Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đặc khu phải thuận lợi hơn cho người dân bản địa, bảo đảm trật tự xã hội và không để “cò đất”, xã hội đen lộng hành trên địa bàn.
Ngày 18/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu).
Có thể bạn quan tâm
|
Tại phiên họp, đại diện Văn phòng Chính phủ công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, báo cáo về tiến độ xây dựng và kế hoạch triển khai thi hành Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Bộ Nội vụ báo cáo về tiến độ và kế hoạch thẩm định 3 đề án thành lập đặc khu: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Sau khi lắng nghe các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới.
“Tinh thần là không cầu toàn, phải khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị, lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững”, Thủ tướng khẳng định.
Theo đó, thể chế, chính sách tại các đặc khu không trái với Hiến pháp, có tính vượt trội, thông thoáng, có lợi thế để cạnh tranh quốc tế. Chính sách phải nhất quán, ổn định và lâu dài. Dự án Luật cập nhập số liệu mới nhất, xác định rõ lợi thế so sánh khu vực và quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động trong ngắn hạn và lâu dài, có tầm nhìn tổng thể, chiến lược để hoạch định các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Trước nhiều ý kiến về ưu đãi đầu tư, tài chính, ngành nghề kinh doanh, mức thuế và thời hạn, Thủ tướng đề nghị không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước khi Luật có hiệu lực. Cần tiếp tục lắng nghe, chọn lọc, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật. Cần có phương án tiếp thu, giải trình chặt chẽ, thuyết phục về lợi ích và chi phí.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức bộ máy và công tác cán bộ phải có sự chuẩn bị kỹ càng để khi Luật có hiệu lực thì có thể vận hành ngay. Quy định về tổ chức bộ máy theo hướng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý. Bộ Nội vụ cần làm rõ công việc gì là của Chính phủ, việc gì của địa phương. Xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể của các cơ quan, kể cả quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án, ngoại giao, thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch tổng thể các việc cần phải làm, cần có bảng phân công, điểm lại tất cả các đầu việc phải chuẩn bị để không sót việc.
Nhấn mạnh 3 đặc khu này không chỉ của 3 tỉnh mà là của cả nước, Thủ tướng yêu cầu 3 tỉnh cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Phải bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.
“Tất cả việc gì mà bộ, ngành cần hướng dẫn cụ thể để 3 tỉnh triển khai công tác chuẩn bị, chẳng hạn hướng dẫn của Bộ Nội vụ về bộ máy, về chuyên môn thì phải làm sớm, làm ngay. Tinh thần là giao quyền mạnh mẽ cho trưởng đặc khu”, Thủ tướng nói.
Theo đó, phải dồn nỗ lực vào công tác quy hoạch để có một quy hoạch dài hơi, thực sự có chất lượng. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, kể cả nhân lực quản lý và các ngành nghề được xem là ưu tiên phát triển. Quan tâm vấn đề chọn nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu.
Trước đó, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/4, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, các báo cáo, giải trình chưa đưa ra được lời giải thấu đáo. "Như hôm qua báo chí đưa tin trong ngắn hạn cần tới hơn 1 triệu tỉ đồng để đầu tư cho 3 đặc khu. Trong số này thì ngân sách bỏ ra cũng đáng kể, đó là chưa tính các chính sách ưu đãi như ưu đãi thuế thì thực chất cũng là tiền ngân sách", ông Hiển nói, đồng thời, đồng ý luật này chỉ quy định đối với 3 đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong "để tránh sự tràn lan sau này, như đã từng xảy ra đối với các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu".
Đi sâu vào phân tích các yếu tố địa lợi, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng ba đặc khu này có 3 vị trí địa lý khác nhau, đặc điểm khác nhau, như vậy cần có ưu tiên khác nhau để phát huy được thế mạnh của từng đặc khu, nên quy định danh mục ưu tiên đầu tư khác nhau đối với mỗi đặc khu là hợp lý.
Đề cập đến nguồn lực đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, về ngân sách đầu tư, như số tiền đề cập là cần trên 1 triệu tỉ đồng, thì phải khẳng định phần lớn là thu hút đầu tư chứ không phải là từ ngân sách. Ngân sách đầu tư phát triển cả nước 5 năm có 2 triệu tỉ đồng thì làm sao bỏ vào đây 1 triệu tỉ.