Làm rõ điều kiện đưa người dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 

NGUYỄN VIỆT 10/03/2022 15:39

Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, đây không phải biện pháp xử lý hành chính, nên quyền, lợi ích hợp pháp phải được đảm bảo.

>>Làm rõ điều kiện đưa người dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 

Ngày 10/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 11) là quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo quy định tại khoản 4 Điều 33, thẩm quyền quyết định đưa đối tượng trên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện xem xét, quyết định.

Nghị định chưa quy định đầy đủ

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể nên theo thẩm quyền, sáng 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Dự thảo sẽ được xem xét thông qua ngay trong phiên họp thứ 9 này.

Về nội dung cụ thể, trình bày báo cáo, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, vẫn còn quan điểm khác nhau về quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong Nghị định số 116/2021/NĐ-CP là vượt quá thẩm quyền, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp, đây là những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người và cần phải được quy định bởi luật.

Hơn nữa, Nghị định số 116 quy định điều kiện áp dụng cho cả đối tượng là người trên 18 tuổi, chưa phù hợp với đối tượng là người dưới 18 tuổi.

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du.

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du.

Do vậy, Pháp lệnh cần quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại bảo đảm việc áp dụng pháp luật kịp thời, thống nhất trong thực tiễn.

Còn theo quan điểm thứ hai, nội dung trên đã được quy định tại Điều 57 và Điều 58 Nghị định số 116 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Dự thảo Pháp lệnh không cần quy định lại vấn đề này, chỉ cần dẫn chiếu đến Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến của UB Tư pháp và ý kiến của các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành loại ý kiến thứ nhất của TANDTC. Bởi vì, Nghị định số 116 năm 2021 của Chính phủ chưa quy định đầy đủ, bao quát được hết các trường hợp cần thiết phải hoãn, miễn, tạm đình chỉ cho người phải chấp hành cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Nếu không quy định trong dự thảo Pháp lệnh thì thiếu căn cứ pháp lý để áp dụng, thi hành.

“Mặt khác, việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp với thẩm quyền của UBTVQH. Do đó, dự thảo Pháp lệnh này cần quy định các trường hợp được hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành để bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của đối tượng áp dụng”, bà Lê Thị Nga nói.

>>Điều kiện hoạt động cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện

Cần lắng nghe ý kiến các bên

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với loại ý kiến cho rằng Pháp lệnh phải quy định. Bởi hiệu lực của Nghị định không bằng Pháp lệnh. Hơn nữa, Nghị định 116 của Chính phủ dù mới ban hành nhưng chưa đầy đủ, chưa bao quát. Ví dụ như trường hợp người chưa đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời gian hoãn mà bị toà phạt tù không cho hưởng án treo...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

“Nghị định dù mới ra cũng phải sửa lại nếu không phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh “càng không thể quy định ở Thông tư như có ý kiến đề cập, vì Thông tư làm sao đề cập được về trình tự, thủ tục”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng quan điểm về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, song cho rằng đánh giá tác động còn thiếu, vì “mới nhìn thấy điều tích cực mà chưa thấy tác động tiêu cực” khi đối tượng đưa đi cai nghiện bắt buộc là trẻ em, thiếu niên.

Do đó, cần nghiên cứu đánh giá tác động đầy đủ để có biện pháp, nhất là sự huy động chuyên gia giáo dục, y tế, tâm lý học rồi nhà trường, tổ chức chính trị xã hội đối với công tác này.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề “chúng ta mới chú ý số con nhà giàu chơi bời lêu lổng, còn đối tượng lang thang cơ nhỡ, con em người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam có thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh này không?”

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về điều kiện đảm bảo các quyền của trẻ em như học hành, vui chơi giải trí, tín ngưỡng... tại các trung tâm vì một trong những quan điểm chỉ đạo khi xây dựng dự thảo là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị quan tâm đầu tư kịp thời hơn cho các trung tâm vì thực tế rất khó đảm bảo thực hiện, nhất là việc học của các em.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo được xem xét thông qua bằng hình thức thủ tục rút gọn, tuy nhiên cần lắng nghe ý kiến các bên để đánh giá tác động của chính sách kỹ hơn, từ khối lượng công việc của toà cấp huyện, vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách, đầu tư....

“Pháp lệnh ra đời thì số lượng người vào trung tâm cai nghiện bắt buộc có tăng hơn không? Cơ sở vật chất thế nào, dự kiến nguồn lực bao nhiêu, cái gì có và chưa có? Rồi bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo là thế nào, ai chứng nhận? Ta không nên bỏ qua vấn đề này. Do đó khi biểu quyết thông qua phải báo cáo tiếp thu giải trình rất rõ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề và nhấn mạnh quy trình, thủ tục là hình thức nhưng thực tế hình thức và nội dung luôn có mối quan hệ mật thiết nên phải quan tâm.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội nhận được nhiều kiến nghị về “thổi” giá đất

    11:19, 10/03/2022

  • Nữ đại biểu Quốc hội: Thể hiện trí tuệ, bản lĩnh với các vấn đề quan trọng của đất nước

    19:28, 08/03/2022

  • Chủ tịch Quốc hội: Khâm phục kỳ tích của các “cô gái vàng” bóng đá Việt Nam

    15:37, 08/03/2022

  • Đảng đoàn Quốc hội triển khai kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

    16:54, 04/03/2022

  • Chuyên gia của lãnh đạo, cơ quan của Quốc hội phải đáp ứng tiêu chuẩn nào?

    13:15, 23/02/2022

  • Chủ tịch Quốc hội: Hoạt động HĐND vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân

    16:16, 21/02/2022

  • Tăng cường giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND

    18:52, 19/02/2022

  • Chủ tịch Quốc hội: Lan tỏa năng lượng tích cực từ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam

    18:25, 11/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm rõ điều kiện đưa người dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO