Khát nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp tìm lối đi riêng

Theo vneconomy 11/05/2018 06:25

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo và tuyển dụng lao động theo đúng yêu cầu phát triển kinh doanh...

Nhu cầu nhân lực tăng cao ở một số nhóm ngành như công nghệ thông tin.

Nhu cầu nhân lực tăng cao ở một số nhóm ngành như công nghệ thông tin.

Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động Tp.HCM sắp tới vẫn tiếp tục phát triển nhanh theo hướng tăng nguồn lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn nhân lực này tại các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn và vì vậy nhiều doanh nghiệp chuyển sang tìm lối đi riêng cho mình.

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM (FALMI) thì dự báo năm 2018, toàn thành phố cần nhu cầu 300.000 chỗ làm việc, tăng bình quân 5% so với năm 2017; trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới, tăng 4% so với năm 2017.

Nhân lực chất lượng cao - bài toán nan giải

Theo chuyên gia thị trường lao động Trần Anh Tuấn, sự phát triển mạnh mẽ thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, điện thoại di động, máy tính bảng... kéo theo xu hướng tuyển dụng nhân lực trong chuyên ngành Digital marketing.

Ông Tuấn cho rằng, nhu cầu nhân lực tăng cao ở một số nhóm ngành như công nghệ thông tin tập trung tuyển dụng nhân sự ở các lĩnh vực: Phân tích dữ liệu, bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử phát triển mạnh sẽ thu hút nhiều nhân lực và xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp mới, nên nhu cầu nhân lực gia tăng ở các ngành vận tải, dịch vụ thu hộ. Việc thu hút đầu tư của các công ty nước ngoài trên địa bàn thành phố cũng rất cần nguồn lực phiên dịch chất lượng cao...

Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng cho hay, hạn chế chung là thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, còn lệch pha cung cầu về số lượng và chất lượng, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Chính vì thế, nghịch lý là, đang rất thừa lao động trình độ thấp nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

Nội dung đào tạo ở các trường hiện vẫn là một vấn đề nan giải, bởi trong khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng một nẻo, nhiều cơ sở đào tạo một nơi; nói cách khác, việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực sau khi ra trường vẫn đang làm đau đầu những nhà đào tạo, tuyển dụng.

PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM cho rằng, chúng ta cần sử dụng Uber trong giáo dục. Đó là sử dụng cơ sở học liệu chung - chia sẻ về đội ngũ giảng viên - chia sẻ các nguồn lực... để tạo bước đột phá trong giáo dục nghề nghiệp.

Đây được cho là những ứng dụng đào tạo để nguồn nhân lực tương lai không phải bỡ ngỡ trước các phát triển nhanh chóng của thực tiễn, giúp cập nhật những kỹ năng cần thiết cho học viên sau khi ra trường có thể mau chóng thích nghi với môi trường doanh nghiệp, không phải đào tạo lại.

Liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường

Tp.HCM hiện đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến phát triển để trở thành đô thị thông minh, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực do đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, quốc tế và nhiều dự án khởi nghiệp cũng sẽ xuất hiện...

Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ, có tay nghề trở nên cấp thiết đối với yêu cầu phát triển thành phố. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã có những hướng đi riêng để có được nguồn nhân lực tương xứng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo và tuyển dụng lao động theo đúng yêu cầu phát triển kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng ý thức việc giữ chân người lao động bằng sự hài hòa, đôi bên cùng có lợi, thực hiện các giải pháp cơ bản, bảo đảm việc làm ổn định; đồng thời, cải thiện chế độ lương, phúc lợi cùng các chính sách chăm lo lễ, Tết chu đáo...

Qua đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có việc làm ổn định, có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Không chỉ đối với doanh nghiệp mà tại một số cơ sở đào tạo cũng đã có những "hợp đồng tay ba" giữa nhà trường – học viên – doanh nghiệp bảo đảm đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp và học viên ra trường có ngay việc làm với mức lương ổn định.

Ví dụ trường hợp của hệ thống Trường cao đẳng nghề công nghệ thông tin iSpace. Đây là là chuỗi trường đầu tiên tại Tp.HCM và các tỉnh đào tạo sinh viên bằng một hợp đồng dạy nghề hẳn hoi.

Trong suốt thời gian học tại trường, sinh viên được dành rất nhiều thời gian học chuyên môn thực hành, nghĩa là không đặt nặng kiến thức học thuật, hàn lâm. Nhà trường cũng đã ký kết thỏa thuận với các doanh nghiệp để, hoặc cung cấp nhân lực theo yêu cầu cho doanh nghiệp (đào tạo theo đặt hàng), hoặc sinh viên sẽ thực tập thường xuyên tại các doanh nghiệp nhằm bảo đảm rằng tất cả những gì sinh viên được học, được thực hành đều đúng với công việc trong tương lai khi mình ra trường, và hoàn toàn không bỡ ngỡ khi bước chân vào nghề nghiệp sau này.

Về lâu dài, chuyên gia Trần Anh Tuấn lưu ý, Tp.HCM cần thực hiện điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu thị trường lao động về xu hướng việc làm và học nghề; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn. Bởi vì "đã đến lúc thành phố và các doanh nghiệp cần tầm nhìn xa hơn về chiến lược sử dụng lao động, coi điều kiện lao động tốt là yếu tố giúp gia tăng cạnh tranh và đem lại lợi nhuận", ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khát nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp tìm lối đi riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO