[Hướng đi cho công nghiệp Việt Nam] (Bài 3): Bỏ sở đoản, tu dưỡng sở trường

Diendandoanhnghiep.vn Cách chung sống tốt nhất trong thời đại toàn cầu hóa, kinh tế thị trường là bán cái sở trường mua cái sở đoản...

Nội hàm của hội nhập không phải là thế giới có gì ta học theo làm ngay cái đó, chỉ nắm bắt xu thế chứ không nên chạy theo xu thế, nắm cái bản chất chứ không vin vào hiện tượng - nếu không là “đẽo cày giữa đường”. Cuối cùng cày không ra cày cuốc không ra cuốc.

Ông Vương Đình Huệ, thời còn làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương từng đặt câu hỏi: “Làm sao để 63 tỉnh thành không phải là 63 nền kinh tế; làm sao tránh sự chia cắt phân tán nguồn lực?”

Đó chính là điểm yếu của nền kinh tế. Vì sao tỉnh nào cũng chạy theo xu hướng công nghiệp hóa, nhất thiết phải có khu công nghiệp, khu công nghiệp càng lớn càng là minh chứng vững vàng cho sự thành công, thậm chí có địa phương còn trăn trở vì khu công nghiệp mở ra không ai vào. Nếu mặt bằng được lấp đầy thì ô nhiễm môi trường, mất cân bằng nguồn lực, vỡ kết cấu xã hội… cũng nhức đầu không kém!

Phải chăng chỉ có sản xuất công nghiệp tập trung mật độ cao mới được gọi là nền kinh tế công nghiệp? Rất nhiều người lầm tưởng như vậy. Hệ quả là coi nhẹ nông nghiệp, nông thôn - không mặn mà điện khí hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp - một trong những thế mạnh của dân tộc.

Nông nghiệp đang rất cần

Nông nghiệp đang rất cần "công nghiệp hóa" (Ảnh: Internet)

Một trong những nguyên nhân tạo nên sự thành công vượt bậc của Liên Xô chính là công cuộc điện khí hóa nông thôn. Điều đó giải thích vì sao cùng cơ chế bao cấp nhưng đời sống người dân Liên Xô rất hanh thông.

Đó là nhờ công cuộc điện khí hóa hoàn thành năm 1941, từ năm 1938 Liên Xô đã có 483.500 máy kéo và 153.500 máy gặt đập liên hợp, thay thế cho sức kéo thủ công - thứ mà thế hệ bố mẹ tôi mới cách đây 10 năm còn sử dụng, và đến nay nền nông nghiệp Việt Nam cơ bản vẫn lạc hậu.

Việt Nam có đầy đủ lợi thế để phát triển “công nghiệp - nông nghiệp”, đường bờ biển dài, vùng biển ấm, da dạng sinh học, 3/4 lãnh thổ là rừng, đồi núi, sở hữu hai trong số những đồng bằng màu mỡ nhất thế giới, đặc điểm khí hậu có thể nói là “ưu ái” cho nông sản.

Tức là sử dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, hay nói sát hơn đó là ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Hiện Việt Nam vẫn có ngành này, nhưng chưa thể gọi là có “số má” trên thế giới, vì không kiên trì theo đuổi, mục tiêu thường thay đổi theo nhiệm kỳ…

Chúng ta mừng rớt nước mắt mỗi khi ai đó đồng ý nhập khẩu xoài, vải, nhãn, thanh long dù chỉ là một lượng rất nhỏ, nó cho thấy cách làm được chăng hay chớ, bán được thì mừng, không bán được thì đổ bỏ, bao nhiêu khó khăn nông dân gánh hết. Đó là nền “nông nghiệp phi công nghiệp”.

Người Việt khát khao một chiếc điện thoại thông minh do chính mình làm ra, ước mơ đó chính đáng, làm được cũng tốt, nhưng hãy nhìn xuống đôi bàn chân mình còn mốc thếch vì bùn đất…

Chúng ta mong mỏi một thương hiệu ôtô do người Việt làm chủ công nghệ, nhưng hãy nhìn sang Nhật, Hàn, Đức, Mỹ xem họ mất mấy thế kỷ để xây dựng và nhìn vào thị phần, xu hướng ôtô thế giới mới bất giác đặt câu hỏi: Liệu hàng Việt có cạnh tranh được không?

Và cũng chính người Nhật - họ làm ra những quả dưa, trái táo, ký thịt bò có giá ngàn đô. Xét về đẳng cấp, chất xám, trình độ makerting và giá trị thặng dư đâu thua gì chiếc Iphone của Mỹ?

Nói vậy để thấy rằng, không làm xe hơi, không sản xuất điện thoại vẫn không bị lạc hậu - nếu như chúng ta biết cách tận dụng những thứ khác để bán cho thế giới - rất hợp lý nếu cái đó là thế mạnh nhiều đời nay.

Nhân loại đã có sự phân công lao động và tạo ra nền kinh tế thị trường, sẽ ra sao nếu quốc gia nào cũng sản xuất xe hơi, hoặc trồng lúa gạo? Cách chung sống tốt nhất trong thời đại toàn cầu hóa là bán cái sở trường mua cái sở đoản.

Sở trường của Việt Nam không phải là công nghiệp (Ảnh:Internet)

Sở trường vốn có của Việt Nam là nông sản và chế biến nông sản thành phẩm có thương hiệu là giải pháp khả dĩ nhất (Ảnh:Internet)

Tiền bán thóc lúa, hoa quả, cá tôm dư sức mua xe hơi, điện thoại, công nghệ nếu như nền nông nghiệp đó hiện đại, đủ sức tạo ra sản phẩm bán cho tất cả thế giới.

Trong một phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nói rằng: “Chúng ta lựa chọn hai con (tôm và cá tra), riêng con tôm thế giới này 7 tỷ người, mỗi người ăn một cân là 7 triệu tấn, trong khi hiện nay chỉ có 5 triệu tấn cung ứng, rõ ràng nhu cầu còn rất lớn…”

Để làm được như ông Cường nói thì tôm Việt Nam phải được “công nghiệp hóa”, tạo ra hệ thống doanh nghiệp khổng lồ đi kèm với makerting chuyên nghiệp - khi ấy ngành tôm thực sự là một hệ sinh thái công nghiệp.

Singapore từng xuất phát từ một làng chài, xa xưa hơn là trạm hàng hải của thực dân Anh. Sau này họ không làm nông nghiệp, cũng không tham vọng sản xuất chế tạo gì cả, dựa vào truyền thống và vị trí địa lý, họ biến làng chài thành trung tâm dịch vụ logistics, tài chính có tầm vóc toàn cầu. Từ đó họ trở nên giàu có như ngày nay.

Nói như vậy không phải là không cần thiết các ngành công nghiệp trình độ cao như chế tạo máy móc, thiết bị, phương tiện, nhưng nếu không đủ khả năng nghiên cứu sáng tạo công nghệ nguồn thì không nên tốn kém thời gian đuổi theo mục tiêu xa xôi ấy.

Đương nhiên mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa có điểm khác cơ đối với mục tiêu trở thành cường quốc công nghiệp công nghệ cao. Ở chỗ, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thể “vay mượn” khoa học kỹ thuật, nhưng để trở thành cường quốc công nghiệp công nghệ cao thì phải sáng tạo tại chỗ, tạo ra công nghệ nguồn.

Về tổng quan, công nghiệp, đừng quá phụ thuộc vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ báo này không mới nhưng rất có ý nghĩa vào lúc này. Và, chỉ nên biến nước ta thành “công xưởng thế giới” khi công nghiệp phụ trợ đủ tầm phục vụ.

Nếu không, sẽ biến nước ta thành địa bàn xâu xé của các doanh nghiệp nước ngoài, trở thành bãi rác trong khi lợi nhuận bị chuyển ra ngoài lãnh thổ, hậu quả để lại không hề ít.

Có một nhận xét khá đắng nhưng đúng, Hàn Quốc xuất khẩu ông chủ sang Việt Nam, còn Việt Nam xuất khẩu làm thuê sang Hàn Quốc. Vậy, làm sao để thoát kiếp làm thuê - cả làm thuê trực tiếp, lẫn làm thuê “cấp cao” như trở thành nơi cung cấp linh kiện phụ trợ.

Nói như vậy có nghĩa, công nghiệp phụ trợ là một hướng đi không tồi, giống như người vừa đi làm công, vừa học nghề, khi đủ kỹ năng thì ra làm riêng, trở thành ông chủ.

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp rất muốn tiếp nhận ý kiến, bài viết của đọc giả, học giả và chuyên gia mọi lĩnh vực về chủ đề "nhận diện rào cản", "giải pháp tháo gỡ khó khăn", "sáng kiến góp phần thông thoáng chính sách",... làm sao để "VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG".

Mọi ý kiến đóng góp và bài vở xin gửi về địa chỉ vietnamhungcuong@dddn.com.vn trân trọng cảm ơn!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [Hướng đi cho công nghiệp Việt Nam] (Bài 3): Bỏ sở đoản, tu dưỡng sở trường tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714039715 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714039715 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10