Kỳ vọng, hay áp lực mới với VAMC

Diendandoanhnghiep.vn Từ chỗ xuất hiện như một giải pháp “không còn lựa chọn” trong bối cảnh nợ xấu lên cao tới 17,2%, sau 10 năm hoạt động, VAMC đã góp phần xây nền cho thị trường mua bán nợ ở Việt Nam…

>>> Hết cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nợ xấu sẽ ra sao?

Cách đây hơn 15 năm, khi nền kinh tế vừa mới gia nhập WTO chưa lâu và thị trường vốn từ chỗ bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc đã dần lên đỉnh điểm bong bóng chứng khoán những năm 2007-2008, thị trường trước và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đã cảm nhận sức nóng mỗi ngày của lạm phát và nợ xấu. Thị trường mua bán nợ nói chung, khi đó chủ yếu là trái phiếu Chính phủ và một phần sơ khai trái phiếu doanh nghiệp chưa hề sôi động. Thị trường mua bán nợ tiêu chuẩn với các khoản nợ sơ cấp được mua đi bán lại tính theo tính chất cũng vẫn khá… đơn sơ, chưa kể thị trường mua bán nợ đặc thù (nợ xấu), vẫn quanh đi quẩn lại giữa hệ thống các AMC (công ty mua bán nợ) đa phần thuộc các ngân hàng mua bán với nhau. Chuyên gia Ngân hàng Lê Trọng Nhi, khi đó, thường xuyên nhắc đi nhắc lại trong các bài bình luận về ngân hàng, là: Cần sớm hình thành thị trường mua bán nợ. Và rồi, ngay giữa lúc suy thoái kinh tế hậu khủng hoảng, thị trường đã đón nhận trụ cột đầu tiên được ban hành, hình thành trong cấp bách, khi nợ xấu của hệ thống nhà băng lên tới 17,2% tổng dư nợ.

Với cơ sở vật chất và nhân lực hiện có, VAMC cũng đang bị hạn chế nhất định trong Tổ chức đấu giá đồng thời nhiều tài sản trong cùng một thời điểm;

Với cơ sở vật chất và nhân lực hiện có, VAMC cũng đang bị hạn chế nhất định trong mục tiêu đẩy mạnh hiệu quả tổ chức đấu giá đồng thời nhiều tài sản trong cùng một thời điểm. Ảnh minh họa: Trụ sở của VAMC

Tháng 5/2013, Chính phủ thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi tắt là VAMC) với nhiệm vụ mua lại số nợ xấu từ các tổ chức tín dụng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế. Việc lập VAMC khi đó, dù thế giới đã có tiền lệ và đã được tham cứu các mô hình, nhưng vẫn được nhiều chuyên gia gọi là giải pháp xử lý nợ xấu kiểu "tay không bắt giặc”. Không hiếm chuyên gia nói thẳng nghi ngại là nếu chỉ thông qua trái phiếu VAMC, không dùng “tiền tươi thóc thật”, thì tiến trình xử lý nợ xấu của Việt Nam sẽ không biết bao giờ mới kết thúc.

Trái phiếu VAMC ban đầu, vì vậy, cũng được ví von là “thư giới thiệu” cầm đến NHNN để vay nợ trong 5 năm theo tỷ lệ chiết khấu quy định, trong khi đó các khoản nợ được dồn  đẩy qua VAMC, ra khỏi bảng cân đối kế toán của các NHTM, vào “kho” mới, cũng được nghi ngờ chỉ là một "thủ thuật kế toán" hay là “sự trì hoãn” nhưng không xử lý thực chất.

>>> NHNN: Phát triển VAMC thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu

Cơ chế hoạt động của VAMC, không dùng tiền ngân sách mua lại nợ xấu mà sẽ mua 100% nợ giá trị trên sổ sách của ngân hàng thông qua hình thức phát hành trái phiếu trong thời hạn 5 năm, lãi suất 0%, cũng bị đặt câu hỏi “vì sao mua nợ một cục”; và nếu các nhà băng bán nợ mỗi năm sẽ phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu; các ngân hàng sẽ dùng loại giấy tờ có giá này để thế chấp vay NHNN qua hình thức tái chiết khấu với 40% giá trị trái phiếu, thì phải chăng cũng có nghĩa NHNN vẫn phải “bơm tiền” cho các ngân hàng xử lý nợ?.v.v

Bất chấp mọi câu hỏi, mọi nghi ngờ, mọi băn khoăn, VAMC, ban đầu vốn điều lệ 500 tỷ đồng (khoảng 0,5%) tổng nợ xấu, vẫn đã ra đời. Về sau, vốn điều lệ của VAMC được tăng lên 2.000 tỷ đồng và đến năm 2021, được xác định vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, với hành trình phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, đã dần khẳng định vai trò của một doanh nghiệp đặc thù, cần thiết, trong quá trình xử lý nợ xấu. Và “chìa khóa” của VAMC thực tế trong chính xác gần 10 năm qua, đã góp phần xử lý nợ thành công, là không chỉ dựa vào nguồn vốn để mua nợ mà là cơ chế xử lý tài sản sau khi mua nợ xấu.

Tất nhiên, để có được hiệu quả cơ chế đó, phải kể đến sự ra đời của Nghị quyết 42 năm 2017, theo đó thì thị trường mua bán nợ mới có một bước tiến tới.

Đại diện VAMC cho biết “từ năm 2017 đến nay, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 270.000 tỷ đồng, trong đó, thu hồi trực tiếp từ khách hàng hoặc thông qua biện pháp bán nợ, bán tài sản đảm bảo, đạt khoảng 125.200 tỷ đồng (trong con số 270.000 tỷ đồng xử lý rủi ro bao gồm cả số các tổ chức tín dụng thực hiện trích lập, mua lại trước hạn đối với trái phiếu đặc biệt từ VAMC).

Về kết quả cơ cấu lại nợ, số tiền miễn, giảm lãi từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, VAMC cũng phối hợp với tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi khoảng 4.031 tỷ đồng, gấp đến 4,2 lần so với giai đoạn 2013-2016. 

Liên quan đến hoạt động đấu giá, sau khi được quy định cho phép từ 2018 đến nay, VAMC tổ chức đấu giá nhiều tài sản đảm bảo và nhiều khoản nợ với tổng giá trị lũy kế đạt trên 2.500 tỷ đồng.

Năm 2021, cùng với Quyết định 952 của NHNN phê duyệt điều lệ và tổ chức hoạt động của VAMC, Công ty đã thành lập sàn giao dịch nợ. Đến nay, con số nợ xấu đang niêm yết ở trên sàn giao dịch nợ của VAMC đạt trên 30.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng trong việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Một số các cột mốc của VAMC, như chính lãnh đạo công ty nhận định, còn khiêm tốn, nhưng cơ bản đã cho thấy những bước đi giá trị của một tổ chức mà ngay khi ra đời chính các chuyên gia cũng còn phải tranh luận, thảo luận, bất đồng quan điểm về cách thức vận hành, hoạt động và hiệu quả xử lý nợ thực tế. Hơn thế, bước đi từ phát hành trái phiếu đặc biệt gom nợ xấu, tiến hành phân loại nợ đã mua để có giải pháp hợp lý cho việc xử lý theo các nhóm nợ xấu; Đồng thời, tích cực hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu, miễn giảm lãi vay cho khách hàng; đến chỗ mua nợ xấu theo giá thị trường, phân loại, xử lý nợ đã mua theo hình thức trái phiếu đặc biệt, có thể thấy VAMC đã có bước chuyển đổi vai trò đáng kể, từ chỗ là “nhà kho” nợ xấu trở thành tổ chức chủ động “cầm trịch”, đứng ra tạo lập thị trường mua bán nợ. Tại Đề án “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò của VAMC trong giai đoạn mới. VAMC ngày nay, đã và đang trở thành “vũ khí” sắc bén để thị trường mua bán nợ thực sự sang trang.

Dù vậy, kỳ vọng trách nhiệm càng cao, áp lực của VMAC ở giai đoạn mới càng lớn. Theo đề án, VAMC sẽ được bổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động cũng như cấp bổ sung vốn điều lệ  đạt mức 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025 nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng cường vai trò, hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC.

Chúng ta nhớ trong giai đoạn cũ, VAMC đóng quan trọng trong việc làm sạch tạm thời bảng cân đối kế toán đối với các ngân hàng; qua đó, thiết lập trở lại quan hệ tín dụng sau một thời gian dài bị ngưng trệ. Nhưng trong giai đoạn mới, mục tiêu có VAMC chắc hẳn không chỉ để khơi thông quan hệ tín dụng bởi quan hệ này trên thị trường nay cũng đã khác. Thị trường vốn với thị trường mua bán nợ tiêu chuẩn cũng đã quy mô lớn hơn, phát triển hơn, có nhiều đóng góp và đảm đương vai trò kênh dẫn vốn cho nền kinh tế khác hơn. Trong khi đó, Nghị quyết 42 theo quyết định mới sẽ được kéo dài chỉ từ nay đến hết 2023, và pháp lý để xử lý nợ xấu sẽ hướng đến Luật hóa.

Vậy, vai trò của VAMC giai đoạn “Luật hóa xử lý nợ xấu” (mà chúng ta cũng chưa biết sẽ Luật hóa cụ thể như thế nào, giải quyết các khúc mắc thậm chí vướng, chồng chéo với các quy định/ Luật khác khiến thị trường mua bán nợ chưa thể được "rộng tay" phát triển tới đâu), theo định hướng là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, sẽ hoạt động ra sao để vừa thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu hoàn toàn theo cơ chế thị trường, vừa thu hút được mọi nguồn vốn trong xã hội cùng tham gia quá trình ấy?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ vọng, hay áp lực mới với VAMC tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714054450 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714054450 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10