Khủng hoảng nhân lực y tế công: Chỉ rõ 7 nguyên nhân, 5 kiến nghị

NGUYỄN GIANG 07/07/2022 04:10

Làn sóng nhân viên y tế “tháo chạy” khỏi các đơn vị công lập đang là một bài toán nan giải, nếu không có giải pháp, các cơ sở y tế công lập sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai…

>>Khủng hoảng nhân lực y tế công: Vì sao hàng nghìn y bác sỹ "tháo chạy"?

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, theo báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Riêng năm 2021 đã có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

hihii

Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 25, quận Bình Thạnh phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

7 nguyên nhân chính

Trước làn sóng nhân viên y tế ở các đơn vị công lập ồ ạt nghỉ việc, TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng thực trạng này chứng tỏ nơi đó đã không còn đủ hấp dẫn, không còn đủ sức giữ chân họ trước nhiều ngã rẽ khác. Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, có 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này…

Thứ nhất, y bác sỹ nghỉ việc là do thu nhập thấp. Đây là điều kiện tất yếu. Một bác sỹ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Thời điểm này, họ đã đến 30-35 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình. Với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng không thể khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến được.

Trong khi đó, người giúp việc hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300 nghìn/ngày công cũng có số thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Điều này khiến bất cứ ai cũng phải đặt lên bàn cân để so sánh.

Thứ hai, áp lực công việc với các nhân viên y tế rất nặng nề và an toàn nghề nghiệp chưa bảo đảm. Những nhân viên y tế làm ở khu vực y tế công, họ không chỉ đối mặt với áp lực công việc lớn, trực bệnh viện liên tục, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao cho nên bác sỹ, nhân viên y tế luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, họ còn phải đối diện với sự xúc phạm, thậm chí đe doạ đến sức khỏe và tính mạng từ phía bệnh nhân và người thân của họ. Tuy nhiên, cơ chế để bảo vệ họ còn nhiều bất cập.

Thứ ba, thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là vật tư tiêu hao, thiết bị y tế chưa đáp ứng đầy đủ. Để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị cần thiết phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế. Có như vậy bác sỹ mới có khả năng cống hiến, đem kinh nghiệm của mình phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay ở các bệnh viện công còn thiếu quá nhiều thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế trong khi ở bệnh viện tư, họ sẵn sàng đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế.

Thứ tư, theo tôi, môi trường làm việc chưa thật sự được đáp ứng. Bác sỹ, nhân viên y tế làm việc trong môi trường có áp lực rất lớn nhưng lại không được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả các cấp quản lý. Điều đó đẫn đến tâm lý công việc của mình không được đánh giá công bằng, khách quan. Trong khi ra làm việc ở các bệnh viện tư họ lại cảm thấy thoải mái, yên tâm cống hiến do được đánh giá đúng năng lực.

Thứ năm, điều kiện học tập, trau dồi kỹ năng thực hành y khoa của bác sỹ, nhân viên y tế trong khu vực công cũng khác so với khu vực tư nhân. Khi làm ở khu vực công, y bác sỹ muốn đi học phải chờ lần lượt, phải đáp ứng các yêu cầu của bệnh viện... Trong khi đó, ở khu vực y tế tư nhân nếu muốn đi học, bác sỹ, nhân viên y tế sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để được đào tạo, nâng cao tay nghề.

Thứ sáu, khả năng thăng tiến cũng có sự khác biệt. Tại bệnh viện công, muốn làm trưởng, phó khoa phải đi học lý luận chính trị trung cấp, ngoại ngữ, phải ở trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo đã được phê duyệt... Trong khi đó ở bệnh viện tư, chỉ cần có tay nghề, kỹ năng thực hành y khoa, có uy tín, đông bệnh nhân…là đã có thể được bổ nhiệm.

Thứ bảy, quản trị bệnh viện công khác so với bệnh viện tư. Việc quản lý các bệnh viện công vẫn theo thói quen từ trước đến nay nên ít có sự thay đổi, trong khi ở khu vực y tế tư nhân vấn đề này lại được đặc biệt chú trọng, thay đổi thường xuyên, tiếp cận được với các phương thức quản trị bệnh viện trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân thu hút bác sỹ, nhân viên y tế chuyển đến khu vực y tế tư nhân.

Cũng theo TS Nguyễn Huy Quang, nếu không có giải pháp, các cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được một lớp cán bộ có tay nghề, có chuyên môn. Trong khi đó, chính cá nhân nhân viên y tế đó cũng thiệt thòi vì mất cơ hội học tập, phát triển ở bệnh viện công và phải thích ứng với chỗ làm việc.

Khi có sự thiếu hụt bác sỹ, nhân viên y tế lành nghề, chất lượng chăm sóc người bệnh chắc chắn sẽ không bảo đảm. Điều đó cho thấy người bệnh sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng và thiệt thòi nhiều nhất.

>>Khủng hoảng nhân lực y tế công: Tâm sự của người trong cuộc

hihihiii

Nhân viên y tế chống dịch vào thời điểm tháng 5-2021. Ảnh: Trần Hằng

5 kiến nghị của nhân viên y tế

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết: Công đoàn ngành đã tập hợp các kiến nghị của cán bộ công nhân viên chức ngành y tế về chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế để gửi tới Đảng, Chính phủ. Hội nghị thống nhất 5 kiến nghị, cụ thể:

Về chính sách giá viện phí: Hiện nay, giá viện phí mới được tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế, trong khi 100% các bệnh viện phải tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Đây là một khó khăn lớn, các bệnh viện rất khó khăn trong việc lo lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ y tế.

Đề nghị Đảng, Chính Phủ ban hành chính sách viện phí được tính đúng, tính đủ chi phí để đảm bảo duy trì sự hoạt động của các bệnh viện, trong đó có chi phí đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế.

Về chính sách lương khởi điểm của bác sĩ ngành y tế: Ngành y là một ngành đặc biệt theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù.

Riêng đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm so với các ngành khác thời gian đào tạo chỉ là 4 năm. Tuy nhiên, phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1. Các ngành khác, chế độ tiền lương chi trả sau 4 năm đại học mức lương khởi điểm là 2,34.

Đây là một bất cập, đề nghị chế độ chính sách tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành y, được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67.

Về chính sách thâm niên nghề: So sánh với ngành giáo dục, 2 ngành được xã hội tôn vinh là Thầy, lao động trong ngành y có phần vất vả, độc hại hơn nhiều nhưng lao động ngành y không được hưởng chế độ thâm niên nghề như hiện nay ngành giáo dục được hưởng.

Đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm đến chế độ được hưởng chế độ thâm niên nghề y như đối với ngành giáo dục.

Về phụ cấp ưu đãi nghề: Theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ, cán bộ y tế được hưởng mức độ từ 20 tới 70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề. Tuy nhiên, rất nhiều đối tượng lao động làm việc trong điều kiện môi trường độc hại bệnh viện vẫn phải tiếp xúc với người bệnh, mầm bệnh nhưng lại không được hưởng phụ cấp này.

Đề nghị Đảng, Chính phủ quan tâm nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.

Về chế độ thu hút đối với các ngành nghề đặc thù: Đối với các lĩnh vực đặc biệt trong ngành y như: Phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, hồi sức cấp cứu, giải phẫu bệnh... là những công việc có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ của cán bộ y tế, nhưng hiện nay chưa có cơ chế phù hợp trong thu hút lao động này. Một số ngành đặc biệt sắp trở thành ngành không có nhân lực chất lượng cao. Đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách đặc biệt hấp dẫn để thu hút nhân lực trong các lĩnh vực này.

Quay trở lại với ý kiến của nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - TS Nguyễn Huy Quang cho rằng, để giải quyết tình trạng này phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, dù giải pháp gì cũng đều phải chú trọng vào tăng cường sức hấp dẫn của các bệnh viện công lập mới có thể giữ chân được các bác sỹ, nhân viên y tế đang làm việc trong khu vực này.

“Đặc biệt, cần làm sao để nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, đây là việc làm không chỉ riêng Bộ Y tế một mình làm được mà phải phối hợp với nhiều bộ ngành khác”  - TS Nguyễn Huy Quang nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Khủng hoảng nhân lực y tế công: Vì sao hàng nghìn y bác sỹ

    Khủng hoảng nhân lực y tế công: Vì sao hàng nghìn y bác sỹ "tháo chạy"?

    03:30, 05/07/2022

  • Khủng hoảng nhân lực y tế công: Tâm sự của người trong cuộc

    Khủng hoảng nhân lực y tế công: Tâm sự của người trong cuộc

    03:50, 06/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khủng hoảng nhân lực y tế công: Chỉ rõ 7 nguyên nhân, 5 kiến nghị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO