Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ GTVT diễn ra sáng nay (11/1).
Công tác giải ngân không đạt yêu cầu
Tại hội thảo, ông Thể cho biết xây dựng cơ bản và giải ngân là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, rõ ràng công tác giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu.
“Vì sao chúng ta họp giao ban thường xuyên, liên tục nhắc nhở các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về trách nhiệm triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ, trong đó có việc giải ngân nhưng vẫn còn những dự án chưa đảm bảo tiến độ, giải ngân chưa đạt yêu cầu? Vì sao một số dự án vốn dư, giải ngân chậm nhưng không kịp thời báo cáo để điều chuyển vốn sang những dự án tốt hơn? Bài học kinh nghiệm cho năm 2019 là gì?...”, ông Thể đặt câu hỏi.
Để công tác giải ngân trong năm 2019 đạt tiến độ, ông Thể chỉ đạo công tác giải ngân: “Phải kịp thời động viên khen thưởng và tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị làm tốt. Ngược lại, sẽ không không giao thêm việc, thậm chí có hình thức kỷ luật với các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ".
Trước đó, báo cáo công tác giải ngân, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, năm 2018 Bộ GTVT được giao hơn 27.200 tỷ đồng (gồm hơn 14.100 tỷ đồng vốn nước ngoài, hơn 5.850 tỷ đồng vốn trong nước, hơn 3.140 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), 2.936 tỷ đồng vốn 2017 kéo dài sang năm 2018 và gần 1.150 tỷ đồng vốn TPCP 2016 kéo dài sang năm 2018.
Trong tổng số các nguồn vốn kế hoạch được giao có khoảng 482 tỷ đồng vốn TPCP dư sau khi quyết toán các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Bộ Giao thông-Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sử dụng nguồn vốn dư này (hiện Thủ tướng Chính phủ đang xem xét giải quyết) và 447 tỷ đồng vốn TPCP mới được giao kế hoạch trong tháng 12/2018 chỉ có thể giải ngân 28 tỷ đồng trước 31/1/2019 (419 tỷ đồng còn lại được giải ngân trong năm 2019). Như vậy, tổng số kế hoạch vốn cần phải giải ngân trong năm 2018 là 26.332 tỷ đồng.
Kế hoạch vốn nước ngoài và vốn Thanh tra Chính phủ được bố trí đầy đủ so với nhu cầu của năm 2018. Nguồn vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn đối ứng các dự án ODA kế hoạch được bố trí thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, Bộ Giao thông-Vận tải đã tập trung bố trí vốn để trả nợ đọng xây dựng cơ bản, thực hiện quyết toán các dự án đã hoàn thành, triển khai các dự án chuyển tiếp. Cụ thể đã bố trí vốn cho 37 dự án ODA, 19 dự án giao thông trong nước, 40 dự án sử dụng vốn Thanh tra Chính phủ dư từ dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...
Có thể bạn quan tâm
03:20, 05/01/2019
02:17, 06/10/2018
18:26, 01/10/2018
07:43, 19/10/2018
21:05, 28/09/2018
15:32, 26/09/2018
11:05, 20/09/2018
05:06, 01/08/2018
05:18, 28/07/2018
Vẫn còn tâm lý xây dựng nhu cầu giải ngân cao hơn thực tế
Thông tin thêm, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân đạt 84,5%KH giao (tỷ lệ giải ngân chung cả nước năm 2016 là 81%). Năm 2017 Bộ GTVT giải ngân đạt 82,5% (tỷ lệ giải ngân chung cả nước năm 2017 là 72%). Kết quả giải ngân kế hoạch năm 2018 của Bộ GTVT đạt khoảng 91,5%.
Như vậy, trong 3 năm kể từ khi thực hiện theo Luật Đầu tư công, dù đã có rất nhiều nỗ lực, tăng cường rà soát so với giai đoạn trước nhưng kết quả giải ngân tính tới hết thời điểm chỉnh lý quyết toán ngân sách Nhà nước đều chưa đạt 100% kế hoạch, cần kéo dài giải ngân sang năm sau hoặc phải giảm trừ kế hoạch năm.
Nguyên nhân, theo Thứ trưởng là do các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án đăng ký nhu cầu kế hoạch cao hơn khả năng thực tế do lạc quan vào khả năng thực hiện của dự án, không lường trước được hết những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, các sự cố công trình, điều kiện thời tiết bất lợi...
Ngoài ra, theo quy định của Luật Đầu tư công, thời gian giải ngân kế hoạch hằng năm được kéo dài sang năm sau do đó các đơn vị có tâm lý xây dựng nhu cầu giải ngân ở mức kỳ vọng cao (số vốn không giải ngân hết sẽ được kéo dài thực hiện, giải ngân sang năm sau).
Trong quá trình điều hành triển khai các dự án, một số đơn vị còn chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư của các dự án, chưa chủ động, kịp thời rà soát nhu cầu vốn thực hiện dự án, xác định vốn dư trong quá trình thực hiện dự án để kịp thời báo cáo các khó khăn vướng mắc, đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế.
Về khách quan, Thứ trưởng cho biết, công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công có nhiều thủ tục hơn so với các quy định trước đây nên tốn nhiều thời gian hơn gây ảnh hưởng chung tới tiến độ triển khai các dự án.
Việc giải ngân vốn nước ngoài còn có sự khác biệt về quy trình, thủ tục đấu thầu theo quy định trong nước và của nhà tài trợ; chênh lệch về niên độ tài khóa; quy định về mức vốn tối thiểu được làm thủ tục thanh toán, thủ tục ghi thu, ghi chi vốn đã thực hiện... Công tác GPMB của các dự án phức tạp, vướng mắc kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công; Điều kiện thời tiết bất lợi (mưa, bão...) vào đúng thời điểm phải đẩy nhanh tiến độ thi công.