Kinh tế chia sẻ: Cần thay đổi để thích nghi với thị trường

Diendandoanhnghiep.vn Các mô hình kinh tế chia sẻ cần thay đổi để thích nghi với người tiêu dùng và hạn chế rủi ro khi gia nhập thị trường có tính đặc thù như ở Việt Nam.

Vừa qua, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định 999/QĐ-TTg Chính phủ phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) với mục tiêu chính là khuyến khích đổi mới sáng tạo, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm cho các bên tham gia và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng. Trên thực tế mô hình này đã vào Việt Nam từ rất sớm dưới những lĩnh vực khác nhau như thương mại điện tử từ những năm 2010-2011, gọi xe từ 2013,... Tuy nhiên đến khoảng 2 năm gần đây mới được định nghĩa chính thức với tên gọi sharing economy (kinh tế chia sẻ).

Trao đổi về vấn đề này, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với Thạc sỹ Nguyễn Trung Anh - Chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực Fintech và các mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.

Thạc sỹ Nguyễn Trung Anh - Chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực Fintech và các mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Thạc sỹ Nguyễn Trung Anh - Chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực Fintech và các mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

- Xin ông khái quát sơ lược về mô hình kinh tế chia sẻ và tình hình thực tế mô hình này tại Việt Nam hiện nay?

Tương tự như những khái niệm mới khác như Fintech, trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế chia sẻ như kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế theo cầu (on-demand economy), kinh tế nền tảng (platform economy), kinh tế truy cập (access economy),… Nhưng chung quy lại, mô hình này có thể hiểu đơn giản là “việc ứng dụng công nghệ để tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ giữa hai hoặc nhiều bên tham gia” và có bốn lĩnh vực chính thuộc về kinh tế chia sẻ, bao gồm:

Thứ nhất, kinh tế cộng tác (collaborative economy) - mô hình chợ rao vặt mà người dùng có thể cho, nhận, trao đổi, cho thuê, chia sẻ dịch vụ/ hàng hóa với nhau. Mô hình này còn có thể gọi là Kinh tế trực tiếp (peer-to-peer economy) - mô hình phân tán mà hai cá thể có thể tương tác để mua bán sản phẩm/ dịch vụ trực tiếp mà không cần trung gian.

Thứ hai, làm việc tự do (Freelancing), mô hình làm việc tự do  kết nối những cá nhân làm việc theo cung cách tự quản, không bị giới hạn về môi trường, địa điểm và thời gian làm việc và các bên có nhu cầu về việc làm.

Thứ ba, kêu gọi cộng đồng (Crowdfunding/ Crowdsourcing) là mô hình kêu gọi/ huy động vốn hoặc các sản phẩm/ dịch vụ khác từ cộng đồng.

thứ tư, làm việc chung (Co-working/ Co-branding): mô hình chia sẻ văn phòng, địa điểm làm việc, thương hiệu,…

Tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện nhiều sản phẩm/ dịch vụ thuộc về các lĩnh vực kinh tế chia sẻ nêu trên với đại diện tiêu biểu là Grab, Fastgo, GoViet, Bee,… trong lĩnh vực gọi xe; Vaymuon, Tima, Mony,… trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P lending);… Tuy nhiên, để vận hành và hoạt động mô hình kinh tế chia sẻ đúng nghĩa không đơn giản do tính chất rủi ro của mô hình, mà kết nối giữa 2 bên không phụ thuộc vào trung gian tập trung.

Nhắc lại một chút lịch sử, ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vào quãng những năm 2010 bùng nổ loại hình mua chung voucher, deal với các tên tuổi như muachung, hotdeal, cungmua,… và ngành gọi xe với EasyTaxi. Mô hình này nhanh chóng nhận được sự đón nhận rất tích vực từ phía người tiêu dùng do chi phí thấp và được sử dụng dịch vụ chất lượng tốt.

Tuy nhiên các khiếm khuyết của quy trình quản lý và vận hành nhanh chóng bộc lộ ra khi số lượng các deal liên tục bị hủy và chất lượng đi xuống đối với TMĐT và hiện tượng lừa đảo tiền khuyến mại với mô hình gọi xe. 

- Đâu là “điểm nghẽn” của mô hình kinh tế chia sẻ, thưa ông?

Có một bài học trong mô hình này đó là câu chuyện của EasyTaxi thuộc đế chế Rocket Internet – một trong những tập đoàn đầu tư rất mạnh vào thương mại điện tử Việt Nam ngày xưa. Nhiều người có thể không nhớ nhưng Easy là công ty đầu tiên mang mô hình gọi xe vào Việt Nam và là công ty tiên phong khai phá thị trường với phong cách lấy tiền ra để đào tạo thói quen người dùng.

Nguyên nhân thất bại lớn nhất của EasyTaxi tại Việt Nam cũng là rủi ro lớn nhất của tất cả các công ty hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ, đó là sự không trung thực của khách hàng/ người tiêu dùng và tận dụng mọi sơ hở của công ty để kiếm lợi ích.

Khi EasyTaxi tung các gói khuyến mãi tặng thưởng lên đến 100k mỗi cuốc đi, khách hàng phối hợp cùng với tài xế đi những chặng ngắn dưới 100k và lại book lại chính tài xế đó để đi tiếp. Tài xế và khách hàng đều được lợi rất lớn, chỉ có công ty là bị thiệt hại nặng. Hậu quả của việc đào tạo khách hàng với khuyến mãi khủng này là khi không có khuyến mãi thì khách hàng không lựa chọn sử dụng ứng dụng để gọi xe. Đến thời điểm công ty nhận ra và giảm các mức khuyến mãi xuống thì đã muộn do tâm lý khách hàng đã xác định tiêu chuẩn khuyến mãi cho các cuốc xe, họ thà mất tiền nhiều hơn cho taxi truyền thống còn hơn là cho ứng dụng gọi xe mà không được giảm giá.

Tương tự như vậy, các mô hình Kinh tế chia sẻ khác như P2P lending gặp phải rủi ro khách hàng sử dụng tiểu xảo để lừa đảo, lừa đảo trên hệ thống rất nhiều. Điểm qua một vài trường hợp mà tôi quan sát được như là: sử dụng chứng minh thư giả để đăng ký tài khoản vay trên sàn; sử dụng số điện thoại, thông tin cá nhân của người khác để đăng ký;… Hậu quả để lại là với các sàn P2P lending không có quy trình kiểm tra, đối chiếu thông tin và quản trị rủi ro kém sẽ dẫn đến tỷ lệ nợ xấu không đòi được rất cao.

- Theo ông, hướng đi nào để thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ phát triển đúng nghĩa và mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung?

Với đặc thù của thị trường Việt Nam, các mô hình kinh tế chia sẻ cũng phải thay đổi để đối phó và hạn chế rủi ro của mình. Mô hình một đơn vị đóng vai trò thuần túy kết nối giữa 2 bên tham gia không còn phù hợp với thị trường và thói quen, tính cách của người tiêu dùng Việt Nam. Thay vào đó, các công ty đã thích nghi phát triển thêm các mô hình lai tạo (hybrid) giữa trung gian kết nối và trung tâm quản lý tập trung.

Mô hình này có các đặc điểm như sau: Tính dễ mở rộng, phát triển thị trường trên mô hình kết nối, cộng tác; Tính dễ quản lý, có khả năng kiểm soát khi có phát sinh các rủi ro liên quan đến tranh chấp giữa các bên tham gia giao dịch; Tính dễ kiểm soát cho cơ quan quản lý khi công ty cung cấp dịch vụ nhận trách nhiệm nhiều hơn, thay vì đẩy rủi ro cho khách hàng và các bên tham gia thì công ty nhận trách nhiệm trọng tài xử lý nếu cần.

Ngoài ra, việc công ty nhận nhiều trách nhiệm hơn cũng đồng nghĩa với việc người lao động/ cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng được bảo vệ tốt hơn. Giả sử coi Grab là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải đồng nghĩa với việc tài xế sẽ được chi trả lương và các chế độ bảo hiểm đi kèm.

Tuy nhiên, hiện tại còn đang có rất nhiều góc nhìn khác nhau về các mô hình này. Việc lựa chọn triển khai mô hình nào là hoàn toàn tùy thuộc vào chiến lược của từng công ty miễn là đảm bảo phòng chống tốt được các rủi ro.

Mô hình kinh tế chia sẻ đem lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, thị trường và đóng góp nhiều cho mục tiêu phát triển của quốc gia ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên cần được quản lý và vận hành một cách đúng đắn. Nếu không hậu quả để lại rất khó khắc phục như mô hình P2P lending tại Trung Quốc vừa qua.

Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế chia sẻ: Cần thay đổi để thích nghi với thị trường tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711711978 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711711978 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10