Làm gì để thu hút khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào ngành nước?

NHÓM PHÓNG VIÊN 22/04/2021 14:59

Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam đặt vấn đề phải làm sao để thu hút được khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào ngành nước.

Phát biểu tại Toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức chiều 22/4, ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam đặt vấn đề phải làm sao để thu hút được khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào ngành nước. 

ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam

Ông Huân đưa ra một số chỉ số về thực trạng chung ngành nước Việt Nam: Tổng công suất cấp nước đô thị 10,9 triệu m3/ngày; Tỷ lệ thất thoát nước sạch khoảng 18,5%; Tỷ lệ cung cấp nước sạch tập trung khu vực đô thị đạt 89-90% còn vùng nông thôn là khoảng 88%; Tổng công suất xử lý nước thải là hơn 1.181.380 m3/ngày, ~ tỷ lệ xử lý 14% trên tổng lượng nước thải 8 tỉ m3/năm; Người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 88,5%...

Sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng cao, trong khi năng suất nước tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 12% so với chuẩn thể giới.

Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn chỉ đạt 75%.

“Đây là cơ hội lớn cũng như dư địa lớn cho việc tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cấp nước. Các chính sách chủ trương của Nhà nước cũng đã được đưa ra để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư vào ngành nước” – ông Huân nói.

Kể từ 2005, các công ty cấp nước đô thị đã được cổ phần hóa. Hiện chỉ còn 10 trên 111 công ty chưa được cổ phần hóa (9%), bao gồm cả các công ty tại Hà Nội và TP.HCM (theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, 2018). Ngoài ra, có khoảng 100 công ty tư nhân đã được huy động vốn tại khu vực dô thị tại 63 tỉnh/thành, và hàng trăm công ty tư nhân đầu tư vào cung cấp nước sạch khu vực nông thôn.

Về doanh nghiệp tư nhân ngành nước, theo ông Huân vẫn còn một số điềm lưu ý:

Về vốn, ông Huân cho biết đến thời điểm hiện nay có nhiều công ty tư nhân có nguồn vốn lớn.

Về kỹ năng quản lý, các công ty công ích nhà nước quản lý bài bản hơn so với các công ty tư nhân.

Về môi trường cạnh tranh có các cơ sở pháp lý giữa Nhà nước và tư nhân khá bình đăng. Tuy nhiên, giữa các công ty tư nhân với nhau lại chưa có sự cạnh tranh bình đẳng.

Về tầm nhìn, nếu doanh nghiệp tư nhân nào đặt lợi nhuận trước mắt thì sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện và điều này phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của người lãnh đạo của doanh nghiệp...

Theo ông Huân, vẫn còn khá nhiều những vướng mắc cần tháo gỡ như: chính sách không đồng bộ, thiếu ổn định; Thực hiện luật và chính sách không triệt để; Không có chế tài xử lý các hành vi sai trái; Không có quy hoạch chi tiết và tuân thủ quy hoạch; Cơ chế kiểm tra giám sát định kỳ; Cơ chế thông tin minh bạch mời gọi đầu tư; Nguồn nước và bảo vệ nguồn nước; các doanh nghiệp tư nhân tự do cạnh tranh không lành mạnh trên một khu vực hẹp; Khó khăn tiếp cận vốn;tiếp cận công nghệ mới

Về định hướng phát triển bền vững theo ông Huân có một số lưu ý về chính sách giá, cơ chế ưu tiên công nghệ mới, tiêu chuẩn nước sạch sau xử lý và cuối nguồn, hướng dẫn công nghệ phù hợp với đặc thù từng địa phương, minh bạch thông tin để xoá cơ chế xin cho….

Về tiến bộ kỹ thuật trong ngành nước Việt Nam, hiện ngành nước Việt Nam chủ yếu dựa vào các công nghệ xử lý nước và phân phối nước truyền thống và đã được chứng minh.

Ông Huân cho biết, lợi thế chính từ công nghệ truyền thống đó là sự đơn giản về kỹ thuật đòi hỏi chi phí đầu tư thấp, dễ dàng thực hiện công tác vận hành và bảo trì (O&M) và có độ tin cậy trong vận hành; Giải pháp cơ bản mang tính tiêu chuẩn có lợi trong việc tối ưu hóa trong triển khai nhân rộng; Tỷ lệ nội địa hóa cao về nguyên vật liệu và trong công tác xây dựng có khả năng ứng dụng mang lại lợi ích cho nền kinh tế quốc dân và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân Việt Nam; Có thể dễ dàng mua các thiết bị nhập khẩu chuyên dụng như thiết bị điều khiển và máy bơm đặc biệt từ các nhà sản xuất quốc tế có uy tín đã có đại diện và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; Việc cấp nước không quá phức tạp miễn là có đủ nguồn nước thô ổn định với chất lượng phù hợp.

“Chỉ khi hoặc tại địa điểm nhất định, nguồn nước thô có vấn đề, mới cần đến các công nghệ xử lý nước tiên tiến tốn kém hơn” – ông Huân nhấn mạnh.

T

Toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức chiều 22/4. 

Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Quang Huân đã đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, công bố thông tin minh bạch về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương, cần hệ thống cơ sở dữ liệu cởi mở cho mọi nhà đầu tư và người dân có thể truy cập.

Thứ hai, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nước thải.

Thứ ba, cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư công khai, bình đẳng và minh bạch để tìm đúng nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kỹ thuật và quản lý, tránh tình trạng mua bán dự án lòng vòng.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện chính sách cổ phần hóa các công ty cấp thoát nước mà Nhà nước không cần nắm chi phối cổ phần.

Thứ năm, cơ chế kiểm tra kiểm soát độc lập, thường xuyên để đảm bảo tất cả các doanh nghiệp cấp thoát nước hoạt động bình đẳng, tuân thủ pháp luật, thực hiện cam kết với người dân và xã hội, đồng thời nêu cao đạo đức kinh doanh để hệ thống phát triển bền vững và người dân được sử dụng nước an toàn.

“Để tư nhân yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước sạch đô thị, các địa phương phải duy trì tính ổn định quy hoạch để không phá vỡ thị trường nước, nhà đầu tư đã trúng thầu, đầu tư nhà máy nước thì phải bảo đảm quyền kinh doanh nước của họ” – ông Huân nói.

Có thể bạn quan tâm

  • [TRỰC TIẾP] Tọa đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức"

    13:41, 22/04/2021

  • [TRỰC TUYẾN] Toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức”

    14:00, 22/04/2021

  • Xã hội hóa đầu tư ngành nước

    07:15, 22/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm gì để thu hút khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào ngành nước?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO