Bạn là người của những đam mê và hoài bão lớn lao, nhưng bạn lại bị bó buộc trong một công việc nhàm chán và tẻ nhạt? Bạn thất vọng về bản thân mình và đang loay hoay tìm một hướng đi khác?
Người giàu và nổi tiếng đã khởi nghiệp như thế nào?
Bạn là người của những đam mê và hoài bão lớn lao, nhưng bạn lại bị bó buộc trong một công việc nhàm chán và tẻ nhạt? Bạn thất vọng về bản thân mình và đang loay hoay tìm một hướng đi khác?
Hãy bình tĩnh nào, “vạn sự khởi đầu nan” mà. Bạn có biết rằng cả những người rất giàu có lẫn nổi tiếng đã từng khởi nghiệp từ những công việc bình thường nhất?
Chẳng hạn như Michael Dell, sáng lập viên kiêm chủ tịch tập đoàn sản xuất máy tính Dell đã từng cặm cụi rửa chén bát trong một nhà hàng Trung Hoa với mức lương chỉ 2,3 đôla một giờ. Bill Gates, người giàu có nhất thế giới hiện nay, đã từng chạy ngược chạy xuôi để lo những việc vặt trong trụ sở quốc hội Hoa Kỳ. Hay như William Watkins, giám đốc điều hành của Seagate Technology, đã phải miệt mài trực ca đêm tại một bệnh viện thần kinh trong những ngày đầu gian khó ấy. Và Sidney Kimmel, giám đốc điều hành của Jones New York, chỉ là một nhân viên giao nhận hàng của hãng Morton Manufacturing.
“Công việc cực kinh khủng, nhưng tôi lại thấy mình có cơ hội phát triển ở đó.” - Kimmel nhớ lại “thuở hàn vi” của mình.
Dell cũng thầm cảm ơn những kinh nghiệm từ những ngày “chân ướt chân ráo” làm việc ở nhà hàng Trung Hoa:“Ông chủ nhà hàng là một người rất khôn khéo. Hôm nào tôi đi làm sớm một chút là ông nhận ra ngay, và thể hiện sự quan tâm rất đúng mực. Ông luôn niềm nở và phục vụ tận tình những thực khách của mình.”
Michael Drasny, chủ tịch danh dự kiêm sáng lập viên của tập đoàn máy tính CDW, nói về bài học kinh nghiệm bổ ích ngay từ “thuở lên 10”: “Tôi được hàng xóm thuê để dọn dẹp mớ gỗ vụn sau khi xây nhà. Tôi nhờ thêm mấy “chiến hữu” gần nhà để phụ giúp. Xong việc, tôi mời cả nhóm đi ăn kem 31 mùi. Từ đó, tôi học được một điều là mình không thể làm gì hiệu quả nếu không có sự trợ giúp của đồng đội.”
Những người nổi tiếng đã thể hiện tư chất thiên phú của họ ngay từ những công việc bình thường đó. Bill Murray ra hẳn ngoài cửa hàng để chào mời khách mua hạt dẻ, Rush Limbaugh liên tục đánh bóng những đôi giầy trong cửa tiệm, Robin Williams đã sáng tạo bằng cách biểu diễn kịch câm ngay trên vỉa hè, hay nhà tạo mẫu lừng danh Tommy Hilfiger đã rong ruổi trên chiếc xe tải để chào bán từng sản phẩm của mình.
Những nhân vật thành công vượt bậc mà chúng ta hâm mộ ngày nay đã không nề hà làm bất cứ việc gì để kiếm kế sinh nhai và theo đuổi ước mơ của họ. Jerry Seinfeld từng bán bóng đèn tròn qua điện thoại; Demi Moore làm việc trong một công ty thu nợ; David Lee Roth của ban nhạc Van Halen phải dọn dẹp giường và làm vệ sinh cho bệnh nhân trong một bệnh viện địa phương; Madonna làm thu ngân tại cửa hiệu Dunkin’ Donuts; Jennifer Aniston làm nữ bồi bàn, Brad Pitt thì chuyên giao tủ lạnh tại nhà cho khách hàng; và vài tháng trước khi thu đĩa nhạc đồng quê đầu tiên, Garth Brooks vẫn còn phải bán hàng trong một cửa hiệu giày ống.
