Khó khăn kiểm soát lạm phát

NGUYỄN VIỆT 27/07/2019 11:00

Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ dự báo kịch bản lạm phát bình quân cho cả năm 2019 nằm trong khoảng từ 3,17 - 3,41%.

Đây là dư địa để xem xét tiếp tục điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ công do nhà nước còn quản lý. Tuy nhiên, kiểm soát mức lạm phát kỳ vọng không đơn giản. Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc kiểm soát lạm phát là công việc rất “vất vả”, vì có những diễn biến bất ngờ nằm ngoài sự kiểm soát.

Còn dư địa nhưng cần cảnh giác

Thứ nhất, cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ bước vào năm học mới dẫn đến phát sinh nhiều chi phí liên quan đến giáo dục có thể phải tăng giá, từ đây có thể đẩy lạm phát lên.

Thứ hai, từ tháng 10 đến cuối năm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bắt đầu đi tìm kiếm các hợp đồng và tích trữ vật tư, nguyên liệu để sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng trong dịp tết, cũng như phục vụ lễ hội cuối năm.

Thứ ba, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi gia súc trong khu vực nông nghiệp. Hay những biến đổi về khí hậu cũng đang tạo ra sức ép lớn về nguy cơ hạn hán trong tháng 10, 11 tới đây. Từ đây dẫn đến dự đoán năng suất trong nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với các năm trước.

“Tất cả những điều này nói lên một điều, mặc dù có dư địa để xem xét tăng một số dịch vụ công, nhưng cũng cần phải hết sức cẩn trọng. Xem xét những lĩnh vực nào không thể dừng tăng giá được thì mới nên tăng. Không thể vì thấy lạm phát thấp mà tăng ồ ạt thì khi đó rất có thể sẽ vượt khỏi mức lạm phát mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Thách thức trong - ngoài

Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% có rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, thách thức nội tại bên trong nền kinh tế của Việt Nam, cho dù kinh tế vĩ mô đã ổn định nhưng thiếu vững chắc. Năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa còn cao. Đấy là yếu tố cốt lõi cực kỳ quan trọng làm cho lạm phát có khả năng tăng nhanh.

  Cách điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo “độ trễ” lạm phát trong những năm sau.

Bởi xu hướng tăng giá đồng USD sẽ gây tác động đến tỷ giá trong nước. Với thị trường trong nước, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có khả tăng sẽ tăng trong thời gian tới vì giá điện; giá dịch vụ y tế có khả năng điều chỉnh cơ cấu tiền lương và chi phí quản lý vào cơ cấu giá dịch vụ; giá thịt lợn cũng được dự báo có thể tăng mạnh trở lại sau dịch tả lợn châu Phi nếu người nuôi không tái đàn...

Thứ hai, yếu tố bên ngoài, tình hình thế giới luôn bất ổn, trong khi độ mở nền kinh tế hiện đang ở mức 230%. Với độ mở cao như vậy, nếu có những biến động bên ngoài mà nội tại nền kinh tế chưa có sự phát triển ổn định thì chắc chắn tác động là rất lớn.

Trên thực tế, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô có 3 trụ cột chính, bao gồm kiểm soát lạm phát; chính sách tỷ giá và giải quyết công ăn việc làm. Điều hành để kiềm chế lạm phát không chỉ nhìn vào một số mặt hàng, mà cần có cái nhìn cách tổng thể, trong đó chính sách tiền tệ và tài chính là mấu chốt quan trọng nhất.

Để giữ mức CPI bình quân năm 2019 dưới 4%, ông Long cho rằng, cách điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo “độ trễ” lạm phát trong những năm sau. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính, cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2019 Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tuy nhiên, để giữ được tốc độ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát ở mức tốt và dưới mục tiêu 4% cũng sẽ không đơn giản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khó khăn kiểm soát lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO