Báo chí và doanh nghiệp, doanh nhân gắn bó với nhau trong mối quan hệ cộng sinh, đồng hành để cùng lớn mạnh.
Nhưng không chỉ đồng hành, báo chí còn cần thêm yêu thương cùng doanh nghiệp. Và để tình yêu đó tồn tại lâu dài thứ nhất là làm sao để cảm nhận được “tình yêu” đó và làm cho phát triển. Thứ hai là làm sao để đánh giá tình yêu của báo chí với doanh nghiệp. Và thứ ba là làm sao để “tình yêu” giữa báo chí và doanh nghiệp “đơm hoa kết trái”.” - ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng biên tập Diễn đàn Doanh nghiệp từng nhận địnhđúng đối tượng.
Theo ông Tuấn: “Trên hết “tình yêu” phải đến từ hai phía. Ông Tuấn cũng khẳng định: trong suốt 8 năm qua, Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân doanh nghiệp và môi trường kinh doanh đã phát hiện ngày một nhiều hơn những “áng tình thư” ấy.
Sự thấu hiểu, chia sẻ, thông cảm từ báo chí với doanh nghiệp, doanh nhân ngày một thể hiện rõ hơn; ngược lại, doanh nhân cũng mở lòng hơn với báo chí. Rõ ràng, khi báo chí làm được điều tốt, tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giúp doanh nhân có được môi trường làm việc tốt hơn, cống hiến hết mình hơn, thì tương lai, mối quan hệ này ngày càng khăng khít hơn, và một điều quan trọng là ai cũng phải giữ được “chất” của mình.
Trong 2020, phần lớn doanh nhân thừa nhận, dịch bệnh đã khiến họ kích hoạt mạnh mẽ tư duy về sự thay đổi. Họ nhận thấy, không có vùng nào là an toàn hiện nay. Và hơn hết, họ cần những thâm tình ngày một sâu sắc.
Chính vì thế, tại Diễn đàn báo chí - doanh nhân, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Sự đồng hành là tính tất yếu trên con đường phát triển. Báo chí là kênh cung cấp thông tin, truyền tải đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến doanh nhân, doanh nghiệp và người dân trong xã hội. Báo chí có vai trò lớn trong giới thiệu, quảng bá hình ảnh thương hiệu cho doanh nghiệp” - ông nói và cho rằng “trong bối cảnh dịch COVID báo chí còn đóng vai trò là diễn giả, đề xuất với Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Ông cho rằng nếu báo chí nhìn nhận, đánh giá, kiến giải và tìm ra những đề xuất sâu sắc các vấn đề doanh nghiệp đang cần sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Nếu chúng ta nghiên cứu chưa sâu sắc ở 1 bài báo hay ý kiến nào đó thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi đưa thông tin ra thị trường.
Ông cho biết, trong quản trị xã hội hiện nay, khi triển khai một chương trình, một dự án thường doanh nghiệp đặt 4 vấn đề: truyền thông, nội dung, nguồn nhân lực và điều kiện tổ chức thực hiện nên vấn đề truyền thông không thể thiếu trong quá trình phát triển của một tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Do đó, công tác truyền thông phải đặt lên hàng đầu.
“Mong rằng các cơ quan báo chí hãy tích cực, báo chí chúng ta là báo chí cách mạng để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển vững mạnh hơn ngay cả khi tham gia vào hội nhập quốc tế” - ông Hùng nhấn mạnh.
Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói, trong mấy tháng chống dịch, chúng ta dồn sức để chống dịch, giống như một cái “lò xo” bị nén. Khi chúng ta bắt đầu đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường thì cái “lò xo” đó phải bật ra để có một năng lượng mới.
Doanh nhân Việt Nam đang phục hồi với một tinh thần mới. Dù đâu đó vẫn có một số doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực suy sụp, nhưng họ vẫn tin tưởng rằng có thể gượng dậy đứng vững và phát triển.
Ở chiều ngược lại, các nhà báo ngày càng ý thức rõ ràng hơn rằng: Trong thời đại thông tin đa chiều, đa phương tiện như hiện nay, khi mọi người tham gia vào mạng xã hội, thì phải làm thế nào để nhà báo có thể phát huy được tác dụng. Nhà báo phải luôn thực hiện một sứ mệnh vẻ vang là phản ánh sự thật, tôn vinh sự thật, với một vị thế đàng hoàng.
Doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế, còn báo chí lại tiên phong trên mặt trận tư tưởng thông tin. Nếu đồng hành, gắn bó, khăng khít, doanh nghiệp và báo chí sẽ cùng phát triển và cùng bắt tay tạo nên những câu chuyện truyền cảm hứng tốt đẹp.
Trong 8 năm, Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và môi trường kinh doanh đã nhận được hơn 4.000 bài viết từ khắp các cơ quan báo chí trên cả nước với những đóng góp tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Ban tổ chức đã nhận được gần 352 tác phẩm của hơn 34 cơ quan báo chí gửi về tham gia.