Một chế độ thông tin mở luôn đi kèm với sức sống của lòng tin, một khi sự hoài nghi được cởi bỏ thì tự bản thân nó đề kháng với mọi thông tin thiếu lành mạnh.
Internet có mặt ở Việt Nam trên 20 năm và mở ra cánh cửa hội nhập với thế giới nhưng để lại vô số vấn đề xảy ra với người dùng lẫn cơ quan quản lý. Cấp độ nhẹ thì lăng mạ, sỉ nhục, bôi nhọ nhau, nặng hơn là thông tin thất thiệt chống phá Đảng, Nhà nước.
Internet như một loại tân dược gây nghiện, không thể thiếu với con người ngày nay, nó hấp dẫn đến mức người khó tính nhất cũng dễ dàng thỏa hiệp với thông tin không biết kiểm chứng hay chưa.
Internet đẻ ra khủng hoảng thông tin, truyền thông. Trong nhiều cuộc khủng hoảng ấy người ta chỉ hào hứng với mức độ của sự việc mà bỏ quên vai trò của cơ quan có chức năng kiểm soát.
Một trường hợp mua mỹ phẩm theo những lời quảng cáo có cánh trên mạng, người dùng sau đó dị ứng nặng nhưng không biết kiện ai, mặc dù đã có Luật an toàn thông tin và Luật Dân sự.
Một khách hàng mua vé máy bay qua mạng, đã chuyển khoản nhưng sau đó người bán “bặt vô âm tín”, bị hại không muốn kiện vì họ không chắc sẽ đòi lại được số tiền mà không biết phải tốn kém thêm những gì.
Một chủ thuê bao di động nửa đêm bị gọi dậy chào bán thuốc “phòng the”, hàng tá tin nhắn tiếp thị đến bất kỳ lúc nào trong ngày nếu người gửi muốn. Sau cùng là hàng triệu thông tin người dùng không biết bằng cách nào đã đến với giới tiếp thị!?
Đòi công bằng từ thế giới ảo không khác mấy “mò kim đáy biển”, nhưng người dân nhiều lần ngã mũ thán phục lực lượng chống tội phạm công nghệ cao, chỉ một manh mối duy nhất từ cuộc gọi điện thoại, hung thủ lộ diện!
Luật an ninh mạng phải đáp ứng được hai yêu cầu: (1) đảm bảo cho người dùng an toàn trên internet; (2) đảm bảo tự do trao đổi thông tin với thế giới bên ngoài. Không ai mong muốn một chế độ thông tin bị “đo ni đóng giày”, bị bó hẹp dòng chảy, trừ những lĩnh vực liên quan đến bí mật quốc gia.
Một chế độ thông tin mở luôn đi kèm với sức sống của lòng tin, một khi sự hoài nghi được cởi bỏ thì tự bản thân nó đề kháng với mọi thông tin thiếu lành mạnh. An ninh quốc gia có nền tảng từ sự an toàn của từng công dân trong xã hội.
Có thể bạn quan tâm
|
Mọi rủi may bị ném vào mạng xã hội, người dùng thân ai nấy lo, khôn thì sống bống thì chết. Không những cần thiết phải có Luật An ninh mạng mà sự an toàn của người dân trên thế giới ảo phải được đặt lên trên.
Tồn tại trong hệ quy chiếu toàn cầu đòi hỏi nhà chức trách phải minh bạch thông tin đến người dân, chỉ số “minh bạch công khai thông tin” đã được lượng hóa để đo đếm độ thân thiện của chính quyền, chẳng hạn như chương trình PAPI của Liên Hợp Quốc, chỉ số PCI của VCCI.
Ý muốn hạn chế minh bạch thông tin trên môi trường internet càng làm tăng tính hoài nghi, vô tình kích hoạt bản năng tò mò của con người. Một khi để người dân tự so sánh, đối chiếu thì luồng thông tin “hàng hai” có cơ hội chen vào.
Những thông tin trôi nổi trên inernet – để xác định là xấu hay tốt, đúng hay sai không đơn giản chút nào. Cần một cơ quan tài phán để phán quyết làm cơ sở cho Bộ Luật nào đó phát huy tác dụng.
Chưa có một hệ quy chiếu nào cân đo đong đếm như thế nào là thóa mạ, lăng nhục người khác, thậm chí từ điển tiếng Việt có hàng trăm từ để mô tả. Nếu người bị thóa mạ, lăng nhục bị ảnh hưởng tinh thần sau đó thiệt hại kinh tế thì phải chứng minh được mối liên quan.
Nếu là thông tin thất thiệt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì nơi xuất phát nguồn gốc thông tin đương nhiên có tội nhưng với người dân vô tình chia sẻ, phát tán có bị xử lý hay không?
Phương án quản lý tốt nhất là yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng như Facebook, Google… đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam nhằm “địa phương hóa thông tin”.
Nhưng theo một nghiên cứu của Viện Brookings (Hoa Kỳ) chỉ ra rằng, chi phí đối với việc địa phương hóa dữ liệu ở Việt Nam là khoản tiền lớn và có thể tác động đến 1% GDP.
Vấn đề còn lại là thị trường Việt Nam có đủ hấp dẫn để các nhà cung cấp dịch vụ mạng mang máy chủ và đội ngũ kỹ sư đến đóng trụ sở. Bất kỳ một ý định nào muốn kiềm tỏa sự bùng nổ của công nghệ thông tin đều đi ngược lại xu thế.