Công việc của họ đôi khi cũng không được suôn sẻ cho lắm: vì thái độ phục vụ không tốt, Mariah Carey từng bị sa thải nhiều lần khi làm người giữ áo khoác và phục vụ trong các nhà hàng.
Và từ những công việc bình thường như thế, nhiều nhân vật đã vươn tới đỉnh cao sự nghiệp : nam tài tử Jack Nicholson được “phát hiện” trong khi làm việc tại phòng giao nhận thư của MGM, hay tác gia Stephen King đã lấy cảm hứng trong khi lau dọn phòng thay đồ để viết tiểu thuyết Carrie.
Chúng ta, những người đang “chập chững” xây dựng sự nghiệp cho riêng mình, có thể học tập gì từ những nhân vật nổi tiếng này?
“Hãy luôn làm việc hết sức của bạn và sẵn sàng phát triển hướng đi cho riêng mình.” Đó là lời khuyên của Carly Fiorina, cựu giám đốc điều hành của hãng Hewlett-Packard. Ông từng làm thư ký cho một công ty cho thuê tài chính sau khi tốt nghiệp trường đại học Stanford, chuyên ngành nghiên cứu lịch sử và triết học trung cổ.
“Bạn phải hy sinh lợi ích trước mắt để đầu tư cho những mục tiêu dài hạn của mình. Những người thành công vượt bậc đã chấp nhận làm những công việc bình thường nhất. Họ nỗ lực hết sức để có thành tích tốt nhất, và từ đó đã gặt hái được nhiều cơ hội phát triển.” - B. Grant Yarber, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của ngân hàng Capital, bổ sung.
Bill Johnson, chủ tịch kiêm giám đốc hành chánh của Progress Energy khuyên nhủ các cô con gái của mình: “Các con hãy theo đuổi những đam mê, mơ ước thật sự của mình. Lúc nào các con cũng phải làm việc hết khả năng của mình, vậy thì tại sao các con không đầu tư thời gian đó để làm những việc mà mình yêu thích?”
Khi còn phục vụ ở một nhà hàng Trung Hoa, Michael Dell đã học được một câu ngạn ngữ mà ông vô cùng tâm đắc: “Hãy làm những việc mà bạn thực sự yêu thích, và bạn sẽ không phải làm việc vất vả một ngày nào trong cuộc đời mình”
Bạn có thể đọc 3 câu chuyện khởi nghiệp được sưu tầm trên internet dưới đây:
Tôi sống và lớn lên trong một gia đình căn bản. Bố mẹ đều là công nhân viên chức nhà nước. Gia đình tôi không giàu nhưng cũng thuộc hàng đủ ăn đủ mặc và tôi được sống trong một môi trường giáo dục tốt cũng như tình thương vô bờ bến của cha mẹ. Gia đình tôi không có truyền thống kinh doanh và không có ai làm kinh doanh nhưng tôi đã có ước mơ được làm giám đốc từ khi còn rất nhỏ.
Bước chân vào giảng đường đại học với bao hoài bão, tôi quyết tâm xây dựng những kế hoạch để sau này ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc kinh doanh. Ý tưởng đầu tiên của tôi là kinh doanh nhà hàng. Bao ngày đêm trăn trở tìm hiểu và lập kế hoạch nhưng cuối cùng kế hoạch thất bại từ trong trứng nước. Ngay sau đó tôi nảy sinh ra ý tưởng kinh doanh điện thoại động tầm cỡ như một siêu thị di động với các dịch vụ hoàn hảo tại địa phương tôi sinh sống. Vậy là tôi bắt tay vào tìm kiếm thông tin, phân tích thị trường, nghĩ ra các dịch vụ độc đáo để thu hút khách hàng, gặp gỡ với những người bạn đã từng mở các hiệu sửa chữa và kinh danh điện thoại di động nhỏ để tìm hiểu thêm.
Tôi ấp ủ ý tưởng này cho đến khi ra trường. Nhưng khi tôi ra trường thì ngành kinh doanh điện thoại di động đã bão hòa và hệ quả là một chuỗi các siêu thị di động lớn sụp đổ. Vậy là ý tưởng của tôi lại thất bại. Tôi chợt ngẫm thấy một câu nói “Thời thế tạo anh hùng” mà thấy rất đúng. Và từ đó tôi rút ra một kinh nghiệm xương máu đó là “Kinh doanh bất kỳ mặt hàng nào hoặc dịch vụ nào thì phải theo nhu cầu của thị trường chứ không thể đi ngược với nhu cầu của thị trường được”. Vậy là tôi lại bắt đầu hành trình đi tìm ý tưởng mới thuận theo xu thế vận động của thị trường hơn.
Sau khi ra trường, tôi đã trải quan rất nhiều công việc, nhiều công ty với nhiều vị trí khác nhau. Một mặt để kiếm tiền nuôi sống bản thân để không phải hàng tháng ngửa tay xin tiền bố mẹ nữa và mặt khác là tiếp cận và tìm hiểu cách thức hoạt động của các công ty cũng như xem cách các công ty đó kiếm tiền ra sao.
Dần dần tôi cũng hiểu được cách điều hành, hoạt động của một công ty cũng như sự vận động của đồng tiền trong kinh doanh. Tôi nhận thấy rằng không một công ty nào lưu trữ tiền mặt. Họ luôn tái đầu tư số tiền thu về. Tôi nhận thấy rằng điều quan trọng trong kinh doanh là “không để đồng tiền nhàn rỗi”.
Thời gian đi làm thuê này, ngoài việc hoàn thành tốt các công việc của công ty, tôi vẫn đi tìm cho tôi một ý tưởng kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tình cờ tôi thấy một đồng nghiệp làm cùng công ty và đang chơi chứng khoán. Tôi tò mò tìm hiểu và thấy hay hay. Tôi thấy chơi chứng khoán kiếm tiền thật dễ. Chỉ cần ngồi đó, trading qua mạng, sau 4 ngày là có tiền. Vậy là tôi mò mẫm lên mạng, vào các diễn đàn chứng khoán, mua sách, tìm tài liệu và bắt đầu chơi.
Đúng là cờ bạc chiều tay mới. Tôi tham gia vào thị trường chứng khoán khi thị trường đang trong giai đoạn tăng mạnh. Với số vốn ít ỏi 30 triệu, chỉ sau 1 tháng tôi đã kiếm được thêm 15 triệu và tổng cộng tôi có 45 triệu. Lúc đó đối với tôi cuộc sống thật là tươi đẹp. Thật không uổng công tôi đầu tư nghiên cứu. Trên đà chiến thắng đó tôi dành toàn bộ thời gian vào nghiền ngẫm các bản tin tài chính, tham gia tích cực vào các diễn đàn để thảo luận.
Tuy nhiên cuộc chơi ngắn chẳng tày gang, khi thị trường vượt mốc 500 điểm cũng là lúc thị trường bắt đầu thoái trào. 45 triệu của tôi đã mua hết cổ phiếu đúng vào lúc các cổ phiếu đó đạt trần. Thị trường xuống dốc không phanh, tôi quyết định cắt lỗ bán tất cả cổ phiếu mình có. Kết quả cuối cùng thị trường rớt thê thảm còn tôi thì hòa vốn. Nếu như tôi ko dám chấp nhận cắt lỗ thời điểm đó thì có lẽ số vốn của tôi = 0. Qua việc đầu tư chứng khoán tôi rút ra được một kinh nghiệm “trong kinh doanh phải biết đưa ra quyết định kịp thời, chính xác và dám chấp nhận thua lỗ”.
Vậy là tôi bỏ hẳn việc đầu tư chứng khoán và lại bắt đầu đi tìm một ý tưởng mới. Trong một chuyến đi công tác, tôi tình cờ được bố trí cùng phòng với một anh đồng nghiệp trong công ty. Anh này giỏi về công nghệ thông tin còn tôi có chuyên môn về ngoại ngữ. Sau một vài cuộc trò truyện, tôi và anh cảm thấy có nhiều điểm tương đồng trong kế hoạch kinh doanh và chúng tôi quyết định sẽ hợp tác thành lập công ty và cùng nhau phát triển 2 mảng công nghệ thông tin và dịch thuật.
Tôi có 1 căn hộ ngay mặt phố nên chúng tôi quyết định thành lập công ty và tôi đứng ra làm giám đốc. Ban đầu chúng tôi thỏa thuận góp vốn 50/50 nhưng vì anh bạn tôi chưa vay được vốn nên tôi ứng vốn ra để đưa công ty đi vào hoạt động. Đây chính là quyết định sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi khi ứng trước tiền cho anh bạn. Sau 6 tháng hoạt động, doanh thu của công ty luôn là con số âm vì chúng tôi chưa có khách hàng cũng như không có kế hoạch tiếp thị và kế hoạch phát triển.
Mô hình công ty lúc đó như là một cửa hàng tạp hóa. Làm bất cứ công việc gì để kiếm tiền. Xét thấy việc kinh doanh không có hiệu quả anh bạn tôi không chịu góp số vốn đã thỏa thuận ban đầu là 50/50 mà cố tìm mọi cách trì hoãn việc góp vốn. Mọi hoạt động của công ty đều do một tay tôi xử lý còn anh bạn thì hầu như không quan tâm. Của đau con xót, tiền tôi bỏ ra nên tôi phải tự tôi vật lộn với công ty của tôi.
Sau một thời gian tiếp tục hoạt động không hiệu quả, hàng đêm tôi nằm và nghĩ lại quá trình hoạt động kinh doanh của tôi thấy nhiều chỗ thật sự không ổn. Thứ nhất là không có kế hoạch và chiến lược rõ ràng. Chính vì việc không lập kế hoạch này mà tôi vô hình dung đã lập kế hoạch cho thất bại cho tôi. Thứ hai là lại một lần nữa tôi chọn ngành nghề kinh doanh không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hai ngành mà tôi chọn khá mới mẻ so với một thị trường tỉnh lẻ và hiển nhiên việc thất bại là điều sớm muộn sẽ xảy ra.
Sau một thời gian nữa thì công ty gần như không còn hoạt động gì và đóng cửa. Anh bạn tôi cũng bặt vô âm tín không nhắc gì đến chuyện góp vốn và đương nhiên một mình tôi chịu lỗ. Tôi thật sự cảm thấy day dứt và xấu hổ với bạn bè và gia đình vì lúc mới mở công ty tôi huênh hoang lắm và chắc chắn tôi sẽ thành công. Tôi cảm thấy bế tắc và chán nản…
Tuy nhiên sự thất bại này mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm và kiến thức thú vị và thật sự bổ ích. Bài học nào cũng có cái giá của nó. Bài học thất bại của tôi đó là: không nên vội vã thực hiện ý tưởng kinh doanh khi chưa có kế hoạch và chiến lược. Không nên làm ăn chung. Tốt nhất là tôi nên tự kinh doanh hoặc nếu có làm chung thì phải chọn đối tác thật kỹ càng.
Sau thất bại tôi lại tiếp tục quay về với công việc làm công ăn lương của mình và lại hành trình đi tìm một ý tưởng kinh doanh mới. Tôi đi tìm đọc những cuốn sách như “Dạy con làm giàu”, “Nguyên lý 80/20”, “Tôi tài giỏi bạn cũng thế”… Có thể nói đây là những cuốn sách giúp tôi giác ngộ ra rất nhiều điều mà trước đây tôi chưa từng biết. Tôi đã bắt đầu có những thay đổi tích cực trong cách suy nghĩ và tư duy. Tôi hiểu được khái niệm thế nào là tài sản thế nào là tiêu sản, tôi áp dụng nguyên lý 80/20 vào việc đi tìm ý tưởng kinh doanh mới.
Tôi hiểu rằng tôi nên tập trung vào khai thác những điểm mạnh của mình, vào những cái mình đã được đào tạo. Tôi thấy được rằng có 3 dịch vụ mà nhu cầu càng ngày càng tăng chứ không giảm đi đó là y tế, giáo dục và dịch vụ ăn uống. Với thế mạnh về ngoại ngữ (tiếng Anh), tôi quyết định tập trung vào dịch vụ giáo dục. Tôi bắt đầu đi tìm ý tưởng xoay quanh ngành giáo dục này. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ tôi đã có được một ý tưởng mới đó là kinh doanh dịch vụ đào tạo ngoại ngữ.
Đối tượng của tôi nhắm đến là các em thiếu nhi vì xét về mặt vĩ mô thì chính phủ vừa thông qua môt chính sách quan trọng đó là bắt buộc học tiếng Anh đối với học sinh từ lớp 3 còn xét về mặt khách quan thì nhu cầu học tiếng Anh là nhu cầu rất thiết thực. Tôi bắt đầu nghiên cứu thị trường nơi tôi sinh sống, nhu cầu học tập ngoại ngữ, hoạt động của các trung tâm anh ngữ khác… và tôi bắt đầu viết một bản kế hoạch thật chi tiết. Sau đó tôi quyết định mở một trung tâm Anh ngữ.
Thời gian đầu thành lập trung tâm biết bao nhiêu là việc. Ngoài việc tiếp thị quảng cáo tôi phải thuê nhân viên, giáo viên trong nước và nước ngoài. Tôi phải lên chương trình và kế hoạch học tập cho các lớp, các đối tượng khác nhau. Phải tính mức học phí sao cho có lãi và tôi phải kiêm luôn giảng dạy.
Lúc này đây công việc ngập đầu nhưng không sao giải quyết hết được. Tôi chỉ ước giá như một ngày kéo dài thêm vài tiếng nữa thì tốt biết mấy. Nhờ có sự lựa chọn đúng đắn mà hiện giờ công việc kinh doanh của tôi khá tốt. Hàng tháng doanh thu tăng dần, số nhân viên tôi phải tuyển dụng thêm cũng tăng và công ty dần khẳng định được thương hiệu và uy tín trên thị trường. Mục tiêu của tôi là hướng đến một dịch vụ đào tạo chất lượng cao và chuyên nghiệp.
Để tiếp tục phát triển công ty ngày càng vững mạnh hơn, tôi quyết định tham gia một vài khóa học cho CEO và thực sự các khóa học này này rất hiệu quả mang lại cho tôi nhiều kiến thức thực tế để điều hành doanh nghiệp.
Kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình khởi nghiệp:
- Lập kế hoạch chi tiết cho ý tưởng.
- Hãy làm theo nguyên tắc 80/20.
- Biết chọn đúng đối tác để hợp tác.
- Biết chấp nhận thất bại.
- Phải kiên trì bền chí. Không nản khi gặp khó khăn.
- Kinh doanh phải thuận theo nhu cầu của thị trường.
- Trau dồi kiến thức mỗi ngày.
- Hãy thực hiện ý tưởng với đam mê và nhiệt huyết.
Đó là hành trình của tôi trên con đường khởi nghiệp. Thất bại có, đắng cay khó, trả giá bằng tiền và nước mắt có nhưng thực sự được kinh doanh theo đam mê của mình quả thực rất tuyệt vời. Và khi bạn thành công thì bạn càng thấy tuyệt vời hơn nữa vì đó là công sức, tâm huyết và những cố gắng nỗ lực của bạn để gây dựng cơ nghiệp.
Hy vọng với những chia sẻ này phần nào giúp được các bạn định hướng cho ý tưởng kinh doanh của mình cũng như tránh được những thất bại và lường trước được khó khăn trên con đường khởi nghiệp của mình.