Khởi nghiệp và câu chuyện vượt rào cản: Hai bức tranh “sáng” - “tối”

Theo Baothanhhoa.vn 26/08/2020 11:48

Dấn thân, dám nghĩ, dám làm, tinh thần khởi nghiệp đã và đang lan tỏa, thôi thúc, thay đổi tư duy về con đường lập thân, lập nghiệp trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Tuy nhiên, từ khảo sát thực tiễn, có thể nhận thấy, bên cạnh số ít những doanh nghiệp lựa chọn định hướng tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì có rất nhiều mô hình, doanh nghiệp khởi nghiệp “chết yểu” sau một thời gian ngắn.

Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ công nghệ cao Rich Farrm (huyện Thọ Xuân) chuyển giao mô hình nhà kính cho khách hàng tại huyện Triệu Sơn. Ảnh: Minh Hằng

Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ công nghệ cao Rich Farrm (huyện Thọ Xuân) chuyển giao mô hình nhà kính cho khách hàng tại huyện Triệu Sơn. Ảnh: Minh Hằng

Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng mô hình, doanh nghiệp khởi nghiệp cao trong khu vực. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số tổ chức kinh tế, tỷ lệ khởi nghiệp thành công lần đầu ở Việt Nam khá thấp. Còn tại tỉnh Thanh Hóa, ước tính của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ có khoảng 30% mô hình khởi nghiệp trên địa bàn tồn tại. Trong đó, tỷ lệ khởi nghiệp được đánh giá là thành công chiếm một con số nhỏ hơn nhiều.

Cùng với chủ trương của Chính phủ về Năm Quốc gia khởi nghiệp 2016 và mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước, từ năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã bắt tay vào lộ trình xây dựng kế hoạch đạt 20.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. Kết quả đạt được khá viên mãn về mặt số lượng, khi mỗi năm, tỉnh ta thành lập mới được hơn 3.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp mới còn nhiều mặt hạn chế. Bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, thì không ít doanh nghiệp khởi nghiệp cũng “biến mất” sau một thời gian ngắn. Số liệu tính đến hết tháng 6-2020, toàn tỉnh có hơn 20.000 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ có 15.700 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, số doanh nghiệp phát sinh thuế chỉ chiếm con số khoảng 1/3 trên tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh.

Có ý tưởng, có nhiệt huyết, vậy người khởi nghiệp cần gì để thành công trên con đường đã chọn?

Khởi nghiệp từ năm 2015 và dấn thân vào ngành nghề “hóc búa” là sản xuất nước mắm truyền thống, Giám đốc điều hành Lê Anh đã đưa sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (huyện Hoằng Hóa) “chen chân” được vào chuỗi siêu thị lớn, như: Vinmart, Vinmart+, BigC, Aeon... và hàng chục hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong đó, một số dòng sản phẩm đặc trưng của công ty hướng tới phân khúc dành cho trẻ em hiện đang dẫn đầu thị phần trong ngành gia vị mẹ và bé. Cuối năm 2018, nước mắm Lê Gia bắt đầu “theo” những container xuất ngoại. Hiện nay, sản phẩm đã có mặt tại một số thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Nam Phi... Năm 2019, 3 dòng sản phẩm chủ đạo của thương hiệu nước mắm Lê Gia hiện đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019. Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, giám đốc điều hành Lê Anh, cho biết: “Lựa chọn và cạnh tranh với ngành nghề đã có nhiều “ông lớn” chiếm lĩnh thị trường thực sự là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Và tiên quyết nhất đối với một ngành hàng nhiều cạnh tranh là phải tìm hiểu kỹ về thị trường và khách hàng. Trong đó, thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. doanh nghiệp cần xác nhận rất rõ nhu cầu của thị trường, dung lượng của thị trường. Từ đó, phân tích khả năng đáp ứng nhu cầu mới, hoặc nhu cầu cũ nhưng cách tiếp cận mới dựa trên năng lực lõi là lợi thế của mình. Năng lực lõi sẽ quyết định khả năng sống và sống lâu của một dự án khởi nghiệp”.

Với chị Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Rich Farm (huyện Thọ Xuân), con đường khởi nghiệp suôn sẻ và vững chắc hơn lại dựa trên nền tảng sẵn có về lĩnh vực mà chị lựa chọn khởi nghiệp. Là kỹ sư nông nghiệp, chị Vân từng có kinh nghiệm 10 năm làm việc tại Tập đoàn Netafiml (Israel), phụ trách chuyển giao công nghệ thi công nhà kính, nhà lưới cho nhiều dự án theo công nghệ Netafiml trên toàn quốc. Từ kinh nghiệm tích lũy trong thời gian làm việc, nắm bắt, phân tích thị trường và sự sáng tạo của bản thân, chị đã nghiên cứu, “Việt hóa” phiên bản nhà kính công nghệ Netafiml với công năng tương đương nhưng chi phí giảm từ 40-50% so với phiên bản gốc. Năm 2017, chị Vân quyết định khởi nghiệp với ngành nghề chuyển giao công nghệ thiết kế, thi công nhà kính, nhà lưới và tư vấn nông học. Đến nay, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Rich Farm đã chuyển giao hàng chục mô hình nhà kính công nghệ Netafiml tại Thanh Hóa và các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Long... với doanh thu hàng năm hơn 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động. Ngoài chuyển giao công nghệ, thi công, cung ứng kỹ thuật cho đối tác, đơn vị cũng đầu tư, sản xuất các loại rau, củ, quả công nghệ cao trong 2 nhà kính quy mô 3.000m2 tại xã Nam Giang (Thọ Xuân) và xã Quang Lộc (Hậu Lộc) theo tiêu chuẩn VietGAP, cung ứng theo chuỗi. Chia sẻ quan điểm và từ kinh nghiệm thực tiễn khởi nghiệp của mình, chị Vân bộc bạch: “Với tôi, việc khởi nghiệp không còn là thử nghiệm, mà đó là hành trình biến những kiến thức học được trong quá trình làm việc vào thực tiễn. Do vậy, việc khởi nghiệp vừa là tâm huyết của bản thân, nhưng cũng có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, tạo nền tảng vững chắc cho lộ trình phát triển. Tôi nghĩ rằng, khởi nghiệp theo cách này sẽ hạn chế được rủi ro và phù hợp với thực tiễn”.

Làn sóng khởi nghiệp đang là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm “xương máu” của những người khởi nghiệp, có thể khẳng định rằng, để khởi nghiệp thành công, ngoài ý tưởng, người khởi nghiệp cần trang bị đủ đầy và không ngừng cập nhật kiến thức. Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa, nhận định: Cũng như xu hướng chung cả nước, tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh lan tỏa mạnh mẽ là dấu hiệu rất đáng phấn khởi về thay đổi tư duy của mỗi người, nhất là thanh niên trong hành trình lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, tăng tỷ lệ thành công, ngoài đam mê và khả năng tài chính phù hợp, người khởi nghiệp cần nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn lĩnh vực mà bản thân có sự am hiểu và thế mạnh. Bên cạnh đó, cần trang bị cho mình, cho doanh nghiệp của mình hành trang khởi nghiệp là những kỹ năng quản trị quan trọng. Đó là kiến thức nền tảng, hiểu biết về pháp lý, kỹ năng hoạch định chiến lược kinh doanh, kỹ năng quản trị tài chính, nguồn nhân lực... Đặc biệt, khởi nghiệp cần dựa trên ưu thế của bản thân, không nên mạo hiểm “chạy” theo xu hướng, trào lưu chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khởi nghiệp và câu chuyện vượt rào cản: Hai bức tranh “sáng” - “tối”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO