Những vướng mắc về cơ chế, chính sách bị thay đổi đang khiến nhiều dự án tại khu kinh tế (KKT) Cầu Treo (Hà Tĩnh) trong quá trình thi công phải “bỏ của chạy lấy người”.
Cùng với cảnh đìu hiu tại KKT Cầu Treo những ngày này, các dự án có số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng như: nhà máy May Five Star Hà Tĩnh, Nhà máy sản xuất xe điện, lắp ráp điện, điện tử, Nhà máy sản xuất kính, khu thương mại dịch vụ tổng hợp… trong KCN Đại Kim được chấp thuận triển khai xây dựng quy mô hàng trăm ha đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Doanh nghiệp gặp khó vì chính sách
Bà Lê Thị Tám, đại diện cho Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Tám cho biết: “Những năm trước, khi còn được áp dụng miễn thuế đối với hàng xuất nhập khẩu, doanh nghiệp chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để lên đây buôn bán. Thế nhưng, từ năm 2014 đến nay, việc buôn bán đã trở nên ế ấm, hàng qua lại đều không còn tấp nập như ngày trước nữa. Hàng hóa qua cửa khẩu phải chịu thuế nên các thương lái cũng chuyển hướng đi nơi khác để giao dịch. Bây giờ, cơ sở hạ tầng mà chúng tôi đầu tư không biết bao giờ mới kéo được vốn lại nếu như tình trạng này kéo dài”.
Còn ông Ngô Dương Lễ - Giám đốc Công ty TNHH Lễ Oanh thì cho rằng, lý do KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không được sầm uất như trước nữa là do Chính phủ Lào cấm rừng trong những năm qua. “Vì cấm rừng nên việc buôn bán gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam qua cửa khẩu này gần như bị tê liệt hoàn toàn. Doanh nghiệp chúng tôi cũng bỏ ra chục tỷ đồng để thuê bến bãi, kho tập kết gỗ khu vực cửa khẩu nhưng giờ chỉ biết trông chờ vào chính sách thay đổi của 2 Chính phủ Việt Nam – Lào nữa thôi. Nếu không thì doanh nghiệp phá sản đồng loạt là tiên lượng xấu hiện nay” – ông Ngô Dương Lễ lo lắng
Rào cản bao giờ được tháo dỡ?
Theo phản ánh của các doanh nghiệp thì nguyên nhân chính khiến các dự án đầu tư tại đây rơi vào cảnh dở dang, bỏ hoang là do chính sách liên tục thay đổi. Cụ thể, từ năm 2014, khi Thông tư 109/2014/TT-BTC về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành thì một số mặt hàng khi xuất nhập qua KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bắt buộc phải đóng thuế và chính sách ưu đãi về hoàn thuế GTGT chính thức bị bãi bỏ. Đặc biệt, từ ngày 1/9/2016, khi Luật Thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã không còn được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu nữa…
Bên cạnh việc đồng hành với các doanh nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ kiên quyết thu hồi các dự án “treo” để chuyển giao cho nhà đầu tư mới có tiềm năng hơn.
Mặt khác, trước quy định tất cả dự án đầu tư được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư sau thời điểm này không còn được hưởng các chính sách ưu đãi tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3/2018 về việc bãi bỏ Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 cũng khiến công tác thu hút đầu tư vào KKT này gặp nhiều khó khăn hơn. Ngoài ra, hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu đồng bộ ở Hà Tĩnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc giao thương qua KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
Trước thực trạng này, ông Dương Tất Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tỉnh Hà Tĩnh đã kêu gọi đầu tư xây dựng QL 8A trở thành đường cao tốc, phát triển KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo theo hướng logistics. Bên cạnh việc đồng hành với các doanh nghiệp, tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ kiên quyết thu hồi các dự án “treo” để chuyển giao cho nhà đầu tư mới có tiềm năng hơn. Mặt khác, việc xúc tiến xây dựng đề án thí điểm thành lập khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Tĩnh -Bolykhamxay (Lào) với phương thức “Một khu vực, hai quốc gia, một chính sách” trong giai đoạn 2019 - 2020 cũng đang được đốc thúc triển khai.