“Không tăng thêm các điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”

Thy Hằng 02/05/2018 18:03

Đó là khẳng định của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.

Ngày 2/5 Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị ngày 2/5 tại Hà Nội.

Còn phiền hà, sách nhiễu

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 193 điều kiện kinh doanh

    Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm 193 điều kiện kinh doanh

    14:28, 02/05/2018

  • Mòn mỏi chờ bãi bỏ điều kiện kinh doanh nông nghiệp

    05:35, 21/04/2018

  • Bộ Giao thông-Vận tải công bố phương án cắt giảm 67,3% điều kiện kinh doanh

    22:26, 18/04/2018

  • Giảm tới 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp

    15:54, 18/04/2018

  • Bộ Giao thông - Vận tải vẫn "lúng túng" khi rà soát điều kiện kinh doanh

    04:47, 18/04/2018

Theo đó, kết quả của các bộ, cơ quan ngang bộ, có 12 Bộ đạt kết quả chỉ số CCHC trên 80% như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính…

Nhóm đạt kết quả chỉ số CCHC từ 70% đến dưới 80% gồm: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Uỷ ban Dân tộc.

Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả tích cực đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.

“Công tác cải cách thể chế là trọng tâm của cải cách, tuy nhiên, qua đánh giá năm 2017 còn thấy hạn chế như vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa cao”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo đó, cải cách thủ tục hành chính còn những hạn chế, bất cập, còn tình trạng bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định thủ tục hành chính trái thẩm quyền, công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa đúng quy định. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn còn phổ biến ở một số bộ, ngành và địa phương. Việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn còn chưa nghiêm, chưa đầy đủ…   

Cụ thể, theo đánh giá, vẫn còn có người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, với 2,42% số người được hỏi đi lại 5 -6 lần và 2,47% đi lại 7 lần trở lên.

3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình đi giải quyết công việc. Ngoài ra, 1,85% số người được hỏi khẳng định có hiện tượng cán bộ gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định.

Cùng với đó, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, tầng nấc. Hiệu quả hoạt động chưa cao, cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các cơ quan, tổ chức hành chính chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng số lượng lãnh đạo nhiều hơn công chức chuyên môn trong đơn vị, tổ chức.

Đặt sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp lên trên hết

Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, bất cập của nền hành chính, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.

Một là, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo rà soát, xác định rõ những điểm mạnh cũng như những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính của đơn vị mình - thể hiện thông qua kết quả điểm đạt được của từng tiêu chí, lĩnh vực cải cách. Từ đó, chỉ đạo làm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính. Đồng thời, đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ cải cách hành chính được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý công chức, viên chức.

Đặc biệt, thể chế liên quan đến doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc không làm tăng thêm các điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế. Khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản.

Ba là, tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm theo quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018 và Nghị quyết số 19; tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Bốn là, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Năm là, quán triệt đầy đủ tinh thần, nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

Bảy là, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định, đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4.

“Về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, xây dựng phần mềm dùng chung, chống tư tưởng cục bộ, thiếu hợp tác và điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương có khảo sát các hệ thống, cấu trúc của Chính phủ với sự đồng bộ, liên thông. Trên cơ sở đó, phát huy tốt những điểm mạnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Từ đó, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Một số địa phương đang nỗ lực rất lớn xây dựng chính quyền thông minh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tám là, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá cải cách hành chính, bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan và công bằng kết quả triển khai cải cách hành chính tại các bộ, các tỉnh. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội công bằng cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận cơ quan hành chính Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Không tăng thêm các điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO