Hoàn thiện các dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hóa, đây là cách mà tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai thu hút khách du lịch trong tuần lễ vàng lần thứ 2.
>>Phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc
Khai thác sản phẩm văn hoá trong du lịch, là những điều kiện đặc trưng cho việc phát triển du lịch của địa phương. Và tỉnh Lâm Đồng đang làm được điều đó cùng sự đa dạng về sản phẩm du lịch, đặc biệt là sử dụng vào mùa cao điểm sắp tới.
Với chủ đề “Lâm Đồng - Cao nguyên hùng vĩ”, Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 2 năm 2023 diễn ra từ 27/4 đến ngày 3/5 hứa hẹn nhiều chương trình du lịch trải nghiệm, ẩm thực, nghệ thuật hấp dẫn. Sự kiện diễn ra trên toàn bộ 12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng.
Xuyên suốt sự kiện diễn ra có 20 chương trình được phê duyệt, trong đó có đến 13 chương trình du lịch trải nghiệm văn hoá và ẩm thực. Văn hoá và ẩm thực đang được đưa vào khai thác tối đa, các nét văn hoá, phong tục tập quán của người bản địa được khai thác có hiệu quả và chú trọng nâng tầm.
Lễ cưới của người K’Ho, Lễ hội mừng lúa chín là một trong nhiều sản phẩm văn hoá dịch vụ du lịch độc đáo đang được chính quyền huyện Lâm Hà tái hiện. Đây chỉ một trong nhiều nét văn hoá, phong tục độc đáo của người dân bản địa ở tỉnh Lâm Đồng được khai thác.
Ngoài ra, 12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng sẽ đưa vào khai thác làng du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Có thể nói Lâm Đồng đang tập trung tối nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đang có để hút du khách.
Theo các chuyên gia quản lý về du lịch, đây là biện pháp kích cầu rất tốt cho du lịch Lâm Đồng trở lại thời hoàng kim trước năm 2020. Đồng thời cũng giúp các huyện, thành phố tạo được tiếng vang trong phát triển du lịch ở tương lại.
Không gian văn hoá cồng chiêng đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cũng sẽ được tỉnh Lâm Đồng cho trình diễn ở thành phố Đà Lạt. Hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa còn giúp du khách hiểu thêm về vùng đất mình đến, không chỉ đơn thuần là nghỉ dưỡng hay check-in.
Văn hóa là một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với du lịch, là một trong những những yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách. Văn hóa thực sự là nội lực bên trong của phát triển kinh tế, chính vì thế yêu cầu thúc đẩy loại hình du lịch văn hóa là vấn đề cần được quan tâm… Truyền thống văn hóa lâu đời, bề dày lịch sử sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung cho Lâm Đồng.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ - Viện Nghiên cứu sức khoẻ và Phát triển giáo dục Tây Nguyên nhận định: “Hoạt động du lịch góp phần giới thiệu giá trị nền văn hóa độc đáo của Việt Nam mấy nghìn năm văn hiến thông qua xúc tiến, tổ chức tạo sản phẩm liên quan đến múa hát, kịch, phim ảnh,… phục vụ khách và tổ chức các chương trình du lịch tại địa phương,... Hơn nữa, sử dụng chuyển đổi kỹ thuật số trên nền tảng cơ sở dữ liệu thực tiễn giúp gắn kết hoạt động du lịch và quảng bá văn hoá sẻ mang lại tính bền vững cao”.
Ở góc nhìn của người làm du lịch chuyên nghiệp, ông Lê Chí Nguyện – Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Tây Nguyên Xanh cho hay: “Khai thác văn hoá cần phải giữ được nét độc đáo, tự nhiên vốn có; tránh bị biến tướng, sai lệch dẫn đến nhận thức của du khách cũng bị lệch theo. Khai thác sản phẩm văn hoá trong kinh doanh du lịch cần phải có quy hoạch, không nên để bị kìm hãm bởi một người hoặc nhóm người. Nhất là trong biểu diễn tái hiện phong tục tập quán, đang đi chệch hướng, cần phải điều chỉnh quy hoạch lại có sự điều tiết giám sát của cơ quan quản lý nhà nước”.
Mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa luôn luôn là sự gắn kết vô cùng chặt chẽ. Do vậy văn hoá cần được khai thác một cách nghiêm túc, thận trọng tránh bị tác động của du lịch làm biến tướng méo mó văn hoá. Lâm Đồng đã hiện thực hoá được sản phẩm văn hoá phục vụ du lịch và trở thành một đầu tàu trong khu vực Tây Nguyên kinh doanh văn hoá.
Có thể bạn quan tâm