Chống tham nhũng là một vấn đề phức tạp đòi hỏi nhiều chủ thể cùng hành động
Các khuyến nghị mà VCCI và nhóm nghiên cứu đề xuất sẽ tập trung vào việc tạo điều kiện cho các nỗ lực tập thể của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ để tạo ra những thay đổi cơ bản về thực tiễn kinh doanh.
Đẩy mạnh hợp tác giữa DN và Chính phủ
Khuyến nghị cơ bản là cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ cần thiết xây dựng một kế hoạch hành động tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cho giai đoạn tới nhằm đóng góp hiện thực hóa Nghị quyết số 126 ngày 29/11/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
Kế hoạch hành động này đề xuất sẽ do Thanh Tra Chính phủ và VCCI chủ trì xây dựng phối hợp cùng với các bên liên quan theo chỉ đạo của Phó Thủ Tướng Chính phủ tại kết luận thông báo số 22/TB-VPCP ngày 12/1/2018. Đồng thời việc xây dựng tài liệu chiến lược và chương trình hành động cần xây dựng một khuôn khổ, mạng lưới và cơ cấu để triển khai các chính sách này. Kết quả đạt được và các bài học thành công sẽ được chia sẻ để áp dụng rộng rãi.
Việc phê duyệt chính thức và có sự tham gia của Chính phủ vào Sáng kiến Tăng cường hợp tác giữa Doanh nghiệp và Chính phủ trong tương lai (GBII) là hết sức quan trọng để từ đó gửi đến cộng đồng doanh nghiệp một thông điệp về sự cam kết đồng hành của chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hành liêm chính trong kinh doanh. Việc tạo dựng một niềm tin hay sự tin tưởng sẽ là điều cốt yếu trong quá trình huy động nỗ lực tập thể này.
Có thể bạn quan tâm |
Khuyến nghị từ GBII
Trong bối cảnh đó, GBII sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Hỗ trợ phổ biến, tuyên truyền quy định pháp luật của nhà nước, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực thi các quy định điều kiện cho kinh doanh liêm chính.
Thứ nhất, tham vấn về môi trường pháp lý, tham mưu Chính phủ về tính hiệu quả trong thực thi Luật phòng, chống tham nhũng và các hình thức khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực kinh doanh; Đưa các quy chuẩn về quản trị doanh nghiệp thành các quy định bắt buộc trong Luật phòng, chống tham nhũng như đang được đề xuất sửa đổi; Khuyến nghị áp dụng tại Việt Nam các tiêu chuẩn tự nguyện như ISO 37001: 2016, Tiêu chuẩn về Hệ thống Quản lý chống hối lộ...
Thứ hai, xây dựng dự án, đo lường kết quả, thiết lập một hệ thống đo lường và theo dõi các sáng kiến chống tham nhũng nhằm đánh giá tính hiệu quả và hỗ trợ thiết kế dự án và thực hiện trong tương lai. Hỗ trợ thiết kế, tài trợ và thực hiện các dự án cụ thể ở một số ngành nhằm khuyến khích các hành vi đạo đức , ví dự như: Xây dựng các sáng kiến chính phủ - doanh nghiệp để khuyến khích đấu thầu minh bạch, giảm chi phí không chính thức và giảm giao dịch bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Các chương trình này có thể bao gồm danh sách trắng, tuyên dương khen thưởng và các biện pháp khác.
Xây dựng các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp quy mô vừa dựa trên phân tích số liệu về Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số khác.Tiến hành đánh giá, khảo sát ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về mua sắm công, thực hiện thủ tục hải quan, thuế và các lĩnh vực khác có rủi ro đến tham nhũng.
Nghiên cứu, đề xuất thành lập bộ phận điều phối bao gồm đại diện chính phủ, doanh nghiệp, VCCI và các tổ chức xã hội để đánh giá việc thực hiện và hiệu quả thực thi Luật phòng chống tham nhũng. Bộ phận này sẽ lập báo cáo 6 tháng một lần trong suốt thời gian 3 năm thực hiện GBII.
Thứ ba, xây dựng chương trình đào tạo, cấp chứng nhận và các hoạt động xây dựng năng lực khác cho công ty và các cán bộ công chức ưu tiên tập trung cho các đối tượng mục tiêu. Đưa nội dung kinh doanh đạo đức và liêm chính vào chương trình đào tạo đại học, đặc biệt là các trường kinh tế, tài chính và luật…
Thứ tư, vận động chính sách và nhân rộng, nâng cao nhận thức về lợi ích của các thực tiễn quản trị doanh nghiệp tốt và kinh doanh có trách nhiệm thông qua các hoạt động hướng tới công chúng như đối thoại giữa chính phủ và doanh nghiệp. Tổ chức diễn đàn đối thoại giữa chính phủ và doanh nghiệp để trao đổi và đề xuất cơ chế cụ thể nhằm giảm các trường hợp hối lộ trong từng ngành. Các ngành kinh tế này có thể trao đổi các thực tiễn tốt. Thực hiện cách tiếp cận tương tự theo vùng, ví dụ ở 2 thành phố và 2 khu vực.
Thứ năm, phối hợp điều phối các hoạt động phòng, chống tham nhũng và làm đầu mối thông tin ở cấp quốc gia. Xây dựng Cổng thông tin trực tuyến chống tham nhũng ở Việt Nam trên cơ sở nâng cấp trang website của Đề án 12 tại địa chỉ: http://kdlc.vn/. Nâng cấp cổng thông tin thành đầu mối để các tổ chức tham gia chia sẻ thực tiễn tốt nhất…