Dù nhà đầu tư cá nhân có phân hóa nhóm, khẩu vị đầu tư ra sao, điều họ luôn quan tâm vẫn có điểm chung, đó là các doanh nghiệp có công bố thông tin minh bạch, chất lượng cao, chú trọng IR.
>>>Cần sớm lập Quỹ Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán
Chia sẻ tại tọa đàm bàn tròn IR View, được tổ chức trong khuôn khổ Lễ Vinh danh Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất 2022 (IR Awards), ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) vừa qua đã tăng trưởng nhanh, quy mô lớn. Đi kèm với đó là hành vi thao túng càng ngày càng tinh vi và phức tạp. Luật Chứng khoán mới đã nâng mức xử phạt lên và có thu lại gấp 10 lần số thu lợi bất chính. Luật có quy định chế tài CTCK thành viên vi phạm có thể bị đình chỉ, nhân viên môi giới có thể bị thu hồi chứng chỉ. Theo ông Năng, để hạn chế tình trạng này và trả lại sự công bằng, minh bạch, lành mạnh có thị trường, điều quan trọng là nên nâng mức xử phạt lên nữa và đào tạo về quy định xử phạt để thị trường nắm bắt.
"Các cơ chế để kiểm soát đều đã có, nhưng chưa có chế phối hợp giữa các bên. Chẳng hạn, luật đã cho phép cơ quan chức năng tiếp cận sao kê về viễn thông của khách hàng nhưng hiện tại, muốn xin thông tin từ công ty viễn thông cũng chưa có cơ chế", ông Năng cho biết thêm.
Trên TTCK Việt Nam, theo ghi nhận từ dữ liệu thống kê của cơ quan quản lý, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tham gia. Đến cuối tháng 7/2022, lượng tài khoản NĐT cá nhân đạt hơn 6,3 triệu tài khoản, chiếm trên 99% tổng tài khoản toàn thị trường. Để thu hút NĐT cá nhân ngày càng hiệu quả thì việc công bằng, minh bạch, công khai thông tin, không thể không nhờ đến công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp doanh nghiệp niêm yết có ứng xử khác nhau với công tác IR.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành khối Đầu tư chứng khoán của Vina Capital cho rằng các ứng xử khác nhau với công tác IR xuất phát từ đặc thù cơ cấu cổ đông của chính doanh nghiệp đó. Chẳng hạn như doanh nghiệp có tỷ lệ freefloat không được cao, thì các công ty này chưa chú trọng tới nhà đầu tư cá nhân lắm. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi và họ cũng chú ý tới nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn. Nhiều công ty đã mở cổng thông tin và tổ chức sự kiện để công bố thông tin cho nhà đầu tư, cả tổ chức và cá nhân.
Ở một số trường hợp, nhiều công ty có thể có cơ cấu cổ đông rất cô đặc, nhưng vẫn tỏ ra rất cởi mở với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, bà Thu nhận xét.
Gắn bó với TTCK ở nhiều vai trò, ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty tư vấn độc lập FIDT, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng hoạt động IR là hoạt động tương tác khá nhiều giữa bên quản trị công ty và phân tích, cổ đông. Nhưng nhiều doanh nghiệp gắn liền IR với hoạt động hành chính thì không hay vì chúng ta cần phải linh động. Theo đó, ông Tuấn đề xuất mở rộng hoạt động tham quan doanh nghiệp, dự án, nhà máy nhiều hơn. Nếu được tận mắt chứng kiến thì họ sẽ thích hơn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn cũng cho rằng hiện các nhà đầu tư cá nhân nên (và thực tế đang có sự phân hóa) được chia ra thành hai nhóm. Một là nhà đầu tư bình thường với kinh nghiệm 5-10 năm, họ đã có chiến lược đầu tư hợp lý. Hai là các nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm 3 năm trở lại đây. Với nhóm này, theo tôi, họ rất quan tâm tới các thông tin nóng, những thông tin có thể tạo ra lợi nhuận trong vài ngày.
Với các nhà đầu tư, nếu bạn thất bại một lần trên thị trường chứng khoán, có thể là do bạn chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, thất bại nhiều lần thì đó là do chúng ta và một phần do nhà đầu tư rất mau quên. Doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán rất nhiều với chất lượng rất khác nhau.
Nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm lại thường bật đồ thị kỹ thuật để xem điểm mua điểm bán. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam đang phát triển và có nhiều sự thao túng để thu hút nhà đầu tư vào cạm bẫy. Do đó, nhà đầu tư cá nhân nên tập trung vào các doanh nghiệp có công bố thông tin minh bạch, chất lượng cao hoặc có thể gửi tiền cho các quỹ đầu tư.
