Mặc dù doanh thu thuần quý 2/2018 của CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, HOSE: VOS) đã tăng 5% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp này vẫn tiếp tục thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018 mới được công bố, doanh thu thuần của VOS đạt 382 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp này vẫn tiếp tục lỗ 22 tỷ đồng.
Doanh thu thuần quý 2/2018 tăng chủ yếu là do tăng doanh thu cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do giá vốn ở mức khá cao, nên lợi nhuận gộp của VOS rất thấp, khiến biên lãi gộp chỉ ở mức 4%.
Về các hoạt động tài chính, doanh thu từ các hoạt động tài chính giảm 35% chủ yếu do giảm lợi nhuận từ các hoạt động đầu tư và lãi chênh lệch tỷ giá so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng thêm 22%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 30/04/2018
10:30, 05/04/2018
08:20, 10/03/2018
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của VOS âm 22 tỷ đồng, tuy nhiên khoản lỗ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của Công ty đạt 825 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và đạt 60% kế hoạch năm. Tuy nhiên Công ty vẫn lỗ ròng 52 tỷ đồng.
Đáng lưu ý tính đến thời điểm cuối tháng 6/2018, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VOS âm hơn 844,6 tỷ đồng.
Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) đã quyết định chuyển cổ phiếu VOS từ diện kiểm soát sang diện bị cảnh báo từ 6/4/2018. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2017 là 10,73 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/12/2017 trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán là âm 791 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán còn đưa ra ý kiến về khả năng hoạt động liên tục của công ty do nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 197 tỷ đồng.
Về vấn đề này, công ty cho biết việc nợ ngắn hạn tăng là do công ty tập trung vào tái cơ cấu tài chính kết hợp với xử lý nợ với các tổ chức tín dụng. Tại thời điểm 31/12/2017, việc đàm phán xử lý một số khoản nợ với các bên chưa thống nhất, do đó, công ty vẫn phải phân loại nghĩa vụ trả nợ trong năm 2018 đối với các khoản vay dài hạn sang vay ngắn hạn nên số nợ ngắn hạn tăng. Bên cạnh đó, một số khoản nợ đã được các bên thống nhất phương án nhưng chưa đủ điều kiện để ghi nhận giảm nợ phải trả ngắn hạn.
VOS dự định sẽ tiếp tục đàm phán với các tổ chức tín dụng và công ty mua bán nợ để sớm thống nhất phương án cụ thể xử lý các khoản nợ vay.
Hiện nay ngành vận tải biển đang gặp rất nhiều khó khăn, các hãng tàu biển Việt Nam đều phải vay vốn ngân hàng với số tiền rất lớn, trong khi chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu cao, thị trường lại ế ẩm nên đã bào mòn kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, việc chênh lệch tỷ giá trong thời gian qua cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp đều có các khoản vay bằng USD để đầu tư đội tàu.