Thông tin này ừa được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại buổi làm việc với báo chí về nội dung của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 là 19 ngày, khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 13/6 tới. Quốc hội dự kiến dành 7 ngày để thực hiện việc giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác.
Dự kiến nội dung kỳ họp có sự điều chỉnh.
Cụ thể, tại Kỳ họp sẽ bổ sung 4 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó cũng rút 3 dự án luật: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện.
Ngoài ra, rút Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018 để chuyển sang báo cáo tại kỳ họp thứ 8 cùng báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2019. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; UBTVQH báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn…
Ngoài ra, sẽ có nhiều báo cáo quan trọng khác gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu gồm: các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thuộc thẩm quyền của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, thực hiện kiểm toán Quỹ Bảo hiểm xã hội, kết quả kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2017.
Các báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công, về công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước, kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (theo Nghị quyết 60 của Quốc hội); kết quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2018…
Liên quan đến thảo luận về kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, cần xem xét đổi mới, có thể chỉ gửi báo cáo bổ sung của năm trước đến các đại biểu vì Quốc hội đã thảo luận rất kỹ tại kỳ cuối năm 2018. Tại kỳ họp này chỉ nên thảo luận vấn đề mới, vấn đề khác, từ đó rút ngắn thời gian thảo luận.
Không đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng đây là nội dung được đại biểu, cử tri quan tâm. Khoảng thời gian cuối năm cũng nhiều vấn đề xảy ra và việc này cũng được thực hiện mấy chục năm rồi.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, không phải vì mấy chục năm nay rồi thì cứ thế mãi mà cần đổi mới. Vấn đề bức xúc thì nhiều chứ không chỉ kinh tế xã hội, "lúc Quốc hội bàn về tình hình KT-XH năm 2018 thì đã đến tháng 11 rồi nên chỉ còn 1 tháng của năm trước là chưa bàn". - ông Hiển nói.
"Chúng ta bàn về năm 2019 hoặc 2020, bàn những giải pháp để thực hiện Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2019. Trong quá trình đó có thể cũng nói lại đà từ 2018. Khoá này có thể chưa thực hiện được nhưng những khoá sau chúng ta cũng nên chỉ gửi báo cáo thôi. Tôi cũng điều hành và nhiều ý kiến trùng nhau, vẫn thế thôi không có gì mới cả. Còn cần thiết Quốc hội thấy vấn đề gì nổi có thể mang ra bàn, thành một chuyên đề thảo luận về KT-XH, như thế là đổi mới” - ông Phùng Quốc Hiển nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh cái gì đổi mới được thì đổi mới. Báo cáo bổ sung KT-XH năm 2018 mà đến khi họp giữa năm 2019 còn thảo luận lại thì có vẻ không thực tế. Nếu Thường vụ Quốc hội đồng ý thì kỳ họp năm sau đổi mới, tập trung thảo luận từ đầu năm và bàn giải pháp cuối năm.