Lập quỹ phát triển hạ tầng, lấy đầu tư công “dắt” đầu tư tư nhân

Diendandoanhnghiep.vn Lập quỹ phát triển hạ tầng giao thông với lãi suất ưu đãi, thu hút nhà đầu tư tư nhân sẽ là một trong những giải pháp để thực thi "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân".

>>> Đầu tư công phải đi trước

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày về báo cáo thẩm tra dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày về báo cáo thẩm tra dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông. Ảnh: quochoi.vn

Vướng mắc của các dự án hạ tầng

Trong chương trình làm việc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo thẩm tra dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo, Ủy ban Kinh tế  Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải đầu tư dự án, đồng thời có một số góp ý, trong có hình thức đầu tư của dự án.

Được biết theo Tờ trình của Chính phủ, khó khăn vướng mắc chính của các dự án đường bộ cao tốc là tổng mức đầu tư lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và không hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng do nguồn thu kéo dài, nhỏ giọt kém hiệu quả; vì vậy các nhà đầu tư cũng gặp khó khăn tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng.

Trước đó, trong tháng 9/2021, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (đơn vị cùng các nhà đầu tư liên doanh thực hiện hiện BOT Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 ) đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc huy động vốn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông. Theo đó, doanh nghiệp này cho biết đang gặp khó khăn về huy động vốn để thực hiện các dự án giao thông và kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan của Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Đó là một ví dụ cho thấy sự "rầm rộ" của các dự án nhưng vẫn xảy ra việc khó thu hút vốn đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Chính phủ ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỉ đồng.

Vấn đề về chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hiện tại đã có pháp luật đầu tư, tuy nhiên nhiều hệ quả của các dự án đầu tư BOT trước đây đến nay vẫn “lụy” vào các ngân hàng, đôi bên chưa xử lý được dứt điểm. Hơn 50 dự án BOT với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ có đòn bẩy tín dụng theo một thống kê từ phía ngân hàng, đang có nguy cơ gia tăng rủi ro nợ xấu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân nên cần tiếp tục quán triệt chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, tiếp tục đẩy mạnh huy động đầu tư tư nhân.

Vì vậy, Chính phủ cần xem xét, rà soát các khó khăn, vướng mắc của dự án để có cơ chế phù hợp, tiếp tục thực hiện thành công chủ trương này. Trong đó có cân nhắc xây dựng cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư công để hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với lãi suất ưu đãi, để nhà đầu tư tư nhân tiếp cận tham gia đầu tư dự án.

Đây có thể xem là một trong những hướng tạo giải pháp tháo gỡ nút thắt về khả năng tiếp cận vốn tín dụng từ các dự án, trong khi thị trường vốn cũng còn hạn chế. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài Nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch. Chính phủ cũng cần rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế hiện nay đối với loại hình đầu tư theo phương thức PPP để tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông khác theo phương thức đầu tư này, bảo đảm thực hiện thành công chủ trương thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng.

Quỹ đầu tư hạ tầng – hướng huy động vốn hạ tầng dài hạn

Trên thực tế, không phải đến bây giờ ý tưởng về thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông như khuyến nghị của Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu, mới được đặt ra. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia đang khát vốn đầu tư hạ tầng, cần có nguồn lực để thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng cơ sở và sẽ chỉ hoàn thiện nếu có đủ nguồn lực tới 2040. Nhiều chuyên gia đều cho rằng Việt Nam cần một định chế tài chính vững mạnh theo mô hình quỹ đầu tư trên thế giới để trực tiếp rót vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng.

Dự án cao tốc Bắc Nam với 12 dự án thành phần được Quốc hội đồng ý về chủ trương đầu tư, nhưng vẫn cần được thúc đẩy các cơ chế huy động vốn

Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông với 12 dự án thành phần được Quốc hội đồng ý về chủ trương đầu tư, nhưng vẫn cần được thúc đẩy các cơ chế huy động vốn

TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia Kinh tế đã nêu quan điểm trong nhiều bài viết dành cho Diễn đàn Doanh nghiệp là, trong bối cảnh chung và khó khăn, sự lệ thuộc đòn bẩy tín dụng ngân hàng, lấy “mỡ ngân hàng rán nó” của các dự án giao thông theo hình thức BOT lộ rõ, thì việc giải bài toán vốn ổn định, hiệu quả, chủ động, cần xác định không thể chỉ dựa vào riêng nguồn lực đầu tư công; bởi nếu chỉ “một mình một chợ” đầu tư cho mọi công trình quốc gia, nhất là khi nợ công đã quá cao và Chính phủ sẽ phải “căn ke” từng đồng vốn vay thì quá khó.

Bên cạnh đó, cũng cần nhận thấy là nguồn vốn ODA cho hạ tầng cũng ngày càng eo hẹp. Một xu thế gần đây là vốn tài trợ viện trợ giá rẻ, không hoàn lại trên thế giới dành cho các nước đủ điều kiện tiếp cận, đã dịch chuyển và quan tâm hơn đến các dự án có tính đóng góp chống biến đổi khí hậu, các dự án kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

Do đó, cơ hội tài trợ vốn cho khu vực dự án hạ tầng cũng trở nên bớt hấp dẫn với các nhà đầu tư.

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng việc lập quỹ hạ tầng theo đó không chỉ giải những nút thắt, những áp lực nặng gánh cho đầu tư công, còn xóa bỏ vấn đề lợi ích nhóm, xóa đổi đất lấy hạ tầng giá rẻ (mà thực tế đợt đấu giá đất Thủ Thiêm với kỷ lục 2,4 tỷ đồng/ m2 vừa qua đã phần nào cho thấy con đường thất thoát đất vàng qua BOT trước đây-PV), còn có thể tăng sức hút đầu tư để tăng hiệu quả ICOR.

Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng trước hết cần 1 nguồn vốn Nhà nước để đảm bảo nguyên tắc đối tác công tư – không để tư nhân “thao túng”. Quỹ có thể thu hút thêm các đối tác, cổ đông tư nhân tham gia sáng lập với tỷ lệ không chi phối. Cơ chế thu hút vốn của quỹ là phát hành trái phiếu công trình, đưa trái phiếu lên sàn giao dịch trái phiếu trong nước và thâm chí là chứng khoán hóa sản phẩm gốc để phái sinh cho các lớp đầu tư cá nhân, tổ chức gián tiếp. Với cách sở hữu trái phiếu, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể tham gia rót vốn vào quỹ. Ngoài ra, vốn nhàn rỗi trong xã hội cũng có thể tham gia với lợi tức trái phiếu cao hơn lợi tức trái phiếu Chính phủ và lãi suất ngân hàng”, ông Hiển nói.

Với sự “bật đèn xanh” của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội và lợi ích rõ ràng, cũng là xu thế chung của quốc tế, quỹ đầu tư phát triển hạ tầng vì vậy rất cần sớm được nghiên cứu, thành lập, càng sớm để càng tận dụng được thời cơ hỗ trợ thực sự cho lan tỏa hiệu ứng đầu tư công đến tư nhân, khi đầu tư công sẽ là một trong những mũi trọng tâm của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm nay và 2023.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Lập quỹ phát triển hạ tầng, lấy đầu tư công “dắt” đầu tư tư nhân tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714066306 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714066306 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10