Người khởi nghiệp nhiều mà thành công thì ít, trái với thế hệ ba tôi, bởi thiếu chính kiến, thiếu quyết tâm, đánh giá không đúng rủi ro; nhiều người vẽ dự án ra giấy rồi thuê người khác làm.
Xuất phát khởi nghiệp của mỗi người có khác nhau nhưng họ có một điểm chung là kế nghiệp ngành nghề của cha mẹ, tiếp tục phát huy truyền thống kinh doanh của gia đình để đưa sản nghiệp của gia đình nâng lên tầm cao mới.
Quen biết Tám Vui từ khi còn đẩy xe ba gác bán chậu kiểng bằng bê tông tự đúc cách nay gần 40 năm cho đến khi ông là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Cửu - một doanh nghiệp ngành vật liệu trang trí mà thương hiệu đã vươn ra nhiều quốc gia, tôi không ngạc nhiên khi con trai Nguyễn Sử đã thay cha làm tổng giám đốc.
"Ba tôi thành lập Cơ sở Điêu khắc - Trang trí Vĩnh Cửu năm 1986. Ba tôi kể, thời đó công an, du kích xã Gia Kiệm (tỉnh Đồng Nai) có thể phạt cơ sở bất cứ lúc nào vì không có giấy phép kinh doanh. Không phải ba tôi không xin giấy phép kinh doanh mà vì xin mấy năm không được nên 'làm lậu'. Thời đó, ba tôi mới ngoài 20 tuổi mà gầy dựng được một cơ sở tạc tượng, làm bàn ghế bằng đá mài, đúc chậu cảnh, cống tròn... nếu không có gan thì không làm được", Nguyễn Sử cho hay.
Theo Sử: "Thời ba Vui lập nghiệp, kinh doanh vừa khó, vừa dễ. Khó là về mặt pháp lý, chưa có bộ luật nào liên quan đến kinh doanh được ban hành, nên mấy ông chính quyền địa phương muốn hạch sách doanh nghiệp thế nào cũng được. Khó nữa là phải mò mẫm nhu cầu thị trường, xu hướng người tiêu dùng, tất cả là thủ công".
Nhưng thuận lợi cũng không ít vì không có nhiều mặt hàng, mỗi mặt hàng cũng không nhiều sản phẩm, tức chưa có cạnh tranh nên hầu như không tồn kho.
Nhưng trong sự thuận lợi ấy, có thể làm người ta lười suy nghĩ, không dễ nảy sinh tư duy mới để có sản phẩm hay cách kinh doanh khác biệt. Kinh tế thị trường dần dần hình thành, ba tôi tìm ra phân khúc thị trường rất tiềm năng và tập trung vào sản xuất, đó là vật liệu giả đá trang trí khách sạn, biệt thự, nhà phố, sân vườn, công viên".
Tôi biết cha của Sử thành công từ phân khúc hàng hóa ít người làm ấy, từ đó mở rộng cơ sở nhưng sức đến đâu làm đến đó, chứ không kinh doanh dàn trải. Trước những năm 2007-2008, thị trường bất động sản tăng giá từng ngày, cha của anh cũng chỉ tập trung kinh doanh ngành cốt lõi. Sử khẳng định đó là bài học đầu tiên mà anh học được từ cha.
Sử chia sẻ: "Từ khi còn học phổ thông, ba đã hướng anh em tôi kiến thức quản trị kinh doanh nên chúng tôi đều tốt nghiệp đại học bằng ngành ấy. Nhờ thế mà bây giờ, mỗi đứa mỗi việc, chúng tôi cùng ba mẹ và cổ đông lo cho Công ty CP Vĩnh Cửu mà sản phẩm nào cũng phải lưu dấu với thời gian".
