Vải kháng khuẩn làm khẩu trang của Dệt kim Đông Xuân đạt tỷ lệ suy giảm vi khuẩn trong khoảng từ 48,4% - 68,4%, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và tiêu diệt một phần vi khuẩn.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) khẳng định trước bối cảnh nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất khẩu trang càng ngày càng khó khăn, đặc biệt trước thực tế nhiều khẩu trang nhái, giả trên thị trường khiến người dân hoang mang.
Vinatex ứng phó COVID-19?
Ông Trường cho biết, hiện Vinatex đã cung cấp ra thị trường khoảng 750.000 khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn, mỗi ngày sản xuất 10 tấn vải không dệt kháng khuẩn cho các đơn vị sản xuất khẩu trang sử dụng 1 lần.
Để làm được việc này, Vinatex đã quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị thành viên sắp xếp lại các chuyền may, mặc dù đây là giai đoạn cao điểm của các đơn hàng xuất khẩu, để phục vụ sản xuất khẩu trang, phục vụ nhu cầu trong nước.
Cụ thể, các đơn vị trực thuộc ở Miền Bắc gồm Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân, Tổng công ty CP Dệt May Hà Nội, Tổng công y May 10 – CTCP, Tổng công ty Đức Giang – CTCP, Tổng công ty May Hưng Yên – CTCP, Công ty CP May Nam Định, Tổng công y CP Dệt May Nam Định; Miền Trung: Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Tổng công y CP Dệt May Huế; Miền Nam Công ty CP May Đồng Nai, Tổng công ty CP Dệt Kim Đông Phương, Tổng công ty CP May Việt Tiến, Tổng công y CP May Nhà Bè.
Thực hiện hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y Tế, ông Trường cũng lưu ý, khẩu trang do các doanh nghiệp thuộc Vinatex sản xuất sẽ được ưu tiên cung ứng cho các đơn hàng đến từ các tổ chức lớn các tỉnh thành trong cả nước và họ có trách nhiệm phân phối đúng đối tượng có nguy cơ cao, ưu tiên sử dụng khẩu trang trước, như y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học…
Theo đó, chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ. Tại 05 điểm bán lẻ của Vinatex trên thị trường Hà Nội, mỗi ngày cung ứng từ 3.000 - 6.000 khẩu trang, chỉ bán cho mỗi khách 5 chiếc, để đảm bảo trung bình mỗi ngày có 600 – 1.200 khách có thể mua được hàng.
“Trong những ngày tới, lượng hàng tiếp tục được cung ứng nên khách hàng có thể bình tĩnh đợi đến lượt mình mua hàng, không nên tích trữ, để dành cơ hội mua hàng cho những người khác” ông Trường khuyến cáo.
Theo ghi nhận của DĐDN, tính đến nay Vinatex và các đơn vị thành viên đã trao tặng 150.000 khẩu trang kháng khuẩn, trong đó: Lực lượng Bộ đội biên phòng 5.000 chiếc; Tỉnh Vĩnh Phúc 5.000; Tỉnh Thái Nguyên 2.000; May 10 phát miễn phí 50.000 chiếc cho người dân trước cổng Tổng Công ty, Dệt May Huế tặng 70.000 chiếc cho người dân trên địa bàn …. và trao tặng khẩu trang đến 1 số trường học, bệnh viện tại Hà Nội. Hiện nay, Tổng công ty Đức Giang đang sản xuất 206.000 chiếc (vải do 1 đơn vị tại Thái Bình tặng) và sẽ cung ứng miễn phí cho người dân tại Thái Bình … Ngoài ra, các đơn vị thành viên khác của Tập đoàn cũng đang sản xuất khẩu trang miễn phí để cung ứng tại địa bàn nơi doanh nghiệp trú đóng như Dệt May Hòa Thọ, Tổng công ty CP Dệt May Hà Nội, Tổng công ty May Hưng Yên – CTCP ….
Có thể bạn quan tâm
17:22, 17/02/2020
15:56, 17/02/2020
15:04, 17/02/2020
15:01, 17/02/2020
14:14, 17/02/2020
Khẩu trang vải kháng khuẩn gấp 100 lần vải thông thường
Về công tác kiểm tra và công bố kết quả xét nghiệm vải dệt kim kháng khuẩn, Viện nghiên cứu Dệt May Việt Nam cho biết, kết quả xét nghiệm các mẫu vải vừa được Vinatex đưa vào sử dụng để may khẩu trang đáp ứng được cả tiêu chuẩn khắt khe nhất của các nhà dệt may và dệt nhuộm Mỹ.
