CTCK TP Hồ Chí Minh (HoSE: HSC) vừa tiếp nhận khoản vay lên tới 2.374 tỷ đồng với nhóm 12 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng Cathay United Bank (CUB).
>>> Vì sao HSC muốn hạ room ngoại?
Khoản vay 104 triệu USD tương đương 2.374 tỷ đồng là khoản vay có giá trị lớn nhất của HSC đến thời điểm hiện tại với các định chế tài chính Đài Loan. Trước đó, HSC đã có 2 lần ký kết khoản vay lần lượt là 50 triệu USD và 44 triệu USD với nhóm này.
Khoản vay tín chấp này có hạn mức 3 năm, vốn thu về chủ yếu sẽ được HSC phân bổ cho các hoạt động kinh doanh của HSC. Đây là nguồn lực rất lớn giúp HSC đa dạng cơ cấu tài chính và cân đối các hạn mức tín dụng với chi phí tối ưu.
Đại diện HSC, ông Trịnh Hoài Giang - Tổng Giám đốc HSC chia sẻ: “Khoản vay hợp vốn này sẽ được chúng tôi sử dụng để phát triển hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả và bền vững. HSC tự hào là một trong những công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua về thị phần, lợi nhuận, các sản phẩm và dịch vụ tài chính như hợp đồng tương lai, chứng quyền có đảm bảo, trái phiếu, ETF và quản lý tài sản. Những thành tựu chúng tôi đạt được đến từ yếu tố quản trị công ty và chính sách quản trị rủi ro thận trọng, nguồn nhân lực vững mạnh, mô hình kinh doanh hiệu quả, minh bạch, nguồn vốn dồi dào và các đối tác kinh doanh tốt".
Ông cũng cho biết hiện HSC đã hoàn tất việc tăng vốn chủ sở hữu lên 7.300 tỷ đồng. Tổng tài sản của HSC đã tăng gấp đôi so với 1 năm trước, lên gần 24.000 tỷ đồng. Trước thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu, HSC luôn sẵn sàng chuẩn bị cho các điều kiện thị trường mới bằng cách đẩy mạnh năng lực tài chính thông qua hai cách: tăng vốn chủ sở hữu và vay ngân hàng nhiều hơn.
"Chúng tôi có mối quan hệ tốt và lâu dài với nhiều ngân hàng, cả trong và ngoài nước, và CUB là một trong số đó. Nhờ mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các ngân hàng mà chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể viết tiếp câu chuyện thành công của mình, đồng thời mang lại lợi ích chung cho các đối tác", ông Giang nói.
Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2021, HSC ghi nhận doanh thu thuần 2.411 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 90% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 96% kế hoạch cả năm 2021. Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) 9 tháng năm 2021 đạt 3.027 đồng/cổ phiếu. Hệ số thu nhập trên tổng tài sản (ROA) và hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE) lượt đạt 5,9% và 19,3%.
Làn sóng vay hợp vốn từ các nhà đầu tư ngoại (Đài Loan) không chỉ được HSC triển khai, mà còn là cuộc đua tăng năng lực tài chính có sự tham gia của các ông lớn chứng khoán như CTCK SSI hay CTCK Bản Việt (VCSC).
Vào cuối tháng 7/2021, Chứng khoán SSI đã thông báo ký thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức lên tới 100 triệu USD – tương đương 2.300 tỷ đồng - vốn tín chấp từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan (Trung Quốc). Đứng đầu thu xếp và đầu mối khoản vay là Ngân hàng Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd (Fubon). Cập nhật về khoản vay này, SSI cho biết công ty đã nhận lần 2 vào ngày 16/9 vừa qua với gia trị là 58 triệu USD sau khi đã thực hiện rút vốn lần đầu trị giá 60 triệu trong tháng 7. Như vậy tổng giá trị khoản vay này thực tế là 118 triệu USD, cao hơn mức công bố trước đó.
Vào năm 2019 và 2020, SSI cũng huy động thành công các khoản vay tín chấp nước ngoài với hạn mức lần lượt là 55 triệu USD và 85 triệu USD. Bên cạnh các khoản vay hợp vốn tín chấp, SSI còn đang duy trì dư nợ tín dụng khoảng 39 triệu USD với các tổ chức tài chính đến từ Đài Loan và Malaysia.
Còn phía VCSC vào cuối tháng 11/2021, cũng vừa công bố ký thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) và quyền được mở rộng lên tới 150 triệu USD (tương đương 3.450 tỷ đồng). Khoản vay hợp vốn từ nhóm các ngân hàng hàng nước ngoài được đứng đầu thu xếp bởi Maybank Kim Eng Securities cùng với Malayan Banking Berhad (chi nhánh Singapore) là một trong các bên cho vay. Các ngân hàng lớn cùng tham gia hợp vốn cho vay bao gồm First Commercial Bank, Hua Nan Commercial Bank, Taishin International Bank, Chang Hwa Commercial Bank, Taiwan Business Bank, Taiwan Cooperative Bank, KEB Hana Bank, Sunny Bank. Khoản vay có mức lãi suất ngắn hạn theo thị trường tiền tệ quốc tế và dự kiến được giải ngân thành 2 đợt.
Theo ông Chris Hunt – Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu của HSC, dự phóng VN Index có thể đạt 1.800 điểm vào cuối năm 2022, tăng 20% từ mức hiện tại (30/11/2021).
Trước khi thu xếp thành công khoản vay hạn mức 150 triệu USD lần này, VCSC cũng đã thu xếp thành công khoản vay hợp danh tín chấp 40 triệu USD từ nhóm các ngân hàng dẫn đầu bởi Ngân hàng Sinopac vào Quý 2 năm 2020.
Trong bối cảnh dư nợ vay margin của các CTCK đang tăng cao kỷ lục, việc các CTCK tăng đẩy mạnh vay tín chấp thêm hàng trăm triệu USD, hứa hẹn bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh, tự doanh và cho vay margin. Với khoản vay của HSC, đây là nguồn lực quan trọng để công ty thực hiện các mục tiêu phát triển vào 2022.
Giới chuyên môn dự báo với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam 2022 được dự báo còn dư địa để tăng trưởng mạnh hơn nữa so với 2021, bản thân chính CTCK HSC cũng từng đặt dự báo năm 2022, VN-Index có thể đạt tới 1.800 điểm; theo đó, cuộc đua vay vốn để phát triển sẽ còn gay cấn phía trước.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường chứng khoán: Dòng tiền vẫn đứng ngoài quan sát
04:50, 20/12/2021
Dòng tiền chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường chứng khoán
04:54, 17/12/2021
Thị trường chứng khoán: Chờ tin từ cuộc họp của Fed
04:50, 16/12/2021
Thị trường chứng khoán vào giai đoạn phân hóa
04:30, 15/12/2021
Chính thức ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
16:00, 11/12/2021