Có thể ví nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khởi nghiệp sáng tạo đang là hai vấn đề quan trọng hàng đầu và là đôi cánh giúp các nền kinh tế “cất cánh” trong giai đoạn hiện nay.
Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của VCCI đã chỉ ra rằng, dù đã có nhiều hỗ trợ nhưng thực tế câu chuyện khởi nghiệp vẫn còn nhiều “khoảng trống” từ ý tưởng đến thực tiễn.
Vừa trở về từ Hôi nghị ASEAN và Hàn Quốc, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, người gắn bó với phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam từ những ngày đầu nói rằng, ở Hội nghị năm nay các nước đều nói về câu chuyện khởi nghiệp và cho rằng khởi nghiệp là chìa khoá của sự phát triển. Theo ông, “chìa khóa” của sự phát triển quốc gia ở thời điểm hiện tại nằm ở 2 cụm từ quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn vốn con người và khởi nghiệp sáng tạo, và đây chính là “đôi cánh” của nền kinh tế.
Hiện tại, nhắc đến khởi nghiệp, bất kỳ ai cũng nghĩ đó là khởi nghiệp sáng tạo chứ không còn là khởi nghiệp thông thường như trước. Khởi nghiệp đồng nghĩa với bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh sáng tạo.
Một khảo sát của mạng lưới kết quả toàn cầu về khởi nghiệp ở 60 quốc gia cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo lại thuộc 20 nhóm cuối cùng. Như vậy, có khoảng cách giữa khát vọng, giữa ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Và do đó chúng ta cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động.
Để câu chuyện khởi nghiệp ở Việt Nam không còn là ý chí nữa mà phải là hiện thực thì vai trò của chính sách hỗ trợ để những “đôi cánh” khởi nghiệp thực sự bay được vô cùng quan trọng.
Trên thực tế, bên cạnh những chính sách của Nhà nước trong việc thực hiện đề án 844 Chính phủ, Nghị quyết 35 của Chính phủ và đặc biệt 12/6/2017 đã thông qua luật hỗ trợ DNNVV về hỗ trợ doanh nghiêp khởi nghiệp, ở nhiều địa phương đã chủ động dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Câu chuyện của thành phố Hà nội là một ví dụ.
Ông Lê Văn Quân – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV thuộc Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết, tháng 9 vừa qua, Hà Nội đã ban hành đề án riêng về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong đó có nhiều hỗ trợ cho đối tượng là khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ về truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo bắt đầu tư năm 2020; Hỗ trợ cơ sở vật chất hạ tầng cho khởi nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động liên kết kết nối; Tổ chức hoạt động ngày hội thủ đô, các hoạt động đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ toàn bộ liên quan khoa học công nghệ, liên quan tới sở hữu trí tuệ…
“Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu cả nước về đào tạo khởi nghiệp với những khoá đào tạo thực chất và đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra Hà Nội còn triển khai hàng loạt các hoạt động kết nối ngân hàng, hỗ trợ triển khai thực hiện đề án, phát triển sản phẩm, phát triển thị trường…” - ông Quân nói.
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo của Phần Lan trong 15 năm qua, ông Matt Tesso, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cho biết, một trong những “bí quyết” mà Phần Lan thành công chính là việc tạo ra môi trường hoạt động dễ dàng cho các doanh nghiệp, với chính sách liên quan để nền kinh tế ổn định và cạnh tranh.
Bên cạnh đó là sự kết hợp độc đáo giữa nghiên cứu, giáo dục, đổi mới và công nghệ cao cấp. Giáo dục mạnh mẽ là tiền đề để thành công. Các doanh nghiệp và tổ chức giáo dục đại học phối hợp chặt chẽ với nhau trong R&D: 70% các công ty có hoạt động R&D hợp tác với các trường đại học. Mặt khác, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng dễ dàng truy cập vào tài trợ R&D.
Như vậy, nếu có những chính sách tốt, với một quyết tâm cao trong việc dành nguồn lực của xã hội cho khởi nghiệp thì khởi nghiệp sáng tạo sẽ trở thành một phong trào thực sự lớn mạnh ở Việt Nam.