Chưa năm nào sách giáo khoa (SGK) khó mua như năm nay khi thời điểm năm học mới đã gần kề. Nhiều đầu sách vẫn thiếu, chưa hẹn ngày về.
Ảnh minh họa.
Hiện tượng “hiếm gặp” tại Hà Nội, TP HCM trong nhiều năm trở lại đây khiến không ít phụ huynh cảm thấy bất ngờ, hoang mang. Thậm chí đã xuất hiện “cò sách” khiến cho giá sách ngoài “chợ nổi” đắt hơn khoảng 2 lần so với giá sách gốc. Trước những phản ánh về tình trạng thiếu SGK ở một số đầu sách và lớp đầu cấp mấy ngày vừa qua, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ đã chỉ đạo Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam rà soát, nắm bắt ngay tình hình, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời.
Thế nhưng, dư luận thấy khúc mắc ở chỗ, đích thân ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam từng cho biết: “Tính đến ngày 15/8/2018, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hành 102 triệu bản SGK, khi nhận được phản ánh, đến ngày 20/8, đơn vị đã cung ứng, phát hành thêm 6,8 triệu bản, nâng tổng lượng phát hành lên 108,8 triệu bản, đạt 105% kế hoạch. Cùng với đó, NXB thành lập các đoàn giám sát việc phát hành sách giáo dục tại các địa phương trong cả nước, đảm bảo không để xảy ra thiếu sách, sốt sách, đảm bảo không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu SGK”.
Có thể bạn quan tâm
06:01, 17/08/2018
22:14, 18/06/2018
10:33, 06/06/2018
17:15, 21/11/2017
10:40, 12/06/2017
00:00, 17/05/2014
Điều này cũng có nghĩa, nếu đã phát hành vượt định mức hơn năm 2017 vậy vì sao đầu năm học mới lại xảy ra tình trạng khan hiếm SGK? Nguyên nhân đã được nhiều chuyên gia chỉ rõ đó là học sinh tăng đột biến; Nguyên nhân nữa là năm nay ở nhiều nơi trên cả nước, tình hình thiên tai diễn biến cực đoan gây lũ, lụt, nhiều trường học bị ngập sâu trong nước, làm hỏng, hoặc lũ cuốn trôi SGK. Con số cụ thể khó có thể ước tính được nhưng đối với những nơi đó, luôn phải cần một lượng SGK dự trữ tương đối để phục vụ kịp thời cho nhu cầu học tập của học sinh.
Tiếp theo, trước thông tin sắp thay SGK mới, một vài công ty sách - thiết bị trường học địa phương năm nay đã đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành của NXB...
Dĩ nhiên, dưới góc nhìn từ các chuyên gia cũng như những người tâm huyết với ngành giáo dục thì những nguyên nhân đó mới đúng thôi, chứ chưa đủ. Nói vậy bởi, nguyên nhân sâu xa của vấn đề chính là đang có một sự độc quyền trong công tác xuất bản, phát hành SGK. Tức là, SGK hiện nay vẫn thuộc độc quyền xuất bản của NXB Giáo dục, hệ thống phát hành SGK thuộc chức năng của các công ty sách - thiết bị trường học ở các tỉnh/thành trên cả nước..
Rõ ràng, việc xuất bản không theo nhu cầu thực tiễn của xã hội, thay vào đó phụ thuộc vào chỉ tiêu đăng ký phát hành từ các công ty sách – thiết bị trường học đã phần nào thể hiện việc toan tính thiệt hơn của NXB Giáo dục Việt Nam, trong khi nhiệm vụ chính cần coi trọng là đảm bảo đủ sách cho mọi đối tượng có nhu cầu học tập.
Theo đó, “SGK là mặt hàng đặc biệt, việc in và phát hành sách không phải là bài toán kinh doanh thông thường mà trước hết là bài toán xã hội. SGK lẽ ra phải làm cách nào đó phục vụ tới tận tay học sinh. Ở góc độ đó, có thể coi SGK là nhu cầu thiết yếu của xã hội như: điện, nước... vì giáo dục không thể thiếu SGK” - một chuyên gia giáo dục chia sẻ.
Cần nói thêm là rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Pháp… không có mô hình một NXB in SGK cho cả nước. Thay vào đó có rất nhiều NXB tư nhân in sách, gửi cho các sở giáo dục và các sở sẽ quyết định cuốn sách nào phù hợp với học sinh của họ.
Nói ra để chúng ta thấy, in ấn, phát hành SGK thì dù độc quyền hay cạnh tranh, mục đích kinh doanh, vụ lợi không được đặt lên hàng đầu. Nếu không thì việc lựa chọn, sử dụng SGK sẽ không lành mạnh, thậm chí sẽ xảy ra độc quyền sử dụng và nảy sinh nhiều tiêu cực. Hậu quả là sách hay, sách tốt có khi không được chọn. Nếu vậy, mục tiêu nâng cao chất lượng sẽ thất bại?
Sách là nền tảng của ngành giáo dục, nên đã đến lúc cần phá độc quyền trong xuất bản và nó là cả một câu chuyện dài. Dẫu vậy, để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu SGK, phải chờ dư luận, báo chí phản ánh thì NXB Giáo dục và Bộ chủ quản mới biết đường vào cuộc là điều khó chấp nhận.