Sửa luật không tạo kẽ hở cho thâu tóm đất đai, tạo nên hệ lụy xấu kéo dài

Diendandoanhnghiep.vn Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là đề nghị của Chính phủ sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 75 của Dự án một luật sửa nhiều luật.

>>Chính phủ báo cáo Quốc hội: Công ty Việt Á đã lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, sáng 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đại biểu Trần Văn Lâm.

Đại biểu Trần Văn Lâm.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là đề nghị của Chính phủ sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 75 (tương ứng sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng, ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại mà không phải đấu giá, đấu thầu. 

Lo bị trục lợi và lợi ích nhóm

Đánh giá về đề nghị này, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng, điều này rất bất hợp lý và không công bằng với người dân. Chưa kể nếu được thông qua, quy định này sẽ tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp thu gom đất nông nghiệp, thâu tóm đất đai, tạo nên hệ lụy xấu kéo dài, gây tác động đến điều chỉnh quy hoạch, gây thất thoát ngân sách do không thông qua đấu giá sẽ tạo chênh lệch giá, tiền sẽ chảy vào túi doanh nghiệp.

"Nếu việc sửa chỉ đáp ứng kiến nghị của 200 nhà đầu tư nhưng không đánh giá kỹ lưỡng sẽ tạo hệ lụy khi hàng nghìn, hàng vạn dự án đất đai tới đây xu thế chuyển dịch thế nào, cứ mua bán đất nông nghiệp và làm thủ tục đầu tư mà không đấu thầu đấu giá sẽ ra sao? Liệu có lợi ích nhóm hay không khi thực tế cho thấy có yếu tố lợi ích nhóm rõ ràng, luật thông qua phục vụ cho 200 nhà đầu tư này?", đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, vướng mắc cơ bản là quy định chưa thật rành mạch về hình thức sử dụng đất. Đất ở thì sử dụng đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhưng đất ở có lẫn các loại đất khác, đặc biệt là trường hợp có quyền sử dụng đất khác nhưng không phải đất ở như đất nông nghiệp, đất kinh doanh dịch vụ... thì có được làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để làm nhà ở thương mại hay không là cả một vấn đề.

Để tránh tình trạng “con gà – quả trứng”, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị quy định rõ trình tự để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư: “Ví dụ trong Luật Đầu tư nói rằng, khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở thương mại mà sử dụng các hình thức đất này thì có bước là thẩm định khả năng đáp ứng điều kiện chuyển đổi sử dụng đất của nhà đầu tư. Vậy thì có thực hiện bước đó không? Nếu thực hiện rồi thì giá trị văn bản thẩm định như thế nào để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, không đòi hỏi thủ tục khác. Tránh sang cơ quan này hỏi chuyển sử dụng đất đâu, cơ quan kia hỏi phê duyệt chủ trương đầu tư đâu”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, cần đánh giá rõ tác động khi sửa quy định để phù hợp các quan điểm: "Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, không tạo vướng mắc mới; chặt chẽ về quản lý đất đai, tránh trục lợi chính sách; đảm bảo liên thông với luật khác để tránh vướng mắc sau này".

>>Chủ tịch Quốc hội: Phân bổ nguồn lực phải đúng, trúng, hiệu quả

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

“Ví dụ luật ra đời có dẫn đến tình trạng nhà đầu tư đi thu gom đất chưa phải đất ở, rồi chờ quy hoạch để trao đi đổi lại, bán thu lợi hay không? Cần dự báo trước để có quy định chặt chẽ. Rồi về nghĩa vụ tài chính đất đai phải thực hiện đầy đủ. Quy định hiện tại chưa thực sự sát thực tiễn, dẫn đến việc bồi thường, nộp tiền sử dụng đất chưa sát, người dân kêu thế này thế kia”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Nhấn mạnh việc phòng ngừa trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của các nhà đầu tư sử dụng đất hợp pháp và người dân, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) bày tỏ băn khoăn khi điểm c, khoản 1 quy định có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở vì như vậy mở rộng diện giao đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không qua đấu thầu dự án và không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

“Về mặt nhà đầu tư và doanh nghiệp là hoàn toàn thuận lợi nhưng rõ ràng ở đây là phải đánh giá được lợi ích giữa cộng đồng, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp và người dân như thế nào? Đặc biệt, trong báo cáo đánh giá tác động có nêu, sửa như thế này thì nguồn cung thị trường bất đống sản dồi dào hơn thì đúng rồi vì thủ tục đấu giá, đấu thầu không còn nữa. Nhưng tôi băn khoăn là chính sách tài chính về đất đai”, ông Nguyễn Trường Giang đặt vấn đề và đề nghị làm rõ đã đảm bảo được nguyên tắc hài hoà lợi ích, thống nhất hệ thống pháp luật đã đặt ra hay chưa.

