Sau 50 năm, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền mạnh mẽ
Kinh tế số tuần qua: Mỹ bắt đầu “ra tay” với các ông lớn công nghệ
Hai quan chức chính phủ hôm qua đã thừa nhận điều mà nhiều nhà phê bình đã tranh luận trong nhiều năm qua: các nhà lập pháp và quản lý đã quá lỏng lẻo trong việc kiểm soát độc quyền.
Chủ tịch Ủy ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện David Cicilline và Ủy viên Thương mại Liên bang Rohit Chopra đã phát biểu tại một sự kiện trực tuyến được tổ chức bởi Dự án Quyền tự do Kinh tế của Mỹ - một nhóm vận động hành lang chống lại độc quyền. Họ gợi ý rằng Hoa Kỳ cần có luật mới để ngăn chặn các công ty tham gia vào hành vi phản cạnh tranh cũng như cải thiện việc thực thi quy định để trấn áp các công ty khi họ vi phạm.
Chopra đã phát biểu: “Chúng ta cần phải chấm dứt việc quản lý yếu kém này.”
Cả Quốc hội và các cơ quan quản lý ngày càng trở nên lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của nhóm các công ty công nghệ lớn, cũng như lịch sử của họ trong việc đánh bại các đối thủ. Cuộc chiến này có sự quan tâm của cả hai đảng, mặc dù động cơ của các đảng có khác nhau trong một số trường hợp.
Mới đây, Ủy ban chống độc quyền đã phát hành một báo cáo thúc giục thay đổi các quy định hiện hành sau cuộc điều tra kéo dài 16 tháng nhắm vào Apple, Amazon, Facebook và Google. Ủy ban đề nghị chia nhỏ các công ty, cấm họ ưu ái các công ty thành viên, cũng như củng cố quyền lực của cơ quan cấm quyền và luật pháp.
Vài tuần sau, Ủy ban chính thức đệ đơn kiện quan trọng chống lại Google liên quan đến sự thống trị của gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo. Các khuyến nghị được đề cập cũng bao gồm chia nhỏ công ty và cấm các hành vi phản cạnh tranh.
Gạt các cuộc điều tra sang một bên, Cicilline nói rằng Quốc hội đã chậm chân trong việc thi hành luật mới và đảm bảo nguồn lực của cơ quan quản lý. Chopra cũng cho biết các nhà quản lý nên làm nhiều hơn trong giới hạn của luật hiện hành.
Chopra nói thêm rằng các phán quyết gần đây lại mang đến lợi ích cho các công ty công nghệ. Lấy ví dụ, YouTube và Google đồng ý trả cho FTC khoản “dàn xếp” 170 triệu USD liên quan đến cáo buộc thu thập thông tin cá nhân của trẻ em mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Chopra cho rằng YouTube sau cùng vẫn kiếm được tiền từ các hành vi của họ.
Trong một diễn biến khác, FTC cũng đồng ý thoả thuận 5 tỷ USD của Facebook vào năm ngoái, mang đến “kim bài miễn tử” cho hai vị giám đốc điều hành Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg. Chopra nói rằng vấn đề không thể được giải quyết chỉ qua vài lời thoả thuận. “Điều đó chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn.”
Sau 50 năm, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền mạnh mẽ. Nếu các nhà lập pháp và quản lý muốn thực hiện những thay đổi sâu rộng như đề xuất, chặng đường sắp tới sẽ rất gian nan.
ĐIỂM TIN
Dịch vụ phát video trực tuyến trên di động Quibi, công ty được điều hành bởi Meg Whitman và Jeffrey Katzenberg, đã từng tự quảng cáo mình là một hình thức giải trí mới, mang đến các bộ phim ngắn kéo dài từ 5-10 phút mỗi tập. Startup này từng huy động được 1.8 tỷ USD từ 21st Century Fox và MGM Studios, nhưng nó chưa bao giờ đạt được kì vọng. Dịch vụ này đã thuê một công ty tái cấu trúc để xem xét các khả năng, và kết cục thật đáng buồn: Quibi phải đóng cửa.
Mạng xã hội TikTok hiện đang đối mặt với một vấn đề quen thuộc của mọi mạng xã hội: nội dung mang tính thù ghét. Hôm thứ Tư, TikTok thông báo rằng họ đang mở rộng các chính sách về phát ngôn thù địch, vốn đã và đang cấm các phát biểu cổ suý chủ nghĩa Phát xít hay chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Dịch vụ cũng cho biết họ sẽ xử lý các ngôn ngữ được mã hoá và các kí hiệu người dùng có thể lạm dụng để truyền bá tư tưởng thù ghét.
Facebook đang phát biểu một tính năng mới có tên là Neighborhoods, cung cấp cho người dùng không gian để kết nối với hàng xóm. Nghe quen chứ? Đó chính là tính năng của NextDoor, công ty đang xem xét chào bán cổ phiếu. Facebook thông báo họ đang thử nghiệm tính năng này ở Calgary, Canada. Một lần nữa Facebook khẳng định “truyền thống” của họ: Nhái các tính năng thành công của đối thủ trên chính nền tảng của mình.
Một tháng sau sự gia tăng của phong trào đòi công bằng giữa các chủng tộc, Microsoft thông báo họ có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng các nhà quản lý và lãnh đạo cấp cao là người da đen ở Hoa Kỳ trong 5 năm tới. Tuy vậy, trong báo cáo mới nhất, họ cho biết họ vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu đó. Báo cáo cho thấy trong năm qua, Microsoft chỉ tăng thêm 0.3% sự hiện diện của người Mỹ Latinh và người da đen trong công ty - số nhân viên quản lý thuộc hai nhóm này còn có tỉ lệ thấp hơn.