Trong ngày xét xử thứ hai, phiên tòa phúc thẩm vụ “buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất Miền Trung, HĐXX tập trung xét hỏi Căn cứ khởi tố vụ án.
Nhập lậu hay xuất lậu?
Trả lời HĐXX, ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng, đại diện ủy quyền Cục trưởng điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan cho biết ông không nhớ nội dung kháng cáo vì mới được giao tiếp cận vụ việc, ông đề nghị HĐXX xem nội dung kháng cáo đã có trong hồ sơ, nếu cần hỏi thêm thì hỏi công chức Hải quan cùng đi với mình.
HĐXX cho biết người được ủy quyền thì phải trả lời HĐXX khi cần hội ý thì hỏi thêm cán bộ của mình vì người được ủy quyền muốn ủy quyền cho người khác thì phải có sự đồng ý của người ủy quyền. Tuy nhiên, với mong muốn làm sáng tỏ vụ án, HĐXX chấp nhận cho các công chức Hải quan trực tiếp tham gia kiểm hóa lô hàng này trả lời làm rõ thêm các vấn đề.
Công chức Hải quan Phan Quang Minh, Đội kiểm soát Hải quan thuộc Hải quan TP Đà Nẵng-người tham gia kiểm hóa toàn bộ 22 container gỗ của Công ty Ngọc Hưng từ 6/1/2012-6/3/2012 cho HĐXX biết: Số gỗ của Công ty Ngọc Hưng có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo và được cửa khẩu cảng Cửa Việt tỉnh Quảng Trị kiểm hóa, thông quan xuất khẩu sang nước thứ 3. Trong quá trình vận chuyển đến cảng Tiên Sa- Đà Nẵng để xuất khẩu thì có 1 container đi lạc đường bị Công an quận Ngũ Hành Sơn bắt giữ, khám xét phát hiện 27 cục gỗ tròn tròn nghi để chế tác lư hương không có trong danh sách kê khai. Tiếp sau đó Tổng Cục Hải quan ra quyết định ngưng thông quan và kiểm tra toàn bộ 21 container còn lại. Quá trình kiểm tra thấy có hơn 21m3 nghi không phải là gỗ trắc.
HĐXX đề nghị đại diện Cục chống buôn lậu trình bày rõ hơn về căn cứ để khởi tố vụ án.
Đại diện Cục điều tra chống buôn lậu cho biết căn cứ để khởi tố vụ án là doanh nghiệp kê khai số lượng, chủng loại gỗ không đúng; căn cứ thứ hai là phía công ty cung cấp gỗ bên Lào không thừa nhận có bán gỗ cho Công ty Ngọc Hưng.
HĐXX đề nghị Cục chống buôn lậu cho biết thời điểm đó có doanh nghiệp có được xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ trắc, giáng hương không, hành vi của Công ty Ngọc Hưng là nhập lậu hay xuất lậu nếu đã cho là “lậu” thì vì sao đầu nào cũng có hồ sơ cho thông quan? Theo kết quả giám định 151 của Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật thì khối lượng lô gỗ chỉ có hơn 453m3, đây cũng là số liệu để cơ quan điều tra khởi tố vụ án này nhưng vì sao nhập hay xuất khẩu thì Công ty Ngọc Hưng kê khai đến 535,8 m3, kê khai cao hơn 82m3 thì phải chịu thuế cao hơn, như vậy Công ty Ngọc Hưng được lợi gì mà phải khai không đúng? Công văn số 1328/BCT-XNK ngày 08/02/2013 của Bộ Công Thương trả lời Tổng cục Hải quan về việc xuất khẩu gỗ Trắc và các loại gỗ khác có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào có nêu: “Doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất của Việt Nam”. Như vậy, có cần xem xét nguồn gốc lô hàng ngoài biên giới hay không? HĐXX hỏi thêm.
Sao hàng lậu mà vẫn thu thuế?
Đại diện Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị có mặt tại phiên toà cho biết: Công ty Ngọc Hưng đã thực hiện đúng thủ tục kinh doanh xuất nhập khẩu, mua bán hàng hoá quốc tế theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ và căn cứ vào Công văn số 1328/BCT-XNK ngày 08/02/2013 của Bộ Công Thương trả lời Tổng cục Hải quan về việc xuất khẩu gỗ Trắc và các loại gỗ khác có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào (mặt hàng gỗ Trắc nhập khẩu sau đó xuất khẩu không phải xin giấy phép, không có thuế xuất nhập khẩu, mặt hàng Nhà nước không cấm nhập khẩu và xuất khẩu), còn thuế GTGT nhập khẩu tiêu thụ trong nước 10%, nhưng xuất khẩu có thuế suất 0%.
Như vậy, khi nhập vào thì doanh nghiệp tạm nộp thuế GTGT nhưng khi xuất khẩu sang nước thứ 3 thì doanh nghiệp được hoàn thuế. Về kiểm tra Hải quan, tại thời điểm đó Công ty Ngọc Hưng được phân luồng Vàng (chỉ kiểm tra hồ sơ, miễn kiểm tra hàng), nhưng xuất khẩu thì phải kiểm hóa 5% trên tổng khối lượng lô hàng.
Trường hợp cụ thể Doanh nghiệp Ngọc Hưng đã nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu ngày 17/12/2011 số tiền là 3.246.503.317 đồng theo tờ khai nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033 ngày 17/12/2011 và chứng từ ghi số thuế phải thu số 2560/TBT ngày 17/12/2011 của cơ quan Hải quan tương ứng với khối lượng lô gỗ là 535,8m3.
Thế nhưng theo Cục chống buôn lậu thì Công ty Ngọc Hưng kê khai thiếu dẫn đến thiệt hại tiền thuế hơn 1,8 tỷ đồng vì khối lượng gỗ tính thuế tăng lên là 614 m3, trong khi đó căn cứ khởi tố vụ án thì xác định tổng khối lượng lô gỗ chỉ là 453,1m3, như vậy con số nào là đúng?
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin