Khởi nghiệp và câu chuyện vượt rào cản: Thay đổi tư duy lập nghiệp

Theo Báo Thanh Hóa 25/08/2020 11:55

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc định hướng một ý tưởng khởi nghiệp tốt, sự hoàn thiện của hệ thống cơ chế, chính sách sẽ là động lực, nền tảng để khởi nghiệp vượt qua rào cản và bước tới thành công.

Những năm gần đây, “startup-khởi nghiệp” đã trở thành cụm từ quen thuộc. Đặc biệt, từ năm 2016 khi Chính phủ phát động năm quốc gia khởi nghiệp, làn sóng này đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa ra cả nước. Nhiều mô hình, nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đã thành công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh việc định hướng một ý tưởng khởi nghiệp tốt, sự hoàn thiện của hệ thống cơ chế, chính sách sẽ là động lực, nền tảng để doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua rào cản và bước tới thành công.

Mô hình phát triển khởi nghiệp của thanh niên xã Nga Thạch (Nga Sơn). Ảnh: Khánh Phương

Mô hình phát triển khởi nghiệp của thanh niên xã Nga Thạch (Nga Sơn). Ảnh: Khánh Phương

Tại Thanh Hóa, cùng với chủ trương xây dựng quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều chương trình, đề án, giải pháp đột phá để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, như: Đề án phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; các đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp... Bên cạnh đó, việc tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp được các cấp, các ngành chú trọng để khuyến khích phát triển đổi mới tư duy sáng tạo, ý tưởng kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ. Từ đó, nhiều mô hình, nhiều ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, giúp đa dạng con đường lập thân, lập nghiệp. Tư duy của cộng đồng, nhất là thanh niên đã có nhiều thay đổi, khi nhiều bạn trẻ dám dấn thân, đương đầu với thử thách để xây dựng sự nghiệp cho riêng mình.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành du lịch tại Singapore, chàng trai trẻ Lê Minh Cương, ở TP Thanh Hóa quyết định trở về quê hương để thực hiện ước mơ kinh doanh và chế biến nông sản sạch. Được gia đình ủng hộ, năm 2016, Cương khởi nghiệp bằng việc xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch mang thương hiệu HC Farm. Thực hiện đúng tiêu chí kinh doanh thực phẩm sạch từ tâm, HC Farm đã nhập về những đặc sản nông, lâm nghiệp ở khắp các vùng miền trong cả nước và đều có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, HC Farm đã có hơn 2.000 khách hàng truyền thống trong tỉnh và hơn 300 khách hàng tỉnh ngoài. Năm 2019, Lê Minh Cương tiếp tục nghiên cứu, mở rộng sản xuất sang lĩnh vực chế biến sản phẩm gia vị truyền thống. Tháng 3-2020, Công ty TNHH Spicy Country do Giám đốc trẻ Lê Minh Cương làm chủ đã được thành lập, với ngành nghề sản xuất gia vị thương hiệu Phúc Lộc Thọ bằng nguồn nguyên liệu nông sản quê hương Thanh Hóa. Để chủ động được nguồn nguyên liệu sạch, tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Cương đã tìm hiểu các vùng trồng ớt nguyên liệu, thực hiện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt sạch cho nông dân ở hai huyện Thạch Thành và Thiệu Hóa. Mặc dù chỉ mới chính thức đưa ra thị trường hơn 2 tháng nhưng tương ớt, tương cà thương hiệu Phúc Lộc Thọ đã có mặt ở 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lê Minh Cương chia sẻ: Con đường khởi nghiệp chưa bao giờ “trải hoa hồng”. Nhưng, chính những khó khăn, thậm chí thất bại ở một vài thời điểm trong quá trình khởi nghiệp đã giúp tôi trưởng thành hơn. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương và những tín hiệu tốt từ mô hình sản xuất, Lê Minh Cương có tham vọng thử nghiệm sản xuất giống ớt mới để cung cấp cho các vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm tương xì dầu, mật mía của xứ Thanh, phấn đấu đưa sản phẩm thương hiệu Phúc Lộc Thọ xuất khẩu ra nước ngoài.

