Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, những năm gần đây Hải Phòng đã thực hiện tương đối triệt để quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Quá trình này cũng lại phát sinh những yêu cầu mới về vai trò và hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể trong khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Nhận thức được điều này, ngay từ cuối năm 2009, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 28-NQ/TU “Về xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”. Có thể nói đây là một trong những sản phẩm tiêu biểu của quá trình 30 năm đổi mới mà Hải Phòng luôn nỗ lực với vị trí tiên phong.
Có thể bạn quan tâm
15:39, 28/05/2018
17:10, 29/03/2018
12:35, 19/05/2016
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành một Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này. Sau gần 10 năm triển khai, tính đến hết năm 2017, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có 456 tổ chức đảng, 1.032 tổ chức công đoàn, 178 tổ chức đoàn và hội thanh niên hoạt động theo tinh thần NQ28.
Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành công nhưng trong các đợt đánh giá sơ kết, Thành ủy Hải Phòng cũng nhận rõ, việc thực hiện Nghị quyết 28 vẫn còn không ít hạn chế. Bên cạnh các tổ chức có sẵn chuyển giao từ doanh nghiệp nhà nước, thì khoảng trống lớn nhất trong thực hiện Nghị quyết 28 thuộc về khu vực doanh nghiệp vốn FDI. Tại thời điểm này, toàn thành phố có 541 dự án FDI còn hiệu lực, nhưng số tổ chức cơ sở Đảng được thành lập mới trong các doanh nghiệp FDI kể từ khi có Nghị quyết 28 vẫn đếm trên đầu ngón tay. Điều đó cho thấy những hạn chế lớn trong thực hiện Nghị quyết 28 đã bộc lộ.
Định kỳ hàng năm Thành ủy Hải Phòng đều tổ chức đánh giá sơ kết, cùng với đó là nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm từ cấp thành phố đến cấp cơ sở. Câu hỏi làm thể nào để thành lập và phát triển các tổ chức cơ sở Đảng tại khu vực doanh nghiệp FDI, luôn khiến nhiều người trăn trở. Nhiều nguyên nhân được phân tích, rút kinh nghiệm, trong đó một vấn đề không kém phần quan trọng là nhận thức của một bộ phận cán bộ đảng viên chưa đánh giá đúng bản chất của các doanh nghiệp FDI. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để tổ chức hoạt động thành công mà vẫn thoả mãn yêu cầu về sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư, chứ không thể đưa ra một cơ chế áp đặt lên họ.
Kinh nghiệm ở Hải Phòng cho thấy, mô hình ổn định nhất là tổ chức cơ sở Đảng giữ vị trí hạt nhân chính trị, định hướng và lãnh đạo tư tưởng đối với tổ chức đoàn hội, không can thiệp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh. Để đạt được điều đó, tổ chức đoàn, hội trong môi trường đặc thù cần phải có một cơ chế mở, chứ không nên áp một mô hình nhất quán từ Trung ương tới địa phương như hiện nay. Chẳng hạn đối với phong trào thành niên, phải chăng là mô hình linh hoạt giữa Đoàn và hội? Nhưng điều quan trọng nhất là các tổ chức chính trị phải chủ động và độc lập về tài chính, bởi lẽ đây là vấn đề nhạy cảm, lệ thuộc về tài chính luôn đi đôi với việc bị thao túng, rất dễ bị chi phối từ ý chí của bên chủ chi.
Một vấn đề nữa đặt ra là công tác phát triển đảng viên ở khu vực doanh nghiệp FDI, cơ chế “có Đảng mới có đoàn” dường như chưa thực sự phù hợp với khu vực này. Kể cả ở những nơi chỉ có tổ chức Công đoàn, thực tế có nhiều nhân tố tích cực, ưu tú nhưng không có cơ hội phấn đấu vào Đảng tại nơi mình công tác. Có ý kiến cho rằng, Công đoàn cần đảm nhiệm vai trò phát hiện và giới thiệu về nơi cư trú, để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những quần chúng tốt. Điều này có vẻ như thiếu tính thực tiễn, bởi doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động đa dạng về không gian, sẽ rất khó cho Công đoàn khi phải xây dựng một quy chế phối hợp. Gần đây, trong một cuộc tọa đàm, có đại biểu đã đề xuất giải pháp: “Nên chăng phải có cơ chế cử cán bộ hạ phóng, tham gia vào đội ngũ người lao động để xây dựng cơ sở?”.
Điều dễ nhận thấy trong quyết tâm thực hiện Nghị quyết 28 của Hải Phòng là kiên trì vận dụng sáng tạo các giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra. Và dù nói gì đi nữa thì bài học kinh nghiệm lớn nhất, mang tính quyết định vẫn là nhân tố con người. Thành lập tổ chức đã khó, đảm bảo cho tổ chức hoạt động hiệu quả còn khó hơn. Kinh nghiệm cho thấy tổ chức chỉ hoạt động hiệu quả khi cán bộ ở đó toàn tâm toàn ý và hội tủ đủ năng lực lãnh đạo độc lập.
Thiết nghĩ câu chuyện của Hải Phòng cũng chính là trăn trở của cả nước, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện tiến trình hội nhập sâu rộng.