Như vậy, để đạt kết quả theo tiêu chuẩn của các nhà dệt may và dệt nhuộm Hoa Kỳ, phải mất 4 ngày thực hiện quy trình phun kháng khuẩn, và các loại vải dùng để sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn hiện nay theo kết quả công bố có tính kháng khuẩn gấp 100 lần so với các loại vải thông thường.
Cũng theo đại diện Vinatex thì trong tuần này, từ 17-24/02, số lượng khẩu trang được sản xuất sẽ được nâng cao do sự tham gia và tăng năng lực sản xuất khẩu trang của các đơn vị như May Nam Định, May Nhà Bè, May Hồ Gươm, Dệt May Huế… và do năng suất may khẩu trang được nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất.
Riêng với Công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Xuân, sau 1 thời gian nỗ lực nâng cao năng suất, đến nay Công ty phấn đấu mỗi ngày cung ứng ra thị trường trên 200.000 khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn, có thể bảo lưu được tính kháng khuẩn sau nhiều lần giặt.
Đây là loại vải kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản, vật liệu mềm mại tạo sự thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng. Từ khi ra mắt thị trường, Dệt Kim Đông Xuân cam kết bán bằng giá thành (đã bao gồm VAT) là 7.000đ/chiếc, không tăng giá trong mọi hoàn cảnh và giữ nguyên chất lượng.
Trước đó, ngày 10/02/2020, Viện Nghiên cứu Dệt May đã gửi kết quả thử nghiệm kiểm tra tính kháng khuẩn các mẫu vải làm khẩu trang của Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân.
Theo đó, các thử nghiệm nêu trên được Viện Nghiên cứu Dệt May tiến hành trên các mẫu vải làm khẩu trang của Dệt kim Đông Xuân theo phương pháp AATCC 100, vi khuẩn được nuôi cấy vào các mẫu vải trong một khoảng thời gian nhất định rồi ủ trong tủ ấm ở nhiệt độ tương đương nhiệt độ cơ thể người trong 24 giờ, sau đó đong đếm số lượng vi khuẩn để đánh giá tỷ lệ suy giảm của vi khuẩn tính bằng %.
Kết quả cho thấy các mẫu vải kháng khuẩn làm khẩu trang của Dệt kim Đông Xuân đạt tỷ lệ suy giảm vi khuẩn trong khoảng từ 48,4% - 68,4%, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và tiêu diệt một phần vi khuẩn.
“Vải xử lý kháng khuẩn của Đông Xuân cung cấp sang Nhật Bản đều được khách hàng cho kiểm tra theo Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản JIS L 1902 – Kiểm tra tính năng và hiệu quả kháng khuẩn đối với các sản phẩm dệt may. ”Phương pháp này tương đồng với phương pháp AATCC 100 của Mỹ và phương pháp ISO 20743. Theo phương pháp JIS L1902, vi khuẩn được nuôi cấy vào các mẫu vải trong một khoảng thời gian nhất định rồi ủ trong tủ ấm ở nhiệt độ tương đương nhiệt độ cơ thể người trong 18 giờ, sau đó đong đếm số lượng vi khuẩn để đánh giá mức độ tăng hay giảm của vi khuẩn so với trước khi ủ và so với mẫu đối chứng không có xử lý kháng khuẩn. Trên cơ sở đó đánh giá được khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn của mẫu vải được xử lý kháng khuẩn. Vải kháng khuẩn của Đông Xuân là vải qua kết quả kiểm tra có lượng vi khuẩn ít hơn vải thông thường 100 lần, duy trì được tỷ lệ kháng khuẩn này sau 30 lần giặt”, ông Trường cho hay.
Thực tế, suốt ba thập kỷ, Đông Xuân đã thường xuyên sản xuất loại vải này theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của khách hàng truyền thống Nhật Bản, dùng để may đồ cho trẻ sơ sinh, quần áo bệnh nhân sau đại phẫu và quần áo bác sĩ trong bệnh viện Nhật Bản.
Vải này cũng phù hợp để may khẩu trang dùng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, những người chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện, những người có tiếp xúc với bệnh nhân… với tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn từ môi trường thâm nhập qua đường mũi, miệng, và ngăn vi khuẩn từ người bệnh lan ra môi trường qua ho, hắt hơi…
Bên cạnh đó, ngày 07/02/2020, các sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn của Dệt kim Đông Xuân đã được cấp Giấy chứng nhận phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may.
Khẩu trang kháng khuẩn cung không đủ cầu?
Trước thực trạng thời gian vừa qua, số lượng khẩu trang hợp chuẩn ở tình trạng cung không đủ cầu, ông Trường chia sẻ, vì khẩu trang không phải là mặt hàng Vinatex chuyên sản xuất, do đó khâu chuẩn bị sản xuất phải mất từ 3-5 ngày. Thêm vào đó, trong những ngày đầu sản xuất, Dệt Kim Đông Xuân và các đơn vị thành viên khác chỉ đạt chừng 1/6 công suất và đến ngày 10/02/2020 mới có thể đạt tối đa công suất (mỗi công nhân may được 400 khẩu trang/ngày).
Ngoài việc sản xuất khẩu trang, Dệt Kim Đông Xuân cũng khẩn trương sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn với công suất dự kiến là 10 - 12 tấn/ngày. Tuy nhiên, công đoạn xử lý chất kháng khuẩn sẽ tốn thời gian và khó có thể làm nhanh. Vải sau sản xuất và xử lý kháng khuẩn sẽ được chuyển tới các đơn vị miền Bắc và miền Trung trong hệ thống doanh nghiệp may của Vinatex để sản xuất phục vụ nhân dân trong vùng.
Đồng thời, Dệt Kim Đông Xuân cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản cho Công ty CP Dệt Kim Đông Phương với công suất 10 tấn/ngày để cung ứng vải cho các đơn vị may phía Nam. Đây là loại vải dệt kim kháng khuẩn sử dụng cho trẻ sơ sinh và trong bệnh viện mà Dệt Kim Đông Xuân đã hợp tác sản xuất cho Nhật Bản 30 năm qua. Như vậy, tổng sản lượng sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn của Dệt Kim Đông Xuân và Dệt Kim Đông Phương tuần qua đã đạt gần 20 - 24 tấn/ngày.
Ngoài ra, các đơn vị may trong Tập đoàn không chuyên may mặt hàng khẩu trang, và cũng đang kín các đơn hàng xuất khẩu, nên với trách nhiệm xã hội, các đơn vị được Vinatex phân công may khẩu trang phải thương lượng với bạn hàng để giãn tiến độ giao hàng, dành thời gian may khẩu trang phục vụ nhân dân trong đợt dịch COVID-19 này. Và trong tình trạng nhu cầu đơn hàng khẩu trang tăng đột biến lên gấp hàng trăm lần, các đơn vị sẽ không thể đáp ứng ngay lập tức được.
“Trong tuần tới, tình trạng khan hàng ra thị trường cũng chưa thể giải quyết hoàn toàn, tuy nhiên sẽ có cải thiện do những nỗ lực cao nhất của các doanh nghiệp trong Vinatex, sẵn sàng sản xuất cả trong ngày nghỉ cuối tuần để vừa phục vụ nhân dân vừa đảm bảo đơn hàng xuất khẩu. Dự kiến, tính đến hết Tháng 02.2020, toàn Tập đoàn sẽ cung ứng ra thị trường 5,5 – 6 triệu sản phẩm khẩu trang sử dụng vải kháng khuẩn, cũng như cung ứng mỗi ngày 10 tấn vải không dệt để các đơn vị may khẩu trang y tế” ông Trường nói.
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị ngày 14/2 vừa qua, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do đó công tác sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường vẫn phải được ưu tiên trong các đơn vị của Vinatex. Mỗi đơn vị cần tổ chức một vài chuyền sản xuất riêng khẩu trang để tăng năng lực sản xuất hơn nữa. Riêng trong Tháng 3.2020, tổng số lượng khẩu trang Vinatex và các đơn vị thành viên cung ứng ra thị trường có thể tăng lên tới gần 12 triệu chiếc.