đại biểu Nguyễn Trường Giang.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang.

Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị cần làm rõ vấn đề hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư trong vấn đề cho phép sử dụng đất khác, không phải đất ở để đầu tư xây dựng nhà thương mại (thực chất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất khác sang đất ở) mà không cần qua đấu thầu dự án và đấu giá quyền sử dụng đất. 

“Chúng ta hình dung, nhà đầu tư đang có diện tích đất sử dụng vào việc nuôi bò làm sữa rất lớn, đó là đất nông nghiệp hợp pháp nhưng sau đó nhà nước quy hoạch toàn bộ khu vực đó thành đô thị, quy hoạch rồi, phê duyệt rồi, có kế hoạch sử dụng đất rồi. Thế thì nhà đầu tư có quyền sử dụng đất đó để đầu tư dự án nhà ở thương mại nếu họ có nhu cầu hay không? Họ có quyền đề nghị phê duyệt chủ trương để họ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hay nhà nước sẽ thu hồi chỗ đó để đấu giá, đấu thầu dự án?”, ông Tùng đặt câu hỏi.

Ông Tùng cho rằng, nếu đấu giá thì có thể thu được giá cao hơn nhưng cũng đặt ra những vấn đề như Thủ Thiêm vừa rồi “đấu giá đất với giá cao vô cùng bất thường, cũng là vấn đề”. 

Quy định hiện hành đang tạo 2 cách hiểu

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho hay, đề xuất sửa đổi lần này của Chính phủ là quy định lại hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, chứ không đề cập tới các vấn đề khác của Luật Đất đai hoặc các loại dự án đầu tư khác có sử dụng đất. 

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).

Ông Ba phân tích, quy định hiện nay nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, hoặc có quyền sử dụng đất trong đó có một phần là đất ở sẽ được triển khai dự án nhà ở thương mại. Song trên thực tế, có trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhưng hoàn toàn không có đất ở, thì không được phép triển khai theo quy định, nên vẫn phải đấu giá, đấu thầu theo quy định. 

Về thủ tục chuyển đổi, ông Ba cho hay giữa các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, nhà ở chưa rõ ràng, thống nhất. Vì vậy, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng, trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư và không thông qua đấu thầu đấu giá nếu nhà đầu tư có đất nhưng không phải là đất ở. Còn trường hợp nếu là đất nông nghiệp nhưng đã có quyền sử dụng đất hợp pháp và trong đó có một phần đất ở thì trong đề xuất không bao hàm vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Về phân tích có nguy cơ trục lợi, lợi ích nhóm hay không, ông Ba nhìn nhận, cần đánh giá kỹ lưỡng nội dung trình sửa, tránh hiểu không hoàn toàn chuẩn xác. “Việc sửa là mở rộng hình thức sử dụng đất với nhà đầu tư có đất hoàn toàn không phải đất ở và chỉ cần đất này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là được chuyển sang đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Ở đây không đặt vấn đề là cần phải cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất”, ông Ba nói.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, quy định hiện hành đang tạo 2 cách hiểu khác nhau về hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại. Cụ thể, luật thể hiện gồm “đất ở hợp pháp và các loại đất khác”. Chính chữ “và” trong câu này đang gây ách tắc đối với hàng trăm dự án ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác.

“Vậy “và” hay “hoặc”? Nếu không rõ thì một loạt dự án bị tắc, như hơn 80 dự án ở Hà Nội, 130 dự án ở TP.HCM vướng vấn đề này. Gốc rễ ở chỗ là quy định minh bạch hình thức sử dụng đất. Còn đến được việc có quyền sử dụng đất đầu tư dự án thì phải theo trình tự của luật chuyên ngành là Luật Đất đai. Chúng ta xử lý khéo léo để giải quyết hài hoà lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân”, ông Lê Thành Long nói.

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Sửa luật không tạo kẽ hở cho thâu tóm đất đai, tạo nên hệ lụy xấu kéo dài tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711634869 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711634869 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10