật chứ không chỉ ở khâu thi hành, không chỉ các doanh nghiệp mà cả các bộ ngành, địa phương cũng thấy vướng.

“Chúng ta phải đẩy mạnh việc sửa đổi các luật, đặc biệt là áp dụng phương thức một luật sửa nhiều luật để nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc này”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, nhưng cần phải tiếp tục ban hành các Nghị quyết mới. Bởi môi trường kinh doanh luôn biến động và các quy định phải thường xuyên điều chỉnh.  Quy định này hôm nay hỗ trợ doanh nghiệp nhưng ngày mai lại là rào cản.

“Các Nghị quyết khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quan trọng nhất là phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để xác định các vướng mắc, khó khăn, kịp thời tháo gỡ. Số lượng Nghị quyết nhiều hay ít không phải vấn đề”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm chính về sự phát triển của mình, còn nhà nước, Chính phủ sẽ tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự lực phát triển với sự hỗ trợ của nhà nước.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "Hội nghị Diên hồng" lần thứ 3 và quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713461239 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713461239 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10