Chiến tranh thương mại sẽ khiến kinh tế thế giới có những dịch chuyển lớn trong dòng chảy thương mại và đầu tư trong năm 2019.
Kinh tế thế giới 2018 bị chi phối gần như hoàn toàn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Dòng đầu tư, thương mại, tài chính, tỷ giá luôn có những biến động bắt nguồn từ những động thái của cuộc xung đột này.
Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại
Cuộc chiến tranh thương mại đã kéo theo sự dịch chuyển lớn trong dòng thương mại toàn cầu từ Trung Quốc lan sang các nơi khác. Dòng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ có thể sụt giảm do chiến tranh thương mại, trong khi đó dòng thương mại giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới, nhất là với các nền kinh tế đang phát triển, sẽ tăng lên bù lại sự sụt giảm nói trên. Tuy nhiên, tổng mức thương mại thế giới sẽ không giảm.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 13/12/2018
11:42, 04/12/2018
02:55, 24/11/2018
11:22, 22/11/2018
16:29, 19/11/2018
Về đầu tư, có sự dịch chuyển dòng FDI từ Trung Quốc sang các nước đang phát triển và mới nổi khác, hoặc về Mỹ. Dòng FDI liên quan đến chuyển giao công nghệ với Trung Quốc cũng chậm lại, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao có tầm quan trọng. Sự dịch chuyển này sẽ làm tăng dòng thương mại ở những nơi mà dòng FDI tìm đến bên ngoài Trung Quốc. Đây cũng có thể là một ý đồ mà Mỹ muốn buộc dòng FDI ra khỏi Trung Quốc, nhất là những dòng FDI liên quan đến công nghệ cao. Nếu Trung Quốc trả đũa các Cty Mỹ, dòng vốn này sẽ gia tăng nhanh hơn, và Trump sẽ không giúp ngăn chặn vì đó là ý đồ của ông ta.
Về tài chính, dòng vốn đổ vào Trung Quốc sẽ chậm lại, xuất hiện dòng chuyển ra nhiều hơn do phải di chuyển sang nơi khác làm cho đồng CNY mất giá vì thay đổi này. Đáng lưu ý hơn, Trung Quốc bị cho là có ý đồ giảm giá CNY để bù lại tác động thiệt hại do thuế của Mỹ đánh vào hàng hóa của mình (CNY mất giá khá mạnh lên tới 7,2% kể từ 2/1/2018 đến 20/12/2018).
Do đó, tăng trưởng toàn cầu bị giảm sút đôi chút do sự xáo trộn này. Tăng trưởng toàn cầu dự báo giảm từ 3,9% xuống 3,7% năm 2018 do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đặc biệt, hiệu ứng này sẽ kéo sang năm 2019, nhưng sự sụt giảm không lớn.
Tác động đến thương mại và đầu tư
Việt Nam là một nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu và FDI, trong khi đó Trung Quốc đang thay đổi chiến lược và cơ cấu lại kinh tế khiến Trung Quốc đang trở thành đối tác thương mại lớn nhất, và dòng đầu tư cũng đang tăng rất nhanh.
Các hướng tác động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và đầu tư của Việt Nam với Trung Quốc bao gồm: Thứ nhất, Trung Quốc buộc tìm nơi tiêu thụ hàng thừa: hàng tiêu dùng lẫn hàng công nghiệp do dư thừa công xuất (sắt thép, xi măng). Với hàng nguyên liệu có lợi vì giá nhập khẩu rẻ hơn, còn lại đều bất lợi vì tấn công vào nền sản xuất trong nước. Trong ngắn hạn, nhập khẩu có lợi cho sản xuất vì giá rẻ, nhưng dài hạn Việt Nam không còn cơ hội phát triển một số lĩnh vực sản xuất cần thiết như nguyên liệu may mặc, phụ tùng ô tô, xe máy, máy móc công cụ…
Thứ hai, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam giảm do giảm tăng trưởng ở Trung Quốc. Xuất khẩu nông sản, quặng, có dấu hiệu chậm lại, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.
Tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm từ 3,9% xuống 3,7% năm 2018 do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đặc biệt, hiệu ứng này sẽ kéo sang năm 2019, nhưng mức độ sụt giảm không lớn.
Thứ ba, kinh tế Việt Nam bị tác động gián tiếp qua con đường tỷ giá và cả sự cho phép sử dụng CNY tại các tỉnh biên giới với Trung Quốc. Quan trọng hơn, xu hướng này sẽ làm trầm trọng thêm hai hướng đầu tiên. Với giá CNY rẻ hơn, đồng thời nhằm tránh thuế của Mỹ, một số nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam đặt may (quần áo, đồ da, dày dép…) rồi xuất về Trung Quốc (và cả đi Mỹ) khiến xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc (và cả nước khác) tăng nhanh, nhưng đồng thời khiến nhập khẩu vải và phụ liệu may và dày da tăng theo. Về dài, cơ hội phát triển ngành phụ liệu may không còn.
Thứ tư, sự gia tăng xuất, nhập khẩu do có sự dịch chuyển lớn dòng FDI của Trung Quốc và không phải của Trung Quốc, sang Việt Nam. Tuy nhiên, dòng FDI nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều hậu quả không tốt về lâu dài. Bởi dòng FDI này còn kéo theo cả nguy cơ di cư lớn từ Trung Quốc, gây vấn đề môi trường…
Thứ năm, Việt Nam có thêm đơn hàng từ Mỹ do các nhà nhập khẩu Mỹ phải tìm khách hàng khác ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là lợi thế tiềm năng, vì Việt Nam còn phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác.
Lo ngại tư nhân mất dư địa phát triển
Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung sẽ tác động mạnh và lâu dài đến nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, đó là sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào xuất khẩu và FDI đã lớn thì ngày càng lớn. Từ nay sự lệ thuộc có thể mang thêm yếu tố quốc gia là Trung Quốc. Nếu tính cả khoảng từ 20 đến 30 tỷ USD thương mại “ngoài sổ sách” (chênh lệch giữa con số của Việt Nam và Trung Quốc) thì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kể cả xuất khẩu chứ không chỉ nhập khẩu. Dòng vốn FDI từ Trung Quốc đang tăng rất nhanh, “ồ ạt” đổ vào Việt Nam. Dòng di cư từ Trung Quốc cũng sẽ tăng lên. Điều này được thể hiện ở mức đầu tư mua bất động sản của người Trung Quốc tăng vọt trong năm 2018 từ mức 4% năm 2017 lên 31% năm 2018.
Cùng với đó, lệ thuộc vào xuất khẩu và FDI càng lớn dẫn đến nhiều chính sách sẽ bị chi phối theo hướng phải ưu đãi nước ngoài hơn. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ ngày càng mất dư địa phát triển. Vấn đề an ninh kinh tế quốc gia theo hướng này không tốt về dài hạn.
Tỷ giá trong năm 2019 có sức ép tăng giá do dòng FDI vào tăng lên. Điều này không tốt cho xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Theo đó, nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng cao. Sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc có thể sẽ tăng trong thời gian tới.
Điều chỉnh chính sách tỷ giá và “sàng lọc” FDI
Về dài hạn, Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá theo hướng đặt gia quyền lớn hơn vào CNY trong rổ ngoại tệ tính tỷ giá. Dù tăng tỷ giá không có tác dụng giảm thâm hụt vì vấn đề cơ cấu, nhưng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp (cho xuất khẩu) là rất có ý nghĩa vì dân số trong nông nghiệp chiếm đa số, đồng thời đỡ thua lỗ cho các nhà xuất khẩu khác sang Trung Quốc khi Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đặc biệt, chúng ta cần xem lại chính sách cho dùng CNY tại Việt Nam. Vì chính sách này sẽ khuyến khích biên mậu, không thể kiểm soát được. Chính sách này có thể hữu ích trong giai đoạn đầu khuyến khích thương mại giữa hai nước, nay quy mô thương mại đã lớn, nên xem xét chấm dứt chính này này, thay vì mở rộng thêm.
Bên cạnh đó, cần lập hàng rào thuế (trong phạm vi cho phép) và phi quan thuế, đồng thời tăng cường chống buôn lậu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, chống thất thu thuế.
Ngoài ra, cần sàng lọc FDI từ Trung Quốc tránh bị lợi dụng, gây hại môi trường, triệt hạ sản xuất trong nước, có thể ưu tiên FDI sử dụng lao động, tài nguyên, nguyên liệu trong nước nhưng hạn chế huy động vốn trong nước.