Khởi nghiệp bằng việc thi công, thiết kế Trạm điện năng lượng mặt trời và cửa nhựa, sàn đá giả gỗ SPC khi lĩnh vực này còn rất mới mẻ ở tỉnh ta nhưng anh Trịnh Minh Sơn và các cộng sự ở phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn luôn tin tưởng vào triển vọng phát triển tươi sáng và mạnh mẽ của ngành năng lượng này. Công ty TNHH – SLC được thành lập năm 2019, do Trịnh Minh Sơn làm giám đốc. Mặc dù, năm đầu tiên tham gia thương trường vô cùng khó khăn, nhất là trong việc tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, với những công trình uy tín đã được lắp đặt, sử dụng, số lượng khách hàng tin tưởng vào doanh nghiệp ngày một tăng. Năm 2019, doanh thu của công ty mới đạt khoảng 2 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu đã đạt gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động, với thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, anh Trịnh Minh Sơn cho biết: Luôn xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ của một người doanh nhân trong cơ chế thị trường là phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức về pháp luật và kinh doanh, học tập kinh nghiệm quản lý và xây dựng tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Xác định rõ những hạn chế và khó khăn của doanh nghiệp, phấn đấu xây dựng văn hoá doanh nhân, cạnh tranh lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, gắn kết sự phát triển của cộng đồng, góp phần thực hiện các chính sách xã hội, nâng cao đời sống người lao động trong doanh nghiệp.

Những năm gần đây, từ chủ trương của Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lan tỏa mạnh mẽ. Để hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm phát hiện nhân tố, khơi dậy tinh thần, lan tỏa phong trào, như: Triển khai Đề án “Bí thư Chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên”; hỗ trợ giúp đỡ thanh niên trong việc giới thiệu quảng bá, xây dựng thương hiệu đạt chuẩn OCOP về các sản phẩm do thanh niên phát triển, sản xuất... Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực trong việc hướng dẫn cơ sở thành lập các tổ hợp tác và HTX thanh niên để được tham gia vay vốn phát triển kinh tế từ các đề án, chương trình phát triển kinh tế do đoàn thanh niên quản lý... Đoàn Thanh niên huyện Thọ Xuân là một trong những điển hình, có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phong trào hỗ trợ đoàn viên khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp; tổ chức nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên; thành lập các mô hình câu lạc bộ giúp thanh niên phát triển kinh tế... Qua đó, đã phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã có 700 ý tưởng khởi nghiệp được xây dựng. Có 400 ý tưởng được gửi đi dự thi cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh với 15 ý tưởng đã lọt vào vòng chung kết. Trong đó, có 2 ý tưởng đạt giải nhì, 3 ý tưởng đạt giải ba và 10 ý tưởng đạt giải khuyến khích.

Anh Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên thời gian qua đã có nhiều bước chuyển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Dù là thanh niên nông thôn hay thành thị, bằng nhiều cách làm khác nhau, dù khởi nghiệp ở đâu, ở lĩnh vực nào cũng luôn cần sự năng động, sáng tạo, dám dấn thân, dám khẳng định mình để thắp lên ngọn lửa đam mê, khát vọng làm giàu của tuổi trẻ. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.500 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, 25 mô hình HTX, tổ hợp tác thanh niên hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động. Để phát huy hơn nữa vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội trên địa bàn tỉnh định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên phát triển rộng rãi mô hình kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô và trình độ khác nhau trong các ngành, các lĩnh vực. Đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu gương người tốt, việc tốt..., giúp các đoàn viên, thanh niên có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng, làm theo; duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Có thể khẳng định, với những cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, sự đồng hành của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương trong tỉnh, phong trào khởi nghiệp thời gian qua đã diễn ra khá sôi nổi. Với tư duy đột phá và mạnh dạn trong khởi nghiệp, nhiều thanh niên đã không ngừng vượt khó, sáng tạo vươn lên làm giàu từ chính tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó, khẳng định sự lựa chọn con đường của mình là đúng đắn. Họ chính là những tấm gương sáng trong khởi nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khởi nghiệp và câu chuyện vượt rào cản: Thay đổi tư duy lập nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO