Quy định về đấu thầu còn nhiều bất cập dẫn đến hình thức “chỉ định thầu” bị lợi dụng triệt để trong các vụ mua sắm thiết bị y tế. Đây chính là kẽ hở pháp luật để các đối tượng “bắt tay” trục lợi...
>>>Từ vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội: Có bịt được lỗ hổng trong đấu thầu?
Thời gian qua, nhiều lãnh đạo các bệnh viện phải vướng vòng lao lý do liên quan tới các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, những hành vi thông đồng, đẩy giá thiết bị lên cao không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách mà còn khiến dư luận xã hội bức xúc bởi hành vi trục lợi từ sức khỏe của người bệnh.
Vào giữa năm 2020, ông Nguyễn Nhật Cảm, khi đó là Giám đốc CDC Hà Nội, bị khởi tố và bắt giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội. Ông Cảm bị xác định có vai trò chủ mưu, đã lợi dụng dịch bệnh, vụ lợi, thông đồng nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 lên 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập. Nhiều cán bộ cấp dưới của ông Cảm và lãnh đạo một số doanh nghiệp trang thiết bị y tế cũng bị khởi tố, bắt giam.
Cùng với vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, cơ quan công an đã điều tra mở rộng vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty CP Công nghệ y tế BMS và các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa. Ông Nguyễn Quốc Anh (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), ông Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và kế toán trưởng của bệnh viện này bị khởi tố, bắt giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tháng 2/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Khải (nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM), Võ Thị Chinh Nga (nguyên Phó Giám đốc), Phí Duy Tiến (nguyên Phó Giám đốc) và Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức thuộc Bệnh viện Mắt TPHCM) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Quá trình điều tra xác định, năm 2018, Bệnh viện Mắt TPHCM tổ chức thực hiện gói thầu “Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018” để phục vụ điều trị, khám chữa bệnh. Một số cá nhân lãnh đạo Bệnh viện Mắt TPHCM đã làm trái quy định của pháp luật về đấu thầu để loại mặt hàng thủy tinh thể nhân tạo tương đương đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá dự thầu thấp nhất, mua các mặt hàng thủy tinh thể có giá dự thầu cao. Hành vi trên gây thiệt hại 14,2 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế 5,2 tỷ đồng, người bệnh có Bảo hiểm y tế 7,1 tỷ đồng, người bệnh không có Bảo hiểm y tế 1,8 tỷ đồng.
Ngày 21/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Tuấn bị khởi tố do có liên quan tới những sai phạm trong đấu thầu trang thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội vào thời kỳ ông Tuấn làm giám đốc bệnh viện này. Trước đó, cơ quan công an cũng đã khởi tố 9 bị can, trong đó có 4 người là cán bộ, lãnh đạo của Bệnh viện Tim Hà Nội. Cơ quan điều tra xác định tại 2 gói thầu mua sắm thiết bị vật tư y tế của Bệnh viện Tim Hà Nội có nhiều sai phạm, gây thất thoát hơn 40 tỷ đồng.
Gần nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Quân (Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, TPHCM) và Nguyễn Văn Lợi (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi đã thông đồng, cấu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật Đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Còn bất cập, kẽ hở từ Luật
Trong tất cả các vụ án liên quan đến mua sám thiết bị y tế nói trên, dù bằng hình thức chỉ định thầu, đấu thầu hay mua sắm trực tiếp… chúng ta đều thấy có 1 điểm chung là: giá của các thiết bị y tế bị đôn lên rất cao, gấp nhiều lần so với thực tế giá thị trường. Chính điều này đã làm tăng chi phí các gói thầu mua sắm thiết bị, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh…
Theo các chuyên gia, việc “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực là có sự câu kết chặt chẽ giữa cán bộ của các bệnh viện và “nhiều doanh nghiệp” khác nhau, trong đó đặc biệt là với các doanh nghiệp thẩm định giá.
Theo Luật sư Hoàng VIệt Hùng - Giám đốc Công ty Luật UPLAW, Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá…
Tuy nhiên, lại quá dễ dãi khi không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định; hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép bất cứ từ bên nào? Muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản như: thương hiệu, giấy phép… ? Chỉ đến khi vụ việc bị cáo giác, Thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết số liệu, kết quả thẩm định giá là… “khống”.
Bên cạnh đó, quy định về đấu thầu cũng có nhiều bất cập dẫn đến hình thức “chỉ định thầu” bị lợi dụng triệt để trong các vụ mua sắm thiết bị y tế. Theo đó, có thể thấy hình thức chỉ định thầu là một trong 06 hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2013. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến.
Theo đó, chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp như: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách…(khoản 1, Điều 22, Luật Đấu thầu); Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện, Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn… (khoản 4, Điều 22, Luật Đấu thầu).
“Đây chính là kẽ hở vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng áp dụng hình thức chỉ định thầu để phục vụ cho động cơ trục lợi mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của bất cứ tổ chức có thẩm quyền nào khác”, Luật sư Hoàng VIệt Hùng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM: Bắt Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức và chủ doanh nghiệp trang thiết bị y tế
07:06, 08/11/2021
Bắt Tổng giám đốc liên quan đến vụ án mua sắm thiết bị y tế ở Sơn La
01:12, 06/04/2021
Tiếp tục khởi tố thêm 1 cựu Giám đốc trong vụ “thổi giá” thiết bị y tế ở Hà Tĩnh
12:02, 08/01/2021
Bài học cảnh tỉnh cho ngành Y nhìn từ vụ án "thổi giá" thiết bị y tế
05:00, 28/09/2020
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và thuộc cấp nâng không giá thiết bị y tế lên bao nhiêu lần?
21:06, 25/09/2020
Vụ "thổi giá" thiết bị y tế cao cấp tại Hà Tĩnh: Chủ đầu tư khẳng định đúng quy trình?
18:13, 16/09/2020