Ngoài nhà máy chính tại Cụm Công nghiệp Tam Phước, Long Thành, Đồng Nai, diện tích 25.000m2, hằng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 800 container sản phẩm trang trí nội ngoại thất đủ chủng loại, Vĩnh Cửu còn có một chi nhánh ở Hà Nội, một chi nhánh ở Đà Nẵng, vừa sản xuất vừa kinh doanh.
Điều hành một cơ ngơi lớn như vậy, quả không dễ, nhưng Sử rất tự tin khi anh bộc bạch: "Học đại học, thi hành nghĩa vụ quân sự xong, tôi trở thành nhân viên của Vĩnh Cửu với nhiệm vụ bán hàng. Vĩnh Cửu mươi năm trước có đến 60 đại lý mà thời đó chưa có phần mềm quản trị như sau này, tôi phải đến tận nơi kiểm tra, đặc biệt là sắp xếp, bài trí sản phẩm sao cho bắt mắt nhất để thu hút khách hàng".
"Tôi luôn phân biệt bán hàng và chăm sóc khách hàng là hai lĩnh vực khác nhau. Sau hai năm làm sale, có lẽ ba muốn thử thách tôi ở lĩnh vực khác nên điều về nhà máy, lo vật tư, kế hoạch sản xuất. Sau đó, tôi được ra Đà Nẵng, năm 2014 mới chính thức phụ trách chi nhánh này. Những kiến thức thực tế trong các công việc ấy giúp tôi rất nhiều khi điều hành Vĩnh Cửu".
"Thời còn là nhân viên, những nhân viên khác trong công ty có phân biệt đối xử với Sử?", tôi thăm dò. Sử vui vẻ chia sẻ: "Trong công việc, tôi không bao giờ xem mình là con ông chủ. Ai cũng ý thức làm tốt thì có thu nhập cao hơn người làm dở". "Thế còn bây giờ với cương vị tổng giám đốc?", tôi lại hỏi. "Gần gũi anh chị em một trăm phần trăm thì không có thời gian nhưng luôn hòa đồng".
Biết là không nên nhưng tôi vẫn hỏi Sử có thật tự tin khi điều hành mấy trăm con người sản xuất cả nghìn loại sản phẩm và tổ chức thi công một lúc nhiều công trình, Sử nói nếu không tự tin thì đã không nhận công việc từ hội đồng quản trị. Từ công ty gia đình, Vĩnh Cửu trở thành công ty đại chúng, nếu không hoàn thành công việc thì phải chấp nhận mất chức.
Theo Sử, doanh nhân trẻ bây giờ có thế mạnh hơn thế hệ doanh nhân trước đây bởi được học hành bài bản, đặc biệt là hiểu biết sâu về kinh tế số. Nhưng tính quyết đoán, vượt khó, nắm bắt cơ hội kinh doanh thì chưa bằng thế hệ đi trước. Muốn thành công trong nền kinh tế thị trường, luôn đòi hỏi tư duy đột phá.
Sử lấy ví dụ, Vĩnh Cửu đã nghiên cứu cho ra đời loại bê tông gia cường sợi thủy tinh thô trộn với hỗn hợp cốt liệu mịn, phun theo khuôn tạo hình, có ưu điểm vượt trội bởi trọng lượng chỉ bằng 20% trọng lượng bê tông thông thường, cường độ chịu kéo, chịu uốn rất tốt, có thể tạo hình và màu sắc cho bất cứ sản phẩm nào theo thiết kế, lại dễ dàng lắp dựng, có khả năng chống cháy, cách âm, không thấm nước và thân thiện với môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn xanh cho công trình, lần đầu tiên có ở Việt Nam.
Sử còn cho biết, chỉ những việc thật quan trọng anh mới hỏi ý kiến cha, như điều động, bố trí nhân sự cấp trung hoặc có cần vay tiền ngân hàng không, còn việc kinh doanh theo kế hoạch của hội đồng quản trị, anh tự quyết. "Ba luôn muốn tôi giỏi hơn ba...", Sử bỏ lửng câu nói ấy nhưng tôi biết anh không phụ lòng tin của người sáng lập và điều hành Vĩnh Cửu gần như trọn một đời doanh nhân.
Nghe phong thanh Công ty TNHH Gifts Việt Nam một thời gian khá dài "gặp khó", nên khi gặp Nguyễn Minh Quân, tôi liền hỏi:
- Nghe nói anh lại khởi nghiệp lần nữa?
Khởi nghiệp lần đầu mà anh!
- Thì ra tôi "vào đề" chưa đúng lúc.
Gifts Việt Nam do cha của Quân gầy dựng năm 1997. Hơn 20 năm trước, nước ta hầu như chưa có công ty chuyên sản xuất và kinh doanh về quà khuyến mãi, quà tặng đối tác, khách hàng của doanh nghiệp và quà lưu niệm của cơ quan, đơn vị, kể cả cup và kỷ niệm chương.
Khi Gifts Việt Nam đã phát triển ổn định, năm 2008, cha của Quân giao công ty cho con trai điều hành. Trước khi làm Giám đốc Gifts, Quân đã trải qua nhiều công việc ở công ty, như thiết kế mẫu mã hàng lưu niệm, thu mua nguyên vật liệu, bán hàng rồi làm phó cho cha.
Những ông bà chủ doanh nghiệp có ý định chuyển giao công ty cho con, thường đưa quý tử hay tiểu thư đi học về kinh tế tại các trường đại học uy tín ở các nước phát triển, khi con có bằng cử nhân quản trị kinh doanh (BBA) hoặc thạc sĩ kinh tế (MBA) thì bố trí làm cấp phó ngay.
Tất nhiên, có người trở thành giám đốc, nhưng cũng có không ít người không thích ứng với "công việc nhà" nên chuyển nghề hoặc lại ra nước ngoài. Cũng có doanh nhân cho con xuất ngoại, học về được bố trí làm nhân viên rồi dần dần lên cấp quản lý. Thường thì số này thành công khi tiếp quản công ty của cha mẹ.
Nguyễn Minh Quân không học đại học ở nước ngoài nhưng có kỹ năng về kỹ thuật, mỹ thuật hàng lưu niệm, có kinh nghiệm kinh doanh trong thị trường đặc thù là quà tặng. Khi được cha giao điều hành công ty, giao hẳn chứ không như nhiều doanh nhân khác là giao thì cứ giao nhưng vẫn can thiệp vào công việc của con, Quân buộc phải "biết cách ra riêng" sao cho cha mẹ yên lòng.
Quân kể: "Thị trường quà tặng dù rất rộng nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhất là cạnh tranh về giá, dẫn đến tình trạng kéo giá sàn để giật khách. Thấy không đủ sức làm cả hai mảng, tôi dẹp xưởng sản xuất để chuyên thương mại, cũng chỉ thương mại lĩnh vực cốt lõi mà ba mẹ đã làm. Nếu khách hàng yêu cầu mẫu mã thì Gifts tư vấn hay trực tiếp thiết kế rồi đặt làm".
Có lẽ biết tôi vẫn sốt ruột muốn biết vì sao anh lại "khởi nghiệp", nên Quân "vào đề": "Tôi có một sai lầm nghiêm trọng mà nếu nghe lời khuyên của ba thì không xảy ra".
Cách vào chuyện của Quân làm tôi phải chờ đợi, kiểu như người kể chuyện có duyên, biết "nhấn nhá" những đoạn có kịch tính: "Gifts đang kinh doanh bình thường thì có bạn rủ hùn hạp làm ăn ở một lĩnh vực mà tôi là "ngoại đạo". Hỏi ý kiến ba, ba tôi khuyên không nên và phân tích vì sao không nên. Nhưng nghĩ rằng kinh doanh thì ngành nào cũng... kinh doanh, bạn lại nói về mức lãi với đề án "tiền tươi, thóc thật" nghe ngon quá, thế là tôi dốc hết vốn liếng vào đó, chẳng mấy chốc trắng tay".
