Hoạt động chính về bất động sản khu công nghiệp (KCN), Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA) đang nằm trong số các doanh nghiệp thụt lùi kết quả kinh doanh.
Sau khi trải qua năm 2020 với nhiều khó khăn, ITA lại tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 2/2021.
ITA đã có 1 năm qua ngược thị trường và không hoàn toàn khởi sắc. Công ty giảm doanh thu thuần tới 51%, biên lợi nhuận gộp giảm 40% và lợi nhuận sau thuế giảm 14,2% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, dù giá thuê đất KCN phía Nam vẫn tiếp tục tăng trong quý 2, nhưng ITA vẫn có kết quả kém, trong đó lãi ròng quý 2 giảm hơn 20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do các KCN trực thuộc đều đã có tỷ lệ lấp đầy 100%, không thể phát sinh thêm doanh thu mới. Trong khi đó, một số dự án quan trọng của ITA lại đang chậm trễ.
ITA hiện có dự án KCN Saigon–Mekong (Long An) đang trong giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ. ACBS đánh giá, nếu khoản đầu tư này không được thông qua, ITA sẽ gặp khó khăn về mặt phát triển và sẽ phải phụ thuộc hầu hết vào sự tăng giá thuê trên thị trường để cải thiện lợi nhuận. Ngoài ra, ITA còn có dự án KCN Tân Đức giai đoạn 2 đang thúc đẩy triển khai.
75 tỷ đồng là lãi ròng 6 tháng đầu năm 2021 sau soát xét của ITA, giảm 21% so với báo cáo tài chính tự lập.
Trên thực tế, ngược với ITA, cùng một sân chơi bất động sản công nghiệp khu vực Long An, Công ty CP Long Hậu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này cho thấy, chỉ cần chậm chân 1 bước thì ITA rất dễ bị “uống nước đục”. Đúng không bằng trúng thời điểm chính là như vậy.
ITA đang vướng rất nhiều dự án đầu tư trực tiếp, liên kết, tài chính. Trong đó, dự án nhiệt điện Kiên Lương đã kéo dài hàng chục năm, đến năm 2018 đã bị UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra khỏi quy hoạch. Đến nay, ITA vẫn đang nỗ lực kiến nghị để được đánh giá lại dự án.
Đến ngày 30/6/2021, ITA có các khoản mục đầu tư dài hạn hơn 3 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng 2 công ty năng lượng tập trung cho đầu tư Nhiệt điện Kiên lương đã chiếm hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương cũng được hạch toán trong khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dài hạn dở dang chiếm hơn 542 tỷ đồng. Tiền “chôn” vào dự án nhưng chưa có đường ra, nên ITA phải vốn hóa chi phí đi vay trong kỳ hơn 1.800 tỷ đồng. Điều này cho thấy ITA đang đặt kỳ vọng vào thu lợi ích kinh tế tương lai từ các dự án.
Hơn thế, trong xu thế ngành điện đang phải giảm điện tái tạo do thừa điện, việc phát triển và thu hút vốn đầu tư cho các dự án nhiệt điện không còn dễ dàng, cũng đặt ITA vào một thế khó. Chưa kể, Kiên Giang được kỳ vọng lớn về dẫn đầu công nghiệp không khói hậu dịch.
Tuy nhiên, giới chuyên môn kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm kiểm soát và sẽ không có đợt dịch chuyển vốn FDI nào ra khỏi Việt Nam, như đánh giá của World Bank mới đây. Hơn nữa, sự hy sinh kinh tế hiện tại để đổi lấy ổn định trong dài hạn, có thể giúp Việt Nam giữ được lợi thế trong từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu... Với tất cả điều kiện thuận lợi này, các doanh nghiệp bất động sản KCN nói chung vẫn còn có triển vọng. Do vậy, nếu ITA được triển khai dự án mới, sẽ giảm bớt áp lực cạnh tranh và thoát ra khỏi tình trạng tài sản lớn, quỹ đất rộng, tiền không có. Tuy nhiên, viễn cảnh này còn xa.
Có thể bạn quan tâm
Pin năng lượng mặt trời Việt Nam có khả năng bị Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh và chống trợ cấp
16:37, 03/09/2021
Bamboo Capital: Năng lượng tái tạo đã bắt đầu tạo tiền
09:02, 09/08/2021
LG “chi khủng” cho năng lượng tái tạo
04:08, 20/07/2021
Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Thiếu hành lang pháp lý
03:30, 03/09/2021