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld) thì nhận định xu hướng của các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục tăng vì tỷ lệ dân thu nhập trung bình đang ngày càng tăng lên và sẽ trở thành trụ cột cho nền kinh tế. Thay vì tiêu xài cho mục đích giải trí, họ sẽ chuyển sang đầu tư để mang lại nhiều lợi ích hơn cho cuộc sống.
"Tuy nhiên, đầu tư không phải là công việc đơn giản và tâm lý nhà đầu tư cá nhân vẫn đang là chơi chứng khoán với mong muốn lãi vài ngày vài phần trăm. Tôi hy vọng rằng NĐT cá nhân sẽ càng ngày hiểu biết hơn, thận trọng hơn, và có thể đầu tư thông qua các sản phẩm chứng chỉ quỹ để tăng tính an toàn", TGĐ Digiworld nói.
Như vây, thông qua đầu tư tổ chức quỹ, cũng là một trong những giải pháp để nhà đầu tư được tăng cường tiếp cận, dần "cọ xát" với TTCK một cách hiệu quả trong bối cảnh thị trường ngày càng mở rộng.
Các diễn giả đồng nhận định như quan điểm của bà Thu là thời gian qua cơ quan quản lý đã có nhiều hoạt động để tăng cường tính minh bạch. IR của doanh nghiệp niêm yết đã cải thiện hơn nhiều so với trước đây, doanh nghiệp đã cởi mở hơn chịu khó công bố thông tin hơn. "Tuy nhiên, nhà đầu tư nên bỏ tâm lý "chơi" chứng khoán và thay bằng đầu tư chứng khoán. Đầu tư trên cơ sở tìm hiểu kỹ càng, nếu sau 2-3 năm mà cảm thấy không ổn thì nên xem xét chuyển sang đầu tư thông qua quỹ. Nếu lặp lại các lỗi như nhau thì nhà đầu tư nên xem lại cách đầu tư. Nên có quan điểm đầu tư dài hạn hơn, bài bản hơn và xem xét cách đầu tư để lại giá trị cho tương lai chứ không phải chỉ là T+ rồi rút ra".
Ông Huỳnh Minh Tuấn nêu dự báo: "Thị trường vốn, chứng khoán rất hấp dẫn. Triển vọng tất nhiên là lạc quan nhưng con đường đi lên cần có sự cơ cấu lại. Trong tương lai, có thể doanh nghiệp sẽ ý thức hơn tới hoạt động IR, đó là điều có ý nghĩa với thị trường và nhà đầu tư".
Sự xuất hiện của lớp nhà đầu tư cá nhân mới cũng thay đổi thị trường chứng khoán cả về chất lẫn về lượng trong hơn 2 năm trở lại đây. Năm 2021, tổng giá trị huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt gần 144 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020 (nguồn: Bộ Tài chính)
Tại Lễ vinh danh IR Awards 2022 vừa diễn ra, Ban Tổ chức VAFE và Vietstock đã gọi tên Những doanh nghiệp xuất sắc và dẫn đầu về hoạt động IR trong tổng số 736 doanh nghiệp niêm yết.
Các hạng mục được vinh danh bao gồm Top 3 Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2022 và Top 3 Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR được Định chế tài chính đánh giá cao nhất 2022 chia theo quy mô vốn hóa.
Đây là những doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu về truyền thông tài chính hiệu quả, đạt được danh tiếng tốt trên thị trường vốn và quản trị tốt sự kỳ vọng của thị trường chứng khoán.
Truyền thông tài chính hiệu quả: Truyền thông tài chính minh bạch và hiệu quả, tạo được sự hiểu biết rộng rãi về giá trị và triển vọng của doanh nghiệp, có những nhóm nhà đầu tư ủng hộ mạnh trên thị trường.
Danh tiếng tốt trên thị trường vốn: Doanh nghiệp tạo được danh tiếng tài chính tốt, từ năng lực quản trị, uy tín của HĐQT và Ban điều hành đến độ tin cậy của số liệu tài chính và các tài liệu công bố khác.
Quản trị tốt sự kỳ vọng của thị trường chứng khoán: Hoạt động quan hệ nhà đầu tư giúp tối ưu hóa giá trị doanh nghiệp, định giá từ thị trường sát với giá trị nội tại của doanh nghiệp, thanh khoản cổ phiếu hợp lý.
Có thể bạn quan tâm