"Trong tình cảnh ấy, điềm tĩnh như ba tôi chắc cũng stress dài dài. Nhưng tôi không buông xuôi, nghĩ cách 'khởi nghiệp'. Một hôm, tôi chợt thấy huy hiệu cài áo là vật phẩm mà nhiều người dùng trong những dịp long trọng. Tôi gọi điện cho những bạn thân, nhờ mỗi người mua giùm 100 cái".
"Có được nhiều 'hợp đồng miệng' từ bạn bè, tôi đặt làm huy hiệu với mẫu 'không đụng hàng', nên trước mắt đủ tiền cho công ty hoạt động. "Khởi nghiệp" là nói cho vui chứ đó chỉ là cách 'chữa cháy'. Rồi ba mẹ tôi giúp đỡ bằng cách cho mượn một số tiền, mượn chứ không vay.
- Rồi Gifts lại phát triển?
Gifts vẫn là một doanh nghiệp nhỏ, vừa sức với tôi. Thất bại vì kinh doanh ngoài ngành đã cho tôi bài học, không bao giờ được quên mới có thể đứng vững trên thương trường.
Gặp Quân, tôi muốn hỏi về cách quản trị doanh nghiệp của thế hệ doanh nhân trẻ, rất mừng là khi nêu vấn đề này, anh có vẻ hứng thú:
- Ngày trước, doanh nhân thế hệ ba tôi không có điều kiện ra nước ngoài học làm giám đốc, trong nước thì chưa có loại trường này, họ chỉ học qua thực tế điều hành công ty. Nhiều người nói "các cụ" mò mẫm để thành công. Tôi không nghĩ thế. Họ là những người biết chớp cơ hội, lập công ty là lăn xả vào làm việc, kể cả việc chân tay.
Thời ba tôi, quản trị doanh nghiệp khó nhất là quản trị con người, đặc biệt là nhân sự tiếp thị; bán hàng và mua bán qua quan hệ, thậm chí là mua bán qua quan hệ được xem rất quan trọng. Bây giờ, nếu không có điều kiện du học thì học trong nước, ngắn ngày hay dài ngày tùy nhu cầu, đủ loại trường lớp dạy về kinh doanh. Lại có nhiều hội đoàn chính thống, không chính thống mà hội viên có thể hỗ trợ nhau tiếp thị, bán hàng. Môi trường kinh doanh mở ấy rất thuận lợi cho doanh nghiệp.
- Có phải vì thế mà dù kinh doanh cả nghìn mặt hàng, Gifts chỉ có mươi người? - Tôi ngắt lời Quân.
- Công ty chuyên kinh doanh ngày nay không cần nhiều nhân sự. Trước đây, phải có phòng tiếp thị, phòng bán hàng chẳng hạn, nay doanh nghiệp mua phần mềm quản trị để thay thế. Qua smartphone, chủ doanh nghiệp biết hàng hóa bán tới đâu, biết khách hàng đang cần gì.
Giao hàng cũng không cần nhân viên mà đã có những doanh nghiệp vận chuyển chuyên nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ. Khách hàng ngày càng thông minh và lại có phương tiện nên dễ dàng so sánh chất lượng, giá cả hàng hóa qua mạng và như vậy buôn bán không cần dựa dẫm vào quan hệ.
- Như vậy, khởi nghiệp bây giờ là quá thuận lợi?
Theo tôi thì không hẳn. Người khởi nghiệp nhiều mà thành công thì ít, trái với thế hệ ba tôi, bởi thiếu chính kiến, thiếu quyết tâm, đánh giá không đúng rủi ro; nhiều người vẽ dự án ra giấy rồi thuê người khác làm. Một cái khó nữa, muốn khởi nghiệp thành công phải tìm được thị trường ngách hay sản xuất những sản phẩm thị trường chưa